Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao chủ trì Hội nghị.

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến kết nối điểm cầu VKSND tối cao đến các điểm cầu trong toàn Ngành.

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo cấp Vụ và các công chức làm nghiệp vụ một số đơn vị thuộc VKSND tối cao; Viện trưởng, Phó Viện trưởng phụ trách, lãnh đạo và công chức các Viện nghiệp vụ thuộc các VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện…

Tại Hội nghị, lãnh đạo Vụ Kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình (Vụ 9), VKSND tối cao đã trình bày báo cáo tóm tắt sơ kết 5 năm thi hành Bộ luật TTDS năm 2015 trong ngành KSND.

Theo đó, trong 5 năm qua, VKSND các cấp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm; đồng thời nỗ lực triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tích cực kết quả công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (các vụ việc dân sự) đã đạt và vượt các nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác của Quốc hội và của Ngành giao.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu VKSND tối cao.

Sau khi được ban hành, để đảm bảo thi hành Bộ luật TTDS năm 2015, VKSND tối cao đã ban hành Kế hoạch chỉ đạo, quán triệt 7 đạo luật về tư pháp liên quan đến chức năng nhiệm vụ của VKSND, trong đó có Bộ luật TTDS; tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn Ngành, thông báo nhanh những nội dung mới của Bộ luật TTDS và những vấn đề cần lưu ý đối với VKSND. Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Chỉ thị số 10/CT-VKSTC ngày 6/4/2016 về tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc, tái thẩm các vụ việc dân sự, vụ án hành chính; Chỉ thị số 04/CT-VKSTC ngày 22/3/2018 về tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật (hiện nay đã được thay thế bằng Chỉ thị số 07/CT-VKSTC ngày 6/8/2021).

Cùng với đó, Chỉ thị công tác của ngành KSND các năm 2016, 2017, 2018, 2019, 2020 và 2021 Viện trưởng VKSND tối cao đã chỉ đạo VKSND các cấp tập trung thực hiện các biện pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự.

Hội nghị cũng nghe lãnh đạo Vụ Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật (Vụ 10), VKSND tối cao báo cáo tóm tắt sơ kết 5 năm thi hành Luật TTHC năm 2015.

Qua 5 năm thực hiện Luật TTHC năm 2015, công tác kiểm sát và giải quyết các vụ án hành chính của VKSND các cấp đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần hoàn thành chỉ tiêu nghiệp vụ của Ngành. VKSND các cấp đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo luật định, thực hiện có hiệu quả các hoạt động kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu nghiệp vụ mà ngành KSND đã đề ra.

Cụ thể, kiểm sát chặt chẽ việc trả lại đơn khởi kiện của Tòa án; mở sổ thụ lý, theo dõi và lập phiếu kiểm sát việc thụ lý án, phân công công chức nghiên cứu ngay từ khi nhận được thông báo thụ lý vụ án của Tòa án; bảo đảm kiểm sát 100% các thông báo trả lại đơn khởi kiện, thông báo thụ lý vụ án và kiểm sát 100% bản án, quyết định của Tòa án; nâng cao chất lượng nghiên cứu hồ sơ vụ án; chất lượng tham gia phiên tòa của Kiểm sát viên, chuẩn bị bản phát biểu, dự thảo đề cương hỏi và dự kiến những tình huống phát sinh tại phiên tòa.

Tại phiên tòa thực hiện kiểm sát các hoạt động tố tụng của Hội đồng xét xử và người tham gia tố tụng, tham gia hỏi tại phiên tòa và phát biểu ý kiến của đại diện Viện kiểm sát theo quy định pháp luật. Các ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa được Hội đồng xét xử chấp nhận với tỉ lệ cao.

Hội nghị cũng nghe Viện kiểm sát các địa phương trình bày tham luận đề cập đến những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và các kiến nghị đề xuất trong quá trình thi hành Bộ luật TTDS và Luật TTHC năm 2015; đồng thời, nghe VKSND tối cao giải đáp một số khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao khẳng định, công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính là công tác khó, liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, do đó phải lựa chọn, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức có kiến thức, năng lực, trình độ và kinh nghiệm để thực hiện công tác này.

leftcenterrightdel
Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Đồng chí Viện trưởng nhấn mạnh, để thực hiện tốt công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự trong thời gian tới, toàn Ngành tiếp tục xác định khâu công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá; Viện trưởng VKSND các cấp phải trực tiếp phụ trách công tác này.

Cùng với đó, Viện kiểm sát các cấp cần đề ra biện pháp cụ thể nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát vụ án hành chính, vụ việc dân sự; rèn luyện phương pháp công tác; thực hiện tốt thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị, bảo đảm số lượng và chất lượng công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm đáp ứng yêu cầu của Quốc hội và chỉ tiêu nghiệp vụ của Ngành.

