Không đánh giá toàn diện chứng cứ

leftcenterrightdel
Quyết định kháng nghị của VKSND Cấp cao tại TP.HCM. 

Sáng 23/3, VKSND Cấp cao tại TP.HCM cho biết vừa ban hành Quyết định kháng nghị theo thủ tục  giám đốc thẩm đối với bản án dân sự phúc thẩm số 813/2018/DS-PT ngày 7/9/2018 của TAND TP.HCM.

Đề nghị Ủy ban thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử giám đốc thẩm hủy bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và bản án dân sự sơ thẩm số 172/2018/DS-ST ngày 7/5/2018 của TAND quận Gò Vấp. Đồng thời, tạm đình chỉ thi hành bản án dân sự phúc thẩm đến khi có Quyết định giám đốc thẩm.

Theo Quyết định kháng nghị của VKSND Cấp cao tại TP.HCM, Công ty cổ phần Cơ khí Xây dựng Công trình 623 (Công ty 623) khởi kiện yêu cầu những người thừa kế của ông Nguyễn Văn Giang là bà Nguyễn Thị Hằng (vợ), ông Nguyễn Văn Quảng (bố ông Giang), cháu Nguyễn Hải Sơn và cháu Nguyễn Hải Hà (con ông Giang) trả 11 sổ tiết kiệm trị giá 5,5 tỷ đồng và 129 triệu đồng trong tài khoản do ông Giang đứng tên. Bà Hằng không đồng ý yêu cầu nguyên đơn vì cho rằng số tiền do ông Giang đứng tên chủ sở hữu là tài sản ông Giang. Hiện ông Giang đã chết thì để lại đồng thừa kế của ông Giang được thừa hưởng.

Công ty 623 đưa ra biên bản họp giao ban ngày 23/1/2017 là không có thật. Việc công ty chuyển tiền cho ông Giang không thể hiện là tiền gửi tiết kiệm vì giữa ông Giang và Công ty 623 có quan hệ làm ăn, vay mượn tiền và có chuyển tiền qua lại nhiều lần nên không chấp nhận việc công ty chuyển tiền để gửi tiết kiệm giùm công ty.

Về tố tụng, Công ty 623 khởi kiện các đồng thừa kế của ông Giang để đòi tài sản, lẽ ra toà án xác định bà Hằng, ông Quảng và hai người con là bị đơn mới đúng. Toà sơ thẩm xác định bà Hằng bị đơn, những người còn lại là có nghĩa vụ liên quan là không đúng tư cách đương sự theo quy định tại khoản 3, Điều 68 BLTTDS. Việc xác định không đúng tư cách đương sự nên phần án phí lại buộc bị đơn và người liên quan chịu án phí dân sự sơ thẩm là không đúng quy định tại khoản 2, điều 26, Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTV Quốc hội.

Về pháp lý, số tiền 5,5 tỷ đồng trong 11 sổ tiết kiệm do ông Giang đứng tên thuộc quyền sở hữu của ông Giang. Khi ông chết đi, thì những người thừa kế được hưởng di sản do ông Giang để lại. Nguyên đơn cho rằng đây là tài sản của công ty nhờ ông Giang đứng tên sổ tiết kiệm thì phải có nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu đó.

Xét chứng cứ, “Biên bản họp giao ban ngày 23/1/2017” do Công ty 623 xuất trình nội dung có đề cập đến cuộc họp Đại hội cổ đông bất thường ngày 19/1/2017 về việc quyết định sử dụng số tiền 63 tỷ đồng, trong đó có nội dung quyết định sử dụng số tiền 8,2 tỷ đồng giao cho ông Dũng 1,5 tỷ đồng, giao ông Giang hơn 6,7 tỷ đồng đứng tên mở sổ tiết kiệm lấy lãi bổ sung quỹ công đoàn. Mặc dù toà án hai cấp đã có yêu cầu và hoãn phiên toàn nhưng phía Công ty 623 không cung cấp được biên bản cuộc họp Đại hội cổ đông bất thường ngày 19/1/2017.

