* Lập doanh nghiệp "ma" mời, bảo lãnh "chuyên gia" dởm sang Việt Nam

Qua công tác nghiệp vụ, Phòng Quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú người nước ngoài (Phòng 4), Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an phát hiện nhiều thủ đoạn tinh vi của một số đối tượng tại một số tỉnh, thành phố lợi dụng pháp nhân doanh nghiệp, lập doanh nghiệp “ma” để làm thủ tục mời, bảo lãnh cho người nước ngoài vào làm việc không đúng đối tượng theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm thu lời bất chính.

Đại tá Đặng Tuấn Việt, Trưởng phòng 4 chia sẻ: "Chúng tôi phát hiện dấu hiệu nghi vấn từ 3 người Hàn Quốc gồm ông Lee K.Y (sinh 1968); ông Lee B.G (sinh 1973) và ông Seo Y.J (sinh 1973,) tự nhận là nhân viên của Tổng Lãnh Sự quán Hàn Quốc tại TP Đà Nẵng đến Cục nộp hồ sơ đề nghị nhập cảnh cho khoảng 60 “chuyên gia” Hàn Quốc theo bảo lãnh của trên 40 doanh nghiệp khác nhau ở nhiều tỉnh, thành (chủ yếu ở các thành phố lớn như Đà Nẵng, Tp Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Nam)".

leftcenterrightdel
Cán bộ chiến sĩ Phòng 4 kiểm tra giấy tờ các đối tượng người nước ngoài nhập cảnh trái phép. 

Các trinh sát Phòng 4 vào cuộc để điều tra, xác minh. Được biết, ông Lee K.Y là Giám đốc của Cty E.YE.LUX (tại Đà Nẵng) đồng thời là Phó chủ tịch “Hiệp hội người Hàn tại Đà Nẵng” (công ty này hoạt động tự phát, chưa có giấy phép hoạt động - PV). Ông Lee K.Y lợi dụng mối quan hệ tại Đà Nẵng và danh nghĩa của “Hiệp hội người Hàn Quốc” để hỗ trợ các công ty nhận được chấp thuận nhập cảnh và phương án cách ly của Sở Y tế để hoàn tất hồ sơ đề nghị nhập cảnh cho “chuyên gia” Hàn Quốc, (thu 40 triệu đồng/1 khách bao gồm vé máy bay, chi phí cách ly, kiểm tra y tế) và đã hoàn tất thủ tục cho hơn 50 người Hàn Quốc. Các hồ sơ được nhận qua mạng, không rõ về các công ty và người Hàn Quốc được bảo lãnh.

Làm việc với các trinh sát, ông Seo Y.J cho biết ông là nhà đầu tư và làm Giám đốc của Cty H IN H (tại Đà Nẵng. Công ty đã 5 lần thay đổi Giấy ĐKKD và tên), kinh doanh trong lĩnh vực du lịch. Do tình hình dịch bệnh COVID - 19 diễn ra, Cty tạm dừng hoạt động, ông Seo Y.J tham gia “Hiệp hội người Hàn tại Đà Nẵng”, hỗ trợ hướng dẫn và kiểm tra hồ sơ nhập cảnh cho người Hàn Quốc. 

leftcenterrightdel
Xử phạt hành chính một người nước ngoài nhập cảnh trái phép. 

Quá trình thu thập tài liệu, Phòng 4 còn xác định “Hiệp hội người Hàn tại Đà Nẵng” là tổ chức tự phát, không được cơ quan chức năng cho thành lập. Từ các căn cứ thu thập được, Phòng 4 đã đề xuất Cục xử phạt đối với ông Lee K.Y và ông Seo Y.J; thu, hủy giấy tờ cấp; trao đổi các cơ quan chức năng trong ngành Công an phối hợp quản lý nắm tình hình hoạt động của nhóm này. Hiện Công an TP Đà Nẵng đã làm rõ, khởi tố vụ án liên quan 14 người nước ngoài (NNN). 

* Hơn 46.000 người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo diện "chuyên gia"

Đây chỉ là một trong những thủ đoạn đối tượng hoạt động để đưa chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam không đúng diện đối tượng. Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý XNC thì từ ngày 1/1/2021 đến nay, đã có hơn 46.000 người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam theo diện chuyên gia, cùng thân nhân… 

Nhằm thực hiện mục tiêu “kép” vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch COVID-19, thời gian qua Cục quản lý XNC nói chung, Phòng 4 nói riêng là đơn vị được giao nhiệm vụ giúp Cục trưởng thống nhất chỉ đạo công tác nắm tình hình; đề xuất và tổ chức thực hiện các chủ trương, kế hoạch, biện pháp công tác quản lý đối với hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của NNN tại Việt Nam theo quy định của pháp luật…

leftcenterrightdel
Phòng 4 họp giao ban công tác. 
Qua công tác nắm tình hình, quản lý cư trú của người nước ngoài. Phòng 4 đã phát hiện nhiều doanh nghiệp vi phạm. Đơn vị đã phát hiện, báo cáo chuyển cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội và Công an tỉnh Bắc Ninh điều tra, xử lý các đối tượng lợi dụng danh nghĩa pháp nhân của 21 doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh gồm Bắc Ninh, Bắc Giang và TP Hà Nội để xin chủ trương của UBND tỉnh, thành phố, làm hồ sơ xét duyệt nhân sự nhập cảnh cho hàng trăm NNN.

Số này, sau khi nhập cảnh đã không làm việc cho doanh nghiệp bảo lãnh mà đến các doanh nghiệp khác tại Hải Dương, Hải Phòng, Bình Dương, Hoà Bình, Hưng Yên…, để làm việc hoặc thu, mua nông sản, thủ sản tự phát, thăm thân hoặc giải quyết các mục đích khác.

Kểt quả ban đầu, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án “Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép”; khởi tố bị can đối với 7 đối tượng và áp dụng biện pháp bắt bị can để tạm giam đối với 3 đối tượng. 

leftcenterrightdel
Trục xuất người nhập cảnh trái phép về nước. 

Gần đây nhất, Phòng 4 đã phát hiện 28 doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương có dấu hiệu làm già giấy tờ xin cấp giấy phép lao động cho khoảng 400 trường hợp để hợp thức hoá thủ tục cư trú cho NNN tại Việt Nam.

Từ đó, đã có có công văn trao đổi với Công an tỉnh Bình Dương kiểm tra, xác minh và hiện đang  phối hợp với Công an các địa phương kiểm tra, xác minh mở rộng. Cục Quản lý XNC đã phối hợp Công an địa phương rà soát, kiểm tra, phát hiện và xử lý các doanh nghiệp tại địa bàn vi phạm về bão lãnh NNN nhập cảnh Việt Nam không đúng mục đích tại Bắc Ninh là 18 doanh nghiệp, Bắc Giang là 6 doanh nghiệp…, xử phạt vi phạm hành chính hàng chục vụ việc.

 Đại tá Đặng Tuấn Việt, Trưởng Phòng 4 chia sẻ: Hiện nay, “nóng” nhất vẫn là việc quản lý NNN xin nhập cảnh theo dạng chuyên gia vào làm việc, việc giấy phép lao động để hợp thức hoá việc cư trú và hoạt động trái phép. Phần lớn số NNN nhập cảnh vào đường bộ nhưng cũng có nhiều trường hợp nhập cảnh bằng đường hàng không…., nên 24/24h, vào các ngày trong tuần, CBCS của phòng vẫn phải căng mình làm nhiệm vụ.

 

Mai Hoàng