leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội chiều 26/10 (ảnh: VPQH cung cấp).

Đưa người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an bằng cách nào?

Phát biểu thảo luận tại hội trường, Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) bày tỏ nhất trí quan điểm cần nâng cao trách nhiệm của chính quyền, nhất là cơ quan công an cần can thiệp kịp thời những hành vi bạo lực gia đình để bảo đảm tính mạng, sức khỏe của người bị bạo lực.

“Tuy nhiên, tôi rất băn khoăn, việc cơ quan Công an yêu cầu người bạo lực gia đình đến trụ sở Công an trong 6 giờ, không giới hạn số lần là biện pháp tương tự như tạm giữ hành chính của luật xử lý hành chính, thậm chí vượt trên cả biện pháp tạm giữ hành chính” – đại biểu Cường nêu quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cho biết, đối với phương pháp tạm giữ hành chính thì Luật xử lý vi phạm hành chính quy định rất rõ. Quy định về điều kiện tạm giữ như là cần ngăn chặn, đình chỉ hành vi gây rối, gây thương tích. Thời hạn quy định tạm giữ là không quá 12 giờ, cần thiết gia hạn thì cũng không quá 24 giờ. Khi tạm giữ thì phải có thông báo cho gia đình, cơ quan, tổ chức, người tạm giữ có chế độ ăn, ở,…

“Còn đối với dự thảo thì chúng ta quy định rất đơn giản, giữ lại trụ sở Công an không quá 6 giờ, không giới hạn số lần, không có quy định về thẩm quyền. Người có hành vi bạo lực gia đình thì Công an có trách nhiệm đưa đến trụ sở nhưng không biết Công an đưa bằng cách nào, có phải là áp giải không. Đối với đối tượng vị thành niên thì quy định thế nào? Dự thảo cũng quy định không rõ”, ông Cường nói.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu Cường cho rằng, những quy định nêu trên cần phải hết sức thận trọng, nhất là trong điều kiện chúng ta đang đề cao xây dựng nhà nước pháp quyền, bảo vệ quyền con người, quyền công dân tránh việc sơ hở, lạm dụng của các quy định.

“Tôi đề nghị không cần phải quy định biện pháp nêu trên vì pháp luật đã có quy định về tạm giữ hành chính. Trong trường hợp nếu thấy cần thiết đề nghị theo hướng Công an cấp xã có quyền yêu cầu người gây bạo lực gia đình đến trụ sở để làm rõ hành vi bạo lực gia đình. Nếu người gây bạo lực gia đình không đến thì có thể áp dụng biện pháp tạm giữ hành chính khi đủ điều kiện cần thiết” - Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường phân tích.

Cũng thảo luận về nội dung này, đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) đề nghị cần xem lại nội dung Công an cấp xã thực hiện yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến công an cấp xã nơi xảy ra hành vi để làm rõ vụ việc.

Theo quy định tại khoản 3, điều 20 chỉ khi có tin báo tố giác về bạo lực gia đình mà người bị bạo lực là phụ nữ mang thai, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật… thì chủ tịch UBND cấp xã mới phân công Công an cấp xã xử lý.

Trong khi đó, tại khoản 1, điều 20 quy định Công an cấp xã, đồn Biên phòng khi nhận tin báo tố giác về người bị bạo lực gia đình thì trong phạm vi, quyền hạn của mình kịp thời xử lý, ngăn chặn hành vi, đồng thời thông báo cho Chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra bạo lực gia đình…

“Do đó, để ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình, đề nghị quy định cơ quan Công an cấp xã có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an. Trường hợp không chấp hành thì có quyền tạm giữ người theo quy định của pháp luật” – ông Hoàn nói.

Bổ sung trách nhiệm tố giác khi phát hiện hành vi bạo lực gia đình

Phát biểu thảo luận, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) cho rằng, việc ngăn chặn xử lý hành vi bạo lực gia đình chỉ phát huy hiệu quả khi thông tin về hành vi bạo lực gia đình được phản ánh kịp thời đến cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền. Kênh thông tin quan trọng, kịp thời và chuẩn xác là từ chính người bị bạo lực gia đình và thành viên trong gia đình. Nếu họ im lặng thì thường khó khăn khi giải quyết.

“Cần quy định trách nhiệm của người bị bạo lực gia đình và thành viên gia đình báo tin cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có hành vi bạo lực gia đình” - đại biểu Tô Văn Tám đề nghị.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Tô Văn Tám phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, dù việc bổ sung trách nhiệm này có thể chưa đạt kết quả, tác động lớn ngay song sẽ làm cơ sở cho quá trình đi vào tâm thức hàng ngày của người bị bạo lực gia đình, thành viên trong gia đình, từ đó dần hình thành ý thức tự giác về trách nhiệm pháp lý, có ý nghĩa là công cụ sắc bén để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình.

Cũng quan tâm nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long) cho rằng, để dự luật khả thi hơn cần bổ sung quy định chi tiết về trách nhiệm khắc phục hậu quả với người bị bạo lực. Vì phần lớn người bị bạo lực là người thân trong một gia đình có tài sản chung với người bạo lực nên việc giải quyết yêu cầu khi bồi thường thiệt hại chắc chắn gặp khó khăn, khó áp dụng trong thực tế.

Về trách nhiệm của thành viên gia đình, đại biểu nhấn mạnh, cần thiết bổ sung trách nhiệm thông báo tin tố giác tới cơ quan chức năng về hành vi bạo lực gia đình mà mình phát hiện hoặc khi đã làm hết trách nhiệm mà không thể góp phần chấm dứt tình trạng bạo lực gia đình. Theo đại biểu, đây là kênh thông tin quan trọng góp phần thực hiện kịp thời, có hiệu quả các biện pháp để chống bạo lực gia đình...

Vũ Cảnh