VKSND Cấp cao tại TP.HCM nhận định, do chưa thu thập đầy đủ tài liệu chứng cứ, tòa án hai cấp sơ thẩm, phúc thẩm sử dựng các chứng cứ chưa được kiểm tra tính xác thực, không đánh giá toàn diện các chứng cứ, tình tiết khách quan của vụ án lại xử chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là chưa có cơ sở vững chắc gây ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự.

Bản án thiếu thuyết phục?

Theo hồ sơ vụ việc, ngày 17/2/2017, ông Nguyễn Văn Giang nguyên là Kế toán trưởng Công ty 623 đột ngột qua đời do tai nạn. Sau đó, đại diện Công ty 623 và gia đình ông Giang đã cùng mở niêm phong phòng làm việc của ông Giang. Trong hộc tủ bàn làm việc của ông Giang có 11 cuốn sổ tiết kiệm mang tên ông Giang và 3 cuốn sổ tiết kiệm mang tên ông Hoàng Minh Dũng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty 623, cùng một biên bản bàn giao sổ tiết kiệm có ghi tên người bàn giao là ông Giang và người nhận bàn giao là thủ quỹ của công ty, nhưng chưa được ký tên đóng dấu.

Theo lãnh đạo Công ty 623, 11 sổ tiết kiệm mang tên ông Giang và khoản tiền 129 triệu đồng trong tài khoản cá nhân ông Giang là tiền của Công ty 623 nhờ ông Giang đứng tên giùm.

Ngược lại, phía gia đình ông Giang khai nhận đó là tài sản thừa kế (gồm những cuốn sổ tiết kiệm và phần tiền trong tài khoản cá nhân ông Giang) nên Công ty 623 phải kiện ra tòa giải quyết.

Tại phiên tòa, luật sư bảo vệ cho bị đơn và bà Hằng, đại diện quyền lợi và nghĩa vụ cho bị đơn đã phản bác lại các chứng cứ của phía Công ty 623 đưa ra, vì biên bản họp giao ban lại không có chữ ký của ông Giang để chứng minh chồng bà đã nhận tiền. Bên cạnh đó bà Hằng còn cho rằng, trước đó phía công ty thường hay vay mượn tiền của ông Giang, nên việc phía công ty có chuyển cho chồng bà qua tài khoản số tiền trả nợ cho ông Giang. Cho nên số tiền trên là của vợ chồng bà Hằng.

Giữ quyền công tố, đại diện VKS nhận định, nội dung có căn cứ cho rằng Công ty 623 có chuyển tiền vào tài khoản của ông Giang. Tuy nhiên, xét vào năm 2014 khi Công ty 623 có mượn sổ tiết kiệm của ông Giang với số tiền là 800 triệu đồng thì Công ty 623 đã lập biên bản việc vay mượn rất chặt chẽ.

Nhưng với việc chuyển số tiền rất lớn vào năm 2017 này thì lại không lập thủ tục chặt chẽ như trường hợp vay mượn lúc trước. Do vậy, đại diện VKS cho rằng biên bản việc họp để chuyển tiền cho ông Giang lập sổ tiết kiệm là không có cơ sở, nên đại diện VKS bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tuy nhiên, HĐXX tuyên chấp thuận yêu cầu khởi kiện của phía nguyên đơn và buộc bị đơn có trách nhiệm trả số tiền mà phía nguyên đơn khởi kiện. Việc chứng cứ tại phiên tòa thiếu tính pháp lý và những lời khai của các nhân chứng có khách quan hay không? Khiến cho bà Hằng và những người đồng thừa hưởng không khỏi bức xúc về bản án trên. Chưa xét đến việc Công ty 623 có hay không dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc động cơ gì?  Khi mà đã trình bày tại phiên tòa việc chuyển tiền từ công ty sang cá nhân là nhằm trốn tránh việc chi trả cho đối tác, ngân hàng và bảo hiểm xã hội...?

Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này./.

Nguyễn Lánh