Mặt khác, qua thực tiễn thi hành, Viện kiểm sát cần tiếp tục kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong giải quyết án dân sự, hành chính; tăng cường tập huấn, cập nhật nội dung mới của pháp luật liên quan đến án dân sự, hành chính; tăng cường cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác.

Ngoài ra, các đơn vị, Viện kiểm sát các cấp cần có chính sách, khen thưởng, quan tâm, động viên đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính; tăng cường công tác phối hợp trong và ngoài Ngành, giữa Viện kiểm sát với Tòa án và các cơ quan liên quan để góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng các biện pháp, cách làm hay trong giải quyết án dân sự, hành chính của ngành KSND.

Mục đích cuối cùng, theo Viện trưởng Lê Minh Trí là góp phần giúp cho việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính có “căn cứ, sức thuyết phục và tính khả thi, bảo đảm tính pháp lý, chính trị”, không chỉ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, công dân mà còn bảo đảm tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Viện trưởng VKSND tối cao tin tưởng, phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới VKSND các cấp sẽ tiếp tục đề ra nhiều biện pháp, cách làm hiệu quả nhằm thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong công tác kiểm sát vụ án hành chính, vụ việc dân sự.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao ghi nhận những kết quả mà ngành KSND đã đạt được trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính; đồng thời ghi nhận, đánh giá cao việc chuẩn bị tài liệu, nội dung Hội nghị của Vụ 9, Vụ 10, Vụ 14 và các đơn vị liên quan nhằm giúp cho Hội nghị được tổ chức thành công, đáp ứng được yêu cầu, mục đích đề ra.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu kết luận Hội nghị. 

Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao nêu rõ, thời gian tới, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, hàng loạt các doanh nghiệp lớn nhỏ đứng trước nguy cơ phá sản, tình trạng mất việc làm… do đó, tranh chấp hành chính, dân sự dự báo sẽ tiếp tục tăng, diễn biến ngày càng phức tạp, đòi hỏi công tác kiểm sát trong lĩnh vực này càng phải được chú trọng.

Trong đó, VKSND các cấp cần nhận thức đúng, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát theo quy định của Luật Tổ chức VKSND năm 2014, Bộ luật TTDS năm 2015, Luật TTHC năm 2015, thực hiện nghiêm các chỉ thị, quy chế, quy định và hướng dẫn của VKSND tối cao về công tác này, đồng thời cần phát huy tính chủ động trong việc tham mưu cho cấp ủy, cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương trong việc ban hành các quyết định hành chính của UBND, Chủ tịch UBND trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai, cũng như tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy địa phương đối với việc giải quyết các vụ, việc phức tạp.

Bên cạnh đó, cần tăng cường mối quan hệ phối hợp liên ngành VKSND - TAND - UBND và một số cơ quan khác trong việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự. Trong đó, Viện kiểm sát phải là cơ quan chủ động, tích cực trong công việc này.

Lãnh đạo VKSND tối cao cũng yêu cầu, Viện kiểm sát các cấp tiếp tục quan tâm hơn nữa, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác giải quyết án dân sự, hành chính, phải được xem là khâu công tác trọng tâm, đột phá theo tinh thần chỉ đạo tại Chỉ thị công tác của Viện trưởng VKSND tối cao.

Đề cập đến trách nhiệm của các đơn vị gồm Vụ 9, Vụ 10, Vụ 14, các cơ sở đào tạo trong Ngành…, đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao nêu rõ, VKSND cấp trên tiếp tục tổ chức có hiệu quả công tác tập huấn, hướng dẫn, trả lời thỉnh thị, thông báo rút kinh nghiệm trong việc nhận thức và áp dụng pháp luật trong các hoạt động nghiệp vụ kiểm sát để VKSND cấp dưới thực hiện trong thực tiễn. Đồng thời, nhân rộng một số cách làm hay; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác nghiệp vụ, đảm bảo tính liên thông của phần mềm trong toàn Ngành.

Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu, sau Hội nghị, Vụ 9, Vụ 10, Vụ 14 trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị liên quan ban hành giải đáp khó khăn, vướng mắc của các đơn vị bằng văn bản để thống nhất thực hiện trong toàn Ngành; đồng thời Vụ 9 chủ trì, phối hợp với Vụ 10, các đơn vị liên quan ban hành thông báo kết luận chỉ đạo của Lãnh đạo VKSND tối cao tại Hội nghị này.

Đắc Thái