Quy định được áp dụng đối với các đối tượng, gồm: Các đơn vị có nhiệm vụ tiếp nhận, phân loại đơn, gồm: Vụ Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (Vụ 12) thuộc VKSND tối cao; Phòng kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (Phòng 5) thuộc Viện kiểm sát (VKS) quân sự trung ương; Văn phòng VKSND cấp cao (gọi là đơn vị tiếp nhận). Các đơn vị có nhiệm vụ, quyền hạn thụ lý, xử lý và giải quyết đơn, gồm: Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự (Vụ 7), Vụ Kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình (Vụ 9), Vụ Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật (Vụ 10) thuộc VKSND tối cao; Phòng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự (Phòng 3) thuộc VKS quân sự trung ương; các Viện nghiệp vụ thuộc VKSND cấp cao (gọi là đơn vị giải quyết). Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tiếp nhận, phân loại, thụ lý, xử lý và giải quyết đơn.

Đối với đơn do các cơ quan Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội chuyển đến hoặc đơn có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo VKS, Quy định nêu rõ: Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận, đơn vị tiếp nhận phân loại như sau: Thực hiện như điểm a, điểm b mục 1.2 khoản 1 Điều 6 Quy định này và quản lý, theo dõi riêng.

Trường hợp đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết của VKS cấp mình thì làm thủ tục chuyển đơn cùng các tài liệu liên quan đến VKS có thẩm giải quyết; đồng thời thông báo cho cơ quan, người chuyển đơn và người có đơn đề nghị biết việc chuyển đơn.

Trường hợp đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của VKS cấp mình thì thực hiện theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 7 Quy định này. Trường hợp trả lại đơn cho người có đơn đề nghị thì đồng thời thông báo bằng văn bản cho cơ quan, người chuyển đơn biết.

Các đơn vị giải quyết phải thông báo bằng văn bản về tiến độ và kết quả giải quyết đơn cho cơ quan, người đã chuyển đơn biết; đồng thời, gửi 1 bản cho đơn vị tiếp nhận thuộc VKSND tối cao để theo dõi, tổng hợp chung.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo, cán bộ Vụ 7 và Vụ 12, VKSND tối cao tiếp công dân. Hình tư liệu

Đối với đơn đề nghị xem xét lại Thông báo không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm do VKSND tối cao nhận thì đơn vị tiếp nhận phân loại như sau: Thực hiện như điểm a, điểm b mục 1.2 khoản 1 Điều 6 Quy định này; kiểm tra đơn đề nghị theo quy định tại tiết b1, điểm b, mục 1.1 khoản 1 Điều 6 Quy định này và tài liệu gửi kèm theo đơn gồm: Thông báo không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của VKS có thẩm quyền, các tài liệu liên quan (nếu có). Trường hợp đơn chưa đủ điều kiện thì thực hiện như điểm b khoản 3 Điều 7 Quy định này.

Trường hợp đơn đủ điều kiện thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận, đơn vị tiếp nhận phải chuyển đến đơn vị giải quyết thuộc VKSND tối cao để xem xét, báo cáo Viện trưởng VKSND tối cao xử lý, giải quyết nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 5 Quy định số 02; nếu không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 5 Quy định số 02 thì chuyển đơn và các tài liệu kèm theo đến VKS đã thông báo không kháng nghị để xem xét, xử lý.

VKS quân sự trung ương, VKSND cấp cao nhận được đơn thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 5 Quy định số 02 và đơn do VKSND tối cao đã thông báo không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận phải chuyển đơn đến đơn vị tiếp nhận thuộc VKSND tối cao để phân loại theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Trường hợp đơn vừa có nội dung khiếu nại, tố cáo đối với hành vi, quyết định của người tiến hành tố tụng, vừa đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thi đơn vị tiếp nhận phân loại như sau: Đối với nội dung đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thì thực hiện việc phân loại theo các quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 8 và Điều 9 Quy định này. Đối với nội dung khiếu nại, tố cáo thì hướng dẫn người có đơn làm đơn khiếu nại, tố cáo riêng gửi Chánh án Tòa án hoặc Viện trưởng VKS có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Ngoài các nội dung trên, Quy định còn quy định về việc tiếp nhận đơn; việc phân loại đơn qua công tác tiếp công dân; việc phân loại đơn nhận qua dịch vụ bưu chính; việc xử lý, giải quyết đơn việc chuyển, trả hồ sơ vụ án, vụ việc; trách nhiệm phối hợp giữa đơn vị giải quyết và đơn vị tiếp nhận; việc ban hành văn bản giải quyết đơn…

Quy định về quy trình tiếp nhận, phân loại, thụ lý, xử lý và giải quyết đơn đề nghị xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm không điều chỉnh việc giải quyết đơn kêu oan trong hồ sơ án tử hình, đơn xin ân giảm hình phạt tử hình, đơn xin thi hành án tử hình, dẫn đến phải xem xét việc kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

 

Xem toàn văn Quy định tại đây:

P.V