Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Luật giá số 11/2012/QH13 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013 thay thế Pháp lệnh giá năm 2002. Sau 9 năm thực hiện, Luật giá đã đi vào cuộc sống, đạt được nhiều kết quả tích cực; đồng thời cũng phát sinh tồn tại, hạn chế, nhất là tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật giá và các Luật chuyên ngành khác có quy định về giá.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội chiều 2/11 (ảnh: VPQH cung cấp).

Cụ thể hóa 9 nhóm chính sách

Kế thừa, phát huy và hoàn thiện những quy định tại Luật giá và các Luật chuyên ngành có quy định về giá còn phù hợp với thực tiễn. Đồng thời sửa đổi, bổ sung những quy định chưa rõ, còn bất cập, chưa thống nhất. Loại bỏ những quy định không còn phù hợp, chồng chéo, vướng mắc; đồng thời Luật hóa một số quy định tại các văn bản dưới Luật đã ổn định. 

Về bố cục và nội dung cơ bản của dự thảo Luật giá (sửa đổi) gồm 8 chương, 72 điều, so với Luật hiện hành đã bổ sung 3 chương: Chương III về nội dung quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước; Chương V về công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và Chương VII về kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá nhằm củng cố cơ sở pháp lý cho việc triển khai nhiệm vụ này trong thực tiễn.

leftcenterrightdel
 Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày trước Quốc hội Tờ trình về dự án Luật Giá (sửa đổi) (ảnh: VPQH cung cấp).

Nội dung dự thảo Luật giá (sửa đổi) đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 9 nhóm chính sách đề nghị xây dựng Dự án Luật, gồm: Những quy định chung; Chính sách về danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá; Chính sách về phương pháp định giá; Chính sách về bình ổn giá; Chính sách về hiệp thương giá; Chính sách về kê khai giá; chính sách tổng hợp, phân tích, dự báo; các chính sách về nội dung thẩm định giá và Doanh nghiệp thẩm định giá; Chính sách về thẩm định giá của Nhà nước. 

Đưa ra khỏi Danh mục 14 hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, qua rà soát, đề xuất đưa ra khỏi Danh mục 14 hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với 4 tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá đã đề ra tại Luật và thực hiện theo cơ chế giá thị trường, gồm: Dịch vụ hỗ trợ bảo đảm hoạt động bay, dịch vụ soi chiếu an ninh; Một số nội dung của thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán do các tổ chức cung ứng dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán cung cấp; Thuốc lá điếu sản xuất trong nước; Thù lao dịch vụ đấu giá; Dịch vụ quy hoạch; Thù lao môi giới, dịch vụ đưa người lao động đi nước ngoài làm việc; Thù lao công chứng; Cho thuê, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản nhà nước là công trình kết cấu hạ tầng; Nước ngầm; Dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ; Nhà ở xã hội do cá nhân, hộ gia đình đầu tư, xây dựng; Mặt nước; Dịch vụ sử dụng khu vực biển.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội tại Hội trường Diên Hồng chiều 2/11 (ảnh: VPQH cung cấp).

Bên cạnh đó, Chính phủ đề nghị bổ sung 2 mặt hàng vào Danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá là sách giáo khoa và Hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh. Như vậy, Danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá là 40 nhóm hàng hóa, dịch vụ.

Đề nghị tiếp tục giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Đối với chính sách về bình ổn giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, dự thảo Luật chỉ quy định nguyên tắc xác định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính linh hoạt trong thực hiện. Các biện pháp bình ổn giá cơ bản được kế thừa như Luật hiện hành, tuy nhiên có điều chỉnh theo nội dung chính sách.

Bên cạnh đó, mặc dù tại dự thảo Luật giá sửa đổi không quy định điều chỉnh trực tiếp đối với Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, tuy nhiên do những quy định về lập quỹ bình ổn giá tại Luật cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến tính pháp lý của quỹ bình ổn giá xăng dầu.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu dự phiên họp của Quốc hội chiều 2/11 (ảnh: VPQH cung cấp).

Theo đó, Quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ đặc thù, được thành lập trước khi có các quy định về quỹ bình ổn giá tại Luật giá. Khác với các Quỹ tài chính khác, Quỹ bình ổn giá xăng dầu được hình thành và quản lý nhằm mục đích duy nhất là góp phần bình ổn giá xăng dầu; không phát sinh tổ chức bộ máy và không quản lý tập trung. Tổng mức trích lập hàng năm phụ thuộc vào sản lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước; tổng mức sử dụng phụ thuộc vào diễn biến thị trường, mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô từng thời kỳ và từng thời điểm điều hành giá. Thực tế việc quy định tại Luật giá chỉ có sự ảnh hưởng nhất định, theo hướng tăng cường cơ sở pháp lý của Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Trên cơ sở đánh giá kỹ cho thấy thời gian qua diễn biến giá mặt hàng này phức tạp, khó dự báo nên công cụ Quỹ bình ổn giá vẫn cần thiết. Vì vậy, Chính phủ đã thống nhất đề xuất trước mắt chưa bỏ công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu đồng thời củng cố các cơ chế trong triển khai, tổ chức thực hiện nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng Quỹ.

Vũ Cảnh