Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 đã thể hiện 12 thành quả nổi bật, chỉ ra 10 hạn chế, khó khăn, 6 bài học kinh nghiệm, 11 nhiệm vụ, giải pháp cho những tháng cuối năm 2022 và 12 giải pháp thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm 2023. Nhiều đại biểu cho rằng, đây là một báo cáo đầy đủ, dày dặn, thẳng thắn và không né tránh.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 27/10 (ảnh: VPQH cung cấp).

Năm 2022, tăng trưởng kinh tế đạt 8% (vượt mục tiêu đề ra là 6-6,5%), đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu Quốc hội giao; kiểm soát được lạm phát, thành quả giảm nghèo được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao; chính trị - xã hội ổn định; công tác hoàn thiện thể chế và cải cách hành chính vẫn được coi là một đột phá chiến lược quan trọng…

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, theo nhiều đại biểu, tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 của đất nước vẫn còn tồn tại một số hạn chế.

Triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế còn chậm

Phát biểu thảo luận, đại biểu Huỳnh Thanh Phương- Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cơ bản nhất trí báo cáo của Chính phủ về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023…

Về những hạn chế, đại biểu Huỳnh Thanh Phương đánh giá, việc triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế còn chậm, nhiều thủ tục còn rườm rà, làm hạn chế khả năng tiếp cận của người dân. Giải ngân đầu tư công còn chậm, kỷ luật, kỷ cương giải ngân chưa được đảm bảo. Tiền lương chậm được điều chỉnh, làm xảy ra hiện tượng cán bộ, công chức chuyển sang khu vực tư.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Huỳnh Thanh Phương- Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Về phương hướng cho năm 2023, đại biểu đề nghị cần thực hiện một số giải pháp như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống đại dịch COVID-19 với các biến thể mới và các bệnh dịch khác nhằm đảm bảo an toàn xã hội, ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá các mặt hàng.

Bên cạnh đó, cần theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế và thị trường tài chính thế giới để thực hiện một cách linh hoạt trong quá trình kết hợp chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kìm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Công khai, minh bạch các thông tin về điều hành giá, không điều chỉnh tăng giá bất hợp lý. 

Đại biểu cũng đề nghị cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong quản lý để đẩy nhanh tốc độ đầu tư công. Các địa phương cần chủ động tháo gỡ vướng mắc, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo hiệu quả công tác này…

Cần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng đặc biệt khó khăn

Thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đại biểu Hà Đức Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai cho biết, những năm qua Đảng, Nhà nước luôn quan tâm ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, ưu đãi tín dụng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng đặc biệt khó khăn. Sự quan tâm đó giúp giúp người dân từng bước xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn số xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng dần qua từng năm.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Hà Đức Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Bên cạnh đó, theo đại biểu đại biểu Hà Đức Minh, 3 năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch COVID - 19 đã tác động tiêu cực đến các hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội, làm ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội của tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, đa phần các đối tượng các xã bị tác động bởi Quyết định số 861 đều là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Từ đó, đại biểu Hà Đức Minh đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện chính sách đã ban hành để đảm bảo an sinh xã hội và khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang đang thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn các xã đã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn do đạt chuẩn nông thôn mới theo Quyết định số 861, đặc biệt là các xã có tỷ lệ của người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đến hết giai đoạn 2021 – 2025.

Đối với việc phát triển thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Hà Đức Minh đề nghị Chính phủ giao vốn sự nghiệp cả giai đoạn để các địa phương chủ động. Đồng thời đề nghị Quốc hội nghiên cứu cho phép thực hiện cơ chế riêng đặc thù về việc bố trí vốn sự nghiệp thủ tục đầu tư, giải ngân, chuyển nguồn đối với chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng không thực hiện theo các quy định tương ứng của Luật Đầu tư công…

Còn nhiều thách thức lớn trong năm 2023

Phát biểu góp ý tại hội trường, đại biểu Nguyễn Hữu Thông- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận bày tỏ đồng tình với nội dung Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Hữu Thông- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông cho rằng, bên cạnh những thành tựu lớn, một bộ phận người dân, nhất là nông dân, ngư dân ngay trong đại dịch đã khó khăn, tuy Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng nay vẫn còn chưa thoát nghèo, thoát được khó khi giá xăng dầu tăng cao, nguyên vật liệu đầu vào biến động lớn, thị trường nông sản bất ổn, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn nhiều thách thức…

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông nhấn mạnh, cơ cấu của một số tổ chức tín dụng còn yếu kém, chưa phát huy hiệu quả, xuất hiện tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, nhất là trong lĩnh vực y tế và giáo dục; kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi còn chưa nghiêm; còn một số cán bộ, công chức vi phạm bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự… cùng với những tồn tại, hạn chế khác mà Chính phủ nêu trong báo cáo. Theo đại biểu, đây là những thách thức hết sức lớn trong mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội nước ta trong năm 2023. 

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm 2023 như đã đề ra, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm giải quyết có hiệu quả thực trạng bất an, sợ sai, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý và có những giải pháp quyết liệt để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2023...

Vũ Cảnh