leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 31/10 (ảnh: VPQH cung cấp).

Lãng phí về nguồn nhân lực

Phát biểu thảo luận, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho biết, nước ta có lực lượng lao động đông đảo, đang ở vào thời kỳ dân số vàng, có nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên nút thắt là ở chất lượng lao động chưa cao, nếu không có chính sách tận dụng thời kỳ dân số vàng, sẽ là lãng phí rất lớn cho cơ hội phát triển. 

Đại biểu nêu rõ, chất lượng lao động là chìa khóa tăng năng suất lao động, là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất nguồn nhân lực. Đây cũng được coi là 1 trong 3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế- xã hội.  Trong thời gian qua, chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta đã có những bước tiến đáng trân trọng, tuy nhiên, năng suất lao động của chúng ta so với các nước trong khu vực vẫn còn khiêm tốn, nếu không có giải pháp quyết liệt thì sẽ gây lãng phí lớn. 

leftcenterrightdel
 Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Theo đại biểu, tình trạng sinh viên ra trường đi làm trái ngành, giáo viên nghỉ việc là hồi chuông báo động về lãng phí nhân lực ở môi trường giáo dục, xã hội, thậm chí còn cho thấy có sự lãng phí về niềm tin yêu với nghề nghiệp.

Để đảm bảo sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả, tránh lãng phí, đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển nhân lực và Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021- 2030. Đề án thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. 

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần xây dựng cơ chế làm cầu nối giữa thị trường lao động với hệ thống giáo dục và đào tạo; xây dựng chiến lược thu hút nguồn lực to lớn của hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài; nhất là, thu hút các nhà khoa học tự nhiên, khoa học cơ bản, các chuyên gia về quản trị quốc gia…

Lãng phí trong quản lý, sử dụng, khai thác đất đai

Cơ bản thống nhất với báo cáo của Đoàn Giám sát, Đại biểu Chau Chắc - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho rằng, cần tiếp tục tăng cường thực hiện tốt công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và thói quen thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các tổ chức, cá nhân, nhất là thế hệ trẻ…

leftcenterrightdel
 Đại biểu Chau Chắc - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Theo Đại biểu Chau Chắc, nhiều nơi trên cả nước còn tình trạng thiếu đất sản xuất, trong khi đó tình trạng lãng phí trong quản lý, sử dụng, khai thác đất đai vẫn còn tồn tại như dự án treo chậm tiến độ, sai phạm. Thực trạng quản lý đất đai, đường nông thôn, sông suối, đất bãi bồi sông ngòi ven biển ở nhiều nơi, nhất là vùng nông thôn còn thiếu chặt chẽ, còn để bị lấn chiếm, thất thoát tài sản công, ảnh hưởng cuộc sống của người dân.

Đại biểu Chau Chắc đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương điều tra, rà soát, quản lý chặt chẽ trong phạm vi toàn quốc để tránh thất thoát, lãng phí tài sản công, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân nông thôn, góp phần thực hiện tốt 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia đã đề ra. 

Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, nhất là kết hợp giữa các Đoàn giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội Đoàn ĐBQH các tỉnh thành với các cơ quan hành pháp, tư pháp đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng các cấp để theo dõi, đôn đốc kết quả thực hiện hậu giám sát đạt kết quả cao nhất.

Lãng phí trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công

Bày tỏ quan tâm đến công tác quản lý, sử dụng tài sản công, đại biểu Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được thì còn đó những tồn tại, hạn chế như nhận thức của người đứng đầu, công tác thống kê cập nhật biến động chưa kịp thời…

leftcenterrightdel
 Đại biểu Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu cho rằng, việc quản lý đất công, nhà công chưa chặt chẽ để người dân lấn chiếm, sử dụng nhưng chậm được xem xét, xử lý theo quy định. Hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước của các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước. 

Bên cạnh đó, khi sắp xếp, sáp nhập cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là khi sáp nhập các đơn vị cấp huyện và xã ở các địa phương thì đất đai, trụ sở các cơ quan ở nhiều nơi bị bỏ hoang gây lãng phí. Đặc biệt, cử tri cả nước hiện nay rất quan tâm đến những sai phạm trong mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch trong thời gian qua. Chỉ rõ những điều này, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân để có giải pháp khắc phục triệt để.

Nhất trí về những nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong báo cáo của Đoàn giám sát, đại biểu Phạm Thị Kiều cũng nhấn mạnh cần tăng cường hơn nữa thực hiện quy chế dân chủ cơ sở luôn đề cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Cùng với đó, đưa việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thành nhiệm vụ thường xuyên và trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm quan trọng khi thi hành công vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thường xuyên kiểm tra, thanh tra, xử lý và nghiêm xử lý nghiêm các vi phạm…

Vũ Cảnh