Phân loại đơn qua công tác tiếp công dân

Theo Quy định, đơn vị tiếp nhận có nhiệm vụ nhận, quản lý đơn từ các nguồn chuyển đến Viện Kiểm sát (VKS) cấp mình để phân loại. Trình tự, thủ tục tiếp nhận đơn được thực hiện theo Điều 9 Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 51/QĐ-VKSTC-V12 ngày 2/2/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao (Quy chế số 51). 

Bên cạnh đó, việc tiếp công dân được thực hiện theo Điều 4 và Điều 5 Quy chế số 51. Trường hợp nhận đơn qua tiếp công dân thì người được phân công tiếp công dân phải ghi nhận vào sổ tiếp công dân và thực hiện các việc được quy định cụ thể. Theo đó, trong khi tiếp công dân: Trường hợp đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết của VKS cấp mình thì trả lại đơn và hướng dẫn công dân gửi đơn đến VKS hoặc Tòa án có thẩm quyền giải quyết. 

Trường hợp đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của VKS cấp mình thì kiểm tra các điều kiện nhận đơn, cụ thể: Đối với cá nhân thì phải ký tên hoặc điểm chỉ; đối với cơ quan, tổ chức thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu của cơ quan, tổ chức vào phần cuối đơn; đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật về vụ, việc dân sự, vụ án hành chính phải được gửi kèm theo bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, các tài liệu, chứng cứ (nếu có); đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật về hình sự phải có nội dung chính quy định tại Điều 374 và Điều 399 Bộ luật Tố tụng hình sự; nếu thấy đơn chưa đủ điều kiện nhận thì hướng dẫn người có đơn sửa đổi, bổ sung đơn trong thời hạn 1 tháng. 

Trường hợp tại thời điểm tiếp nhận, đơn đã hết thời hạn gửi (đối với đơn gửi lần đầu) hoặc đã hết thời hạn kháng nghị theo quy định của pháp luật thì trả lại đơn cho người gửi và giải thích rõ lý do trả lại đơn. 

leftcenterrightdel
 Lãnh đạo một số đơn vị nghiệp vụ thuộc VKSND tối cao tiếp công dân.

Sau khi tiếp công dân: Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận đơn có đủ điều kiện, người được phân công phân loại đơn phải thực hiện các việc sau: Đóng dấu ngày tiếp nhận đơn vào góc trái phía trên của đơn để xác định ngày nhận đơn; nhập dữ liệu đơn vào phần mềm quản lý hoặc ghi vào sổ quản lý đơn; dự thảo giấy xác nhận đã nhận đơn (đối với bản án, quyết định về dân sự, hành chính), trình người có thẩm quyền ký và gửi cho người có đơn; chuyển đơn và các tài liệu liên quan đến đơn vị giải quyết của VKS cấp mình để xem xét xử lý, giải quyết. Các đơn vị có liên quan cùng phối hợp khi tiếp công dân phải chuyển lại đơn và các tài liệu liên quan (nếu có) cho đơn vị tiếp nhận để thực hiện việc phân loại đơn theo mục 1.2 khoản 1 Điều này. 

Phân công người xử lý, giải quyết đơn 

Ngay sau khi nhận đơn, các tài liệu kèm theo (nếu có), lãnh đạo đơn vị giải quyết thuộc VKS có thẩm quyền phải phân công người xử lý, giải quyết. Người được phân công xử lý, giải quyết đơn có trách nhiệm lập hồ sơ giải quyết và quản lý, sử dụng, lưu trữ hồ sơ theo quy định của Ngành. 

Cũng theo Quy định, trường hợp đã yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ và đã có văn bản đôn đốc nhưng Tòa án đang quản lý hồ sơ không chuyển hồ sơ và không nêu lý do nhưng qua thông tin đương sự cung cấp, phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong giải quyết vụ án, vụ việc hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thì đơn vị giải quyết báo cáo, đề xuất lãnh đạo VKS cấp mình phân công người trực tiếp đến Tòa án đang quản lý hồ sơ để yêu cầu chuyển hồ sơ. 

Liên quan đến việc hoãn thi hành án, Quy định nêu: Khi thụ lý, giải quyết đơn đề kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về dân sự, hành chính, nếu thấy có căn cứ và cần thiết thì người được phân công xử lý, giải quyết báo cáo, đề xuất kịp thời đến người có thẩm quyền thuộc VKS cấp mình để xem xét: Thứ nhất, yêu cầu Cơ quan Thi hành án dân sự hoãn thi hành bản án, quyết định về dân sự; phần dân sự trong bản án, quyết định về hành chính theo quy định tại Điều 332, Điều 357 Bộ luật Tố tụng dân sự và Điều 261 Luật Tố tụng hành chính. Thứ hai, quyết định hoãn thi hành bản án, quyết định về hành chính theo quy định tại Điều 261 và Điều 286 Luật Tố tụng hành chính. 

Ngoài ra, liên quan đến việc báo cáo kết quả nghiên cứu, giải quyết đơn, Quy định cũng nêu rõ: Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án, vụ việc (không áp dụng đối với vụ án, vụ việc sắp hết thời hạn kháng nghị), người được phân công nghiên cứu, giải quyết đơn phải có báo cáo, đề xuất quan điểm giải quyết, trình người có thẩm quyền xem xét, phê duyệt; đối với những vụ án, vụ việc phức tạp thì thời hạn báo cáo, đề xuất có thể dài hơn, nhưng không quá 90 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án, vụ việc. 

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo, đề xuất giải quyết đơn và các tài liệu kèm theo của người được phân công giải quyết, Thủ trưởng đơn vị giải quyết thuộc VKS có thẩm quyền phải có ý kiến bằng văn bản về việc giải quyết đơn, trình Phó Viện trưởng phụ trách khối của VKS cấp mình cho ý kiến về đường lối giải quyết... 

Văn Tình