Ngày 5/2, PV Báo Bảo vệ pháp luật có mặt tại công viên nước Thanh Hà (phường Phú Lương, quận Hà Đông, TP Hà Nội) để tiếp tục ghi nhận hiện trạng của công viên nước này sau khi bị cưỡng chế, phá dỡ.
Đã hơn nửa tháng trôi qua, đống đổ nát nơi đây vốn là khối tài sản trăm tỉ vẫn nằm trơ chọi phơi nắng mưa. Nếu không bị phá dỡ, chúng đã có thể được tháo dỡ và di chuyển đến một nơi khác để tiếp tục công năng sử dụng hữu ích, phục vụ nhu cầu của cộng đồng...
Diễn tiến vụ việc
Công viên nước Thanh Hà có vốn đầu tư khoảng 200 tỉ đồng, được xác định xây dựng nhằm mục đích phục vụ công cộng; làm khu vui chơi cho trẻ em, không nhằm mục đích kinh doanh. Tuy nhiên, sau khi công viên nước Thanh Hà đưa vào sử dụng đã xảy ra 2 vụ đuối nước thương tâm.
Trước những sự cố trên, các cơ quan chức năng quận Hà Đông đã kiểm tra và xác định công viên nước Thanh Hà là hạng mục xây dựng phải có giấy phép xây dựng, nhưng Công ty Cienco 5 chưa thực hiện việc xin phép xây dựng. Do đó, UBND quận Hà Đông yêu cầu chủ đầu tư dừng khai thác, sử dụng công viên nước Thanh Hà để chờ xử lý.
|
|
Công viên nước Thanh Hà với vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng giờ chỉ còn là đống đổ nát sau khi bị phá dỡ. |
Ngày 27/11/2019, UBND quận Hà Đông có quyết định 4725/QĐ-UBND, yêu cầu chủ đầu tư phải tháo dỡ 19 hạng mục xây dựng của công viên nước Thanh Hà trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định.
Chấp hành quyết định trên của UBND quận Hà Đông, Công ty Cienco 5 đã thực hiện việc tháo dỡ các hạng mục xây dựng và lắp đặt tại công viên nước Thanh Hà. Tuy nhiên, do khối lượng công việc nhiều và các hạng mục lắp đặt tại công viên nước Thanh Hà có kết cấu kỹ thuật phức tạp, cần thực hiện theo quy trình kỹ thuật và do nhà thầu lắp đặt tháo dỡ để đảm bảo không hư hỏng, không mất giá trị sử dụng của tài sản mà Công ty đã đầu tư nên Công ty này đã gửi báo cáo đến UBND quận Hà Đông đề nghị gia hạn và xem xét tạo điều kiện để Công ty xử lý các thiết bị kỹ thuật theo quy trình.
Tuy nhiên, ngày 24/12/2019, UBND quận Hà Đông đã "khẩn trương" ra Quyết định số 5079/QĐ-CCXP về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả mà không chấp nhận ý kiến và đề xuất gia hạn.
|
|
Các hạng mục tiền tỉ có thể tháo dỡ để di dời tiếp tục sử dụng đã bị đoàn cưỡng chế phá dỡ, hư hỏng hoàn toàn. |
Ngày 30/12/2019, UBND phường Phú Lương có Thông báo số 606/TB-UBND về việc thực hiện quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo theo quyết định 5079/QĐ-CCXP của UBND quận Hà Đông. Theo đó, UBND phường Phú Lương yêu cầu Công ty phải tự tháo dỡ 19 hạng mục theo yêu cầu của UBND quận Hà Đông, xong trước 17 giờ ngày 10/1/2020.
Công ty Cienco 5 tiếp tục thực hiện việc tháo dỡ, đồng thời có văn bản trình bày khó khăn do khối lượng công việc nhiều và kỹ thuật phức tạp trong khi Tết nguyên đán Canh Tý 2020 cận kề, Công ty không thể mời được chuyên gia, thợ kỹ thuật của nhà thầu Trung Quốc sang thực hiện tháo dỡ nên không thể đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của UBND quận Hà Đông và UBND phường Phú Lương và xin gia hạn nhưng bất thành.
Phá dỡ thay vì... tháo dỡ
Theo phản ánh, đúng 7h sáng ngày 15/1/2020 (tức ngày 21 tháng Chạp âm lịch), UBND phường Phú Lương đã tổ chức lực lượng cưỡng chế gồm khoảng 100 người và khoảng 10 xe cơ giới đến hiện trường công viên nước Thanh Hà để thực hiện cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng theo các quyết định của UBND quận Hà Đông.
