Một phút nóng giận ...

Mới đây, gia đình ông Nguyễn Văn Hướng (SN 1956, trú tại quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) gửi đơn kêu cứu, mong các cơ quan chức năng có thẩm quyền cứu xét lại bản án sơ thẩm của TAND quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng đã tuyên đối với các thành viên trong gia đình ông.

Nội dung vụ việc thể hiện: Gia đình ông Hướng có căn nhà tại đường Nguyễn Lương Bằng thuộc thửa đất số 90, tờ bản đồ 270 (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) do Nguyễn Văn Cường (SN 1993, con trai ông Hướng) đứng tên, đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CH 737585, trong đó có 28,6m2 đất nằm trong quy hoạch hành lang an toàn đường sắt. Do một phần nhà vệ sinh của căn nhà này bị hư hỏng, bốc mùi hôi khó chịu nên gia đình ông Hướng mua vật tư về để xây sửa, nới rộng.

Ngày 4/8/2020, khi nhóm thợ đang xây sửa lại nhà vệ sinh thì Đội kiểm tra quy tắc đô thị quận Liên Chiểu đến kiểm tra, phát hiện gia đình ông Hướng xây dựng nhà vệ sinh không phép, trong đó có phần diện tíc 4,8m2 vi phạm hành lang an toàn đường sắt, nên lập biên bản vụ việc và tiến hành tháo dỡ công trình.

leftcenterrightdel
 Nhà vệ sinh bị phá dỡ.

Trưa cùng ngày, anh Nguyễn Văn Cường về nhà, thấy nhà vệ sinh bị lập biên bản vi phạm, phá dỡ khi chưa có quyết định cưỡng chế, nên yêu cầu thợ tiếp tục xây dựng lại. Đến 16 giờ 30 ngày 4/8/2020, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam nhận được tin báo gia đình ông Hướng tiếp tục xây dựng công trình trái phép nên yêu cầu “Tổ cơ động thực hiện phòng chống dịch COVID-19” gồm một số thành viên Tổ quy tắc đô thị phường và dân quân tự vệ xuống kiểm tra, xử lý vụ việc.

Tại đây, Tổ công tác lập biên bản vi phạm, yêu cầu gia đình ông Hướng dừng việc xây dựng và tháo dỡ phần xây dựng vi phạm, nhưng không nhận được sự hợp tác, gia đình ông Hướng không ký vào biên bản. Tổ công tác báo cáo lãnh đạo phường yêu cầu cử thêm lực lượng xuống hỗ trợ xử lý, trong đó có 3 đồng chí Công an phường.

Do gia đình ông Hướng không chấp hành phá dỡ công trình, ông Nguyễn Thương - nhân viên Tổ quy tắc đô thị dùng tay xô đổ sập bức tường nhà vệ sinh vừa xây dựng. Cho rằng việc làm của ông Thương chưa đúng trình tự pháp luật khi chưa có quyết định cưỡng chế đã phá công trình nên gia đình ông Hướng phản ứng và xảy ra xô xát nhẹ giữa hai bên, với mục đích không cho các nhân viên này phá dỡ công trình.

Thấy vậy, 3 đồng chí Công an phường vào can ngăn và hai bên cũng xảy ra xô xát nhẹ. Sau đó Công an nhanh chóng khống chế, đưa những người liên quan về phường làm việc.

Quan điểm của Viện kiểm sát thực sự thấu lý đạt tình

Quá trình điều tra, người nhà ông Hướng cũng như các thợ xây đã thừa nhận hành vi của mình và bày tỏ sự ân hận vì nóng giận, nông nổi đã gây ra vụ việc...

Các bản kết luận giám định thương tích thể hiện 3 cán bộ Công an tỷ lệ thương tích là 1% và 0% (hai người 1%, 1 người 0%), nhân viên Quy tắc đô thị Nguyễn Thương là 4%. Các cán bộ công an cũng như ông Nguyễn Thương sau đó có đơn yêu cầu không khởi tố vụ án hình sự cũng như không yêu cầu bồi thường đối với các bị can nên Công an quận Liên Chiểu không xử lý trách nhiệm hình sự mà ra quyết định xử phạt hành chính...

leftcenterrightdel
 Quan điểm của Viện kiểm sát tại phiên toà sơ thẩm được đánh giá là hợp tình, hợp lý.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 27/9, đại diện VKSND quận Liên Chiểu sau khi xem xét các tình tiết giảm nhẹ như cả 3 người trong gia đình ông Hướng có nhân thân tốt, bản thân ông Hướng là con liệt sĩ, người có công với cách mạng, mẹ ruột và bà nội ông Hướng được Nhà nước tặng danh hiệu cao quý Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH)… nên đề nghị HĐXX tuyên phạt ông Nguyễn Văn Hướng từ 6-9 tháng tù cho hưởng án treo; bà Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Hướng) mức án 6-9 tháng cải tạo không giam giữ; Nguyễn Văn Cường (con trai ông Hướng - bà Chiến) mức án 12 đến 15 tháng tù...

