Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao; các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Tạ Quang Khải; Nguyễn Duy Giảng, Nguyễn Hải Trâm, Nguyễn Quang Dũng.

Cùng dự Hội nghị có các Kiểm sát viên VKSND tối cao; lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ thuộc VKSND tối cao; lãnh đạo, công chức các đơn vị thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự các đơn vị, VKSND và Viện kiểm sát quân sự các cấp…

leftcenterrightdel
 Quang cảnh Hội nghị tại VKSND tối cao.

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, nối điểm cầu chính tại trụ sở VKSND tối cao đến 830 điểm cầu trong toàn Ngành.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã xem Video clip phóng sự về thực trạng, nguyên nhân dẫn đến các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế liên quan đến chức vụ phải trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và giải pháp khắc phục.

Theo đó, thực trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung trong thời gian qua cho thấy, phần lớn số vụ trả hồ sơ đúng quy định của pháp luật, có căn cứ và cần thiết. Việc trả hồ sơ đã giúp Cơ quan điều tra (CQĐT) và Viện kiểm sát khắc phục những tồn tại thiếu sót trong giai đoạn điều tra, truy tố, sau khi trả hồ sơ điều tra bổ sung, CQĐT và Viện kiểm sát đã kiểm tra, đánh giá lại các chứng cứ đã thu thập và thu thập bổ sung các tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị can và các vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự, làm rõ bản chất vụ việc, bảo đảm cho việc giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện, chính xác.

Nhiều vụ án sau khi trả hồ sơ điều tra bổ sung đã phát hiện và xử lý thêm tội danh, khởi tố thêm bị can, thu hồi thêm tài sản bị thất thoát chiếm đoạt. Sau khi điều tra bổ sung đã dẫn đến việc thay đổi kết quả điều tra, cáo trạng truy tố về bị can, tội danh, điều khoản.

Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn tình trạng lạm dụng thẩm quyền, trả hồ sơ điều tra bổ sung, không có căn cứ và không cần thiết, làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án; ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của bị can, nhất là các vụ án có bị can bị tạm giam…

Cùng với đó, các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế có liên quan đến chức vụ được xã hội, dư luận quan tâm, việc trả hồ sơ điều tra bổ sung đã kéo dài thời gian giải quyết vụ án làm giảm lòng tin của người dân vào hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, ảnh hưởng đến công tác đấu tranh phòng chống loại tội phạm này.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Hải Trâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hải Trâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng VKSND tối cao đã phát biểu đề cập một số nội dung liên quan đến việc giải quyết các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế liên quan đến chức vụ phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng thời gian qua; một số vấn đề cần lưu ý nhằm đáp ứng yêu cầu của Ngành về công tác này trong thời gian tới.

Hội nghị cũng nghe các đơn vị, Viện kiểm sát địa phương thảo luận, tập trung đánh giá những mặt còn tồn tại, hạn chế trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế liên quan đến chức vụ dẫn đến trả hồ sơ điều tra bổ sung; những khó khăn, vướng mắc, những bài học kinh nghiệm, đề ra giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác, hạn chế việc trả hồ sơ điều tra bổ sung trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao nêu rõ, thời gian qua, Viện kiểm sát các cấp đã chủ động phối hợp với cơ quan chức năng, đặc biệt là CQĐT, Tòa án trong giải quyết các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế được Đảng, Nhà nước ghi nhận, nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Đề cập đến một số mặt còn tồn tại, hạn chế trong công tác này thời gian qua, đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác này. Đối với ngành KSND, công tác phát hiện, khởi tố, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật tội phạm về tham nhũng, chức vụ, kinh tế luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với VKSND.

Qua các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, Viện trưởng Lê Minh Trí yêu cầu thời gian tới, VKSND các cấp cần tập trung triển khai, thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, chức vụ, kinh tế; chú trọng công tác đào tạo cán bộ, xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên trong sạch, có phẩm chất, năng lực, bản lĩnh và trách nhiệm cao nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ.

Viện kiểm sát các cấp cần tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo đối với việc giải quyết các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế; quan tâm công tác hướng dẫn pháp luật để giải đáp vướng mắc trong nhận thức, áp dụng pháp luật hình sự, công tác giám định, định giá tài sản, việc áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ.

Đối với các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, Viện kiểm sát cần xây dựng báo cáo vụ án theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng báo cáo, số hóa để thuận tiện trong việc nghiên cứu, đánh giá vụ án; quan tâm công tác giám định, định giá tài sản, việc áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan tố tụng, cấp ủy địa phương, Ban Nội chính và các cơ quan khác trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử để tháo gỡ những vấn đề phát sinh trong quá trình giải quyết vụ án nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hoạt động Kiểm sát.

Cùng với đó, cần tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu, tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp, nâng cao nhận thức, năng lực cho Kiểm sát viên trong giải quyết án tham nhũng, chức vụ, kinh tế./.

Đắc Thái