Đoàn cưỡng chế đã yêu cầu và buộc toàn bộ công nhân, nhân viên của Công ty đang thực hiện tháo dỡ phải rời hiện trường để đoàn cưỡng chế thực hiện cưỡng chế tháo dỡ.
Tiếp theo, đoàn cưỡng chế đã sử dụng các thiết bị cơ giới đập phá toàn bộ các hạng mục xây dựng trên khuôn viên khu đất A2.2-CCĐT01, là các hạng mục xây dựng và lắp đặt trong công viên nước, bao gồm cả cây xanh được trồng trên vỉa hè, khuôn viên của Công viên nước Thanh Hà. Các thiết bị kỹ thuật lắp đặt trong khuôn viên Công viên nước Thanh Hà bị đập phá toàn bộ, không còn giá trị sử dụng.
Đối với các hạng mục xây dựng, việc tháo dỡ có thể không giữ nguyên được giá trị sử dụng như ban đầu. Song, đối với các thiết bị kỹ thuật được lắp đặt thì hoàn toàn có thể tháo dỡ bằng thiết bị kỹ thuật để di dời, bảo đảm tái sử dụng và lắp đặt tại vị trí khác; bảo toàn giá trị tài sản. Song, ở đây, các cơ quan chức năng của quận Hà Đông đã đập phá tất cả, không loại trừ bất cứ hạng mục nào, bao gồm cả cây xanh.
Vi phạm quy định về cưỡng chế
Về vấn đề này, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty Luật Đức An phân tích: “Khoản 5 điều 15 và điểm d, khoản 10, điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà ở"; Khoản 5 Điều 34 Nghị định 166/2013/NĐ-CP quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định như sau:
|
|
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty Luật Đức An. |
“Trường hợp cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế về việc tháo dỡ, di chuyển công trình xây dựng trái phép hoặc bàn giao đất mà trong công trình và trên đất đó có tài sản không thuộc diện phải cưỡng chế thì người tổ chức cưỡng chế có quyền buộc cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế và những người khác có mặt trong công trình ra khỏi công trình hoặc khu vực đất, đồng thời yêu cầu họ tự chuyển tài sản ra theo. Nếu họ không tự nguyện thực hiện thì người tổ chức cưỡng chế yêu cầu lực lượng cưỡng chế đưa họ cùng tài sản ra khỏi công trình hoặc khu vực đất đó.
Nếu họ từ chối nhận tài sản, người tổ chức cưỡng chế phải lập biên bản ghi rõ số lượng, chủng loại, tình trạng từng loại tài sản và thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện để trông giữ, bảo quản hoặc bảo quản tại kho của cơ quan ra quyết định cưỡng chế và thông báo địa điểm, thời gian để cá nhân, tổ chức có tài sản nhận lại tài sản. Cá nhân, tổ chức có tài sản phải chịu các chi phí vận chuyển, trông giữ, bảo quản tài sản.
Quá thời hạn 6 tháng, kể từ ngày nhận được thông báo đến nhận tài sản mà cá nhân, tổ chức có tài sản không đến nhận thì tài sản đó được bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Số tiền thu được, sau khi trừ các chi phí cho việc vận chuyển, trông giữ, bảo quản, xử lý tài sản sẽ được gửi tiết kiệm loại không kỳ hạn tại tổ chức tín dụng và thông báo cho cá nhân, tổ chức có tài sản biết để nhận khoản tiền đó. Đối với tài sản hư hỏng và không còn giá trị, người tổ chức cưỡng chế tổ chức tiêu hủy theo quy định của pháp luật. Người tổ chức cưỡng chế phải lập biên bản ghi rõ hiện trạng của tài sản trước khi tiêu hủy”.
Như vậy, nếu các tài sản như ván trượt, cầu trượt, những thiết bị khác không thuộc diện phải cưỡng chế thì đoàn cưỡng chế yêu cầu người bị cưỡng chế tự di chuyển tài sản đó ra khỏi khu vực bị cưỡng chế mà đoàn cưỡng chế không được đập phá các tài sản đó.
Còn về trách nhiệm của cơ quan chức năng khi để một công trình không có phép mà xây dựng rồi đưa vào vận hành, khai thác thì theo quy định Nghị định 139/2017/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, bất động sản thì Thanh tra xây dựng và chính quyền địa phương (cấp xã phường, cấp quận huyện, Thành phố) có trách nhiệm kiểm tra, giám sát phát hiện và kịp thời xử lý các công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng.
Trong trường hợp cá nhân, cơ quan được giao nhiệm vụ mà buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm để xảy ra những công trình sai phạm nghiêm trọng thì cá nhân, cơ quan đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.