Như Báo Bảo vệ Pháp luật đã đưa tin trước đó, tại Bản án sơ thẩm số 14/2018/HSST ngày 20/11/2018, TAND huyện Krông Bông (Đắk Lắk) đã tuyên bố bị cáo Lý Văn Sùng phạm tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”. Áp dụng điểm a khoản 2 Điều 244; các điểm b và s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54; Điều 38 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Lý Văn Sùng 3 năm 6 tháng tù.

leftcenterrightdel
Voọc chà vá chân đen thuộc Nhóm 1B (danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ). Ảnh: Minh hoạ. (nguồn: Ninh thuận online). 

Theo nội dung vụ án ngày 12/6/2018, Sùng nói vợ điều khiển xe mô tô của gia đình chở Sùng đến buôn Ja, xã Hoà Sơn (huyện Krông Bông) để Sùng đi hái nấm. Sau đó, Sùng đi bộ đến khu vực Tiểu khu 1195 (thuộc Vườn Quốc gia Chư Yang Sin) lấy một khẩu súng kíp được giấu sẵn ở đó để đi săn bắn thú.

Trong hai ngày 13- 14/6/2018, Sùng bắn được 4 con voọc, rồi đem về lán để sấy khô. Tối 14/6/2018, Sùng đang trên đường mang 4 con voọc này về để gia đình sử dụng làm thức ăn thì bị lực lượng tuần tra Kiểm lâm Vườn Quốc gia Chư Yang Sin phát hiện, bắt giữ cùng toàn bộ tang vật nói trên.

Tại bản kết luận giám định động vật số 500/STTNSV, ngày 21/6/2018 của Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật kết luận: 4 cá thể động vật đã sấy khô là: loài Voọc chà vá chân đen có tên khoa học là Pygathrix nigripes, thuộc Nhóm 1B (danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ)

Trong quá trình kiểm sát bản án, ngày 10/12/2018, VKSND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định kháng nghị một phần Bản án hình sự sơ thẩm nói trên của TAND huyện Krông Bông về áp dụng pháp luật và mức hình phạt tù. Đồng thời, đề nghị TAND tỉnh xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng: Áp dụng các tình tiết định khung tăng nặng là: “Số lượng động vật từ 3-7 cá thể lớp thú quy định tại điểm a khoản 1 Điều này”; “sử dụng công cụ săn bắn bị cấm” và “săn bắn trong khu vực bị cấm”, được quy định tại các điểm a, g và h khoản 2 Điều 244 Bộ luật Hình sự, để xét xử đối với bị cáo Sùng. Không áp dụng Điều 54 Bộ luật Hình sự và tăng mức hình phạt tù đối với bị cáo Sùng.

Trên cơ sở kháng nghị của Viện kiểm sát, TAND tỉnh Đắk Lắk nhận thấy, bị cáo Sùng đã sử dụng 1 khẩu súng kíp tự tạo (thuộc nhóm súng săn – bị nghiêm cấm tàng trữ, sử dụng theo quy định tại các khoản 1 và khoản 2 Điều 5 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017) để vào tiểu khu 1195 của Vườn quốc gia Chư Yang Sin đi săn và bắn chết 4 con Voọc chà vá chân đen thuộc nhóm 1B. Như vậy, ngoài vi phạm vào quy định tại điểm 1 khoản 2 Điều 244 Bộ luật Hình sự thì hành vi phạm tội của bị cáo Sùng còn phạm vào 2 tình tiết định khung tăng nặng nữa là: “Sử dụng công cụ săn bắn bị cấm” và “Săn bắn trong khu vực bị cấm” được quy định tại các điểm g và h khoản 2 Điều 244 Bộ luật Hình sự.

Theo TAND tỉnh Đắk Lắk nhận định do đánh giá sai tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo nên Tòa án cấp sơ thẩm chỉ xét xử bị cáo theo điểm a khoản 2 Điều 244 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo 3 năm 6 tháng tù là chưa thỏa đáng, chưa tương xứng với tính chất, mức độ và hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo. Vì thế, kháng nghị của VKSND tỉnh Đắk Lắk là có căn cứ.

Sau khi nghiên cứu toàn bộ hồ sơ. Mới đây, TAND tỉnh Đắk Lắk đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm: Chấp nhận quyết định kháng nghị số 02/QĐ-VKS-P7 ngày 10/12/2018 của VKSND tỉnh để sửa bản án sơ thẩm số 14/2018/HSST ngày 20/11/2018 của TAND huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) và áp dụng các điểm a, g, h khoản 2 Điều 244; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, xử phạt bị cáo Lý Văn Sùng 5 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”. 

Chính Cương