Tuy nhiên, kết thúc phiên tòa, HĐXX TAND quận Liên Chiểu đã tuyên phạt mức án nặng hơn so với Viện kiểm sát đề nghị. Cụ thể, ông Nguyễn Văn Hướng bị tuyên án 9 tháng tù giam; bà Nguyễn Thị Chiến bị tuyên 9 tháng tù cho hưởng án treo và Nguyễn Văn Cường nhận mức án 18 tháng tù về cùng về tội “chống người thi hành công vụ”...

Sau phiên tòa sơ thẩm, gia đình ông Hướng đã làm đơn kháng cáo và gửi đơn xin cứu xét đến các cấp thẩm quyền. Theo bà Nguyễn Thị Chiến, do nhà vệ sinh cũ của gia đình bị hư hỏng, bốc mùi rất hôi nên mới cho sửa chữa lại. Gia đình bà là gia đình chính sách, luôn chấp hành tốt các chủ trương chính sách, pháp luật. Sau khi vụ việc xảy ra, gia đình đã hiểu, rất hối hận bởi hành vi nóng giận, nông nổi nhất thời và đã có lời xin lỗi các thành viên Tổ công tác và các đồng chí Công an phường và đã được chấp nhận. Do vậy bà chỉ mong cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét lại mức án trên đối với các thành viên trong gia đình bà và các bị cáo khác.

Liên quan đến vụ việc trên, theo Luật sư Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty luật Q.A.P (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, căn cứ vào Luật xử lý vi phạm Hành chính năm 2012 và Thông tư 02/2014 TT-BXD ngày 12-2-2014 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng thì việc một số cán bộ thực thi công vụ của quận Liên Chiểu tháo dỡ công trình xây dựng khi chưa có quyết định cưỡng chế và xử phạt là chưa đúng. 

Bên cạnh đó, cần phải làm rõ chức năng nhiệm vụ của “Tổ cơ động thực hiện phòng chống dịch COVID - 19” có quyền cưỡng chế công trình xây dựng hay không?! Nếu không có thì những cán bộ trên có dấu hiệu sai phạm vượt quá thẩm quyền. Việc gia đình ông Hướng có hành vi chống đối chỉ là hệ quả của sự bức xúc bộc phát với cái sai của một số cán bộ thực thi công vụ trước đó. Vì vậy khi xét xử cần xem xét đến nguyên nhân phạm tội cũng như nhiều khía cạnh khác để có một bản án vừa thấu tình, đạt lý, tạo cơ hội cho các bị cáo ăn năn, sửa chữa.

leftcenterrightdel
 Gia đình ông Hướng có mẹ ruột và bà nội được phong tặng bà Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Ngoài ra, theo Luật sư Quốc Anh, mục tiêu hướng đến của pháp luật là điều chỉnh hành vi của người phạm tội. Trong vụ việc này, rõ ràng gia đình ông Hướng đã nhận thức được cái sai của mình thể hiện trước thái độ ăn năn hối cải, chấp hành nộp phạt. Mặt khác bản thân ông Hướng và gia đình có truyền thống cách mạng, có hai người được vinh danh Mẹ VNAH, có nhiều đóng góp trong hai cuộc kháng chiến nên cần một bản án hợp lý, đủ tính giáo dục và răn đe nhưng vẫn thấu tình, đạt lý.

Trong vụ án trên, Toà cấp sơ thẩm đã tuyên mức án cao hơn so với tội danh và Viện kiểm sát truy tố. Về nội dung này, theo một số chuyên gia pháp lý, điều này đã vi phạm quy định tại Điều 298 BLTTHS năm 2015 về Giới hạn xét xử. Cụ thể Điều 298 được quy định như sau: “1. Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử. 2. Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố. 3. Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó”.
P.V