Theo cơ quan chủ trì soạn thảo Thông tư, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh đối với lực lượng CAND nói chung, Cảnh sát cơ động nói riêng, trong đó đều xác định ưu tiên kinh phí, đầu tư trang bị phương tiện đảm bảo cho lực lượng Cảnh sát cơ động tiến thẳng lên hiện đại như: Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, XII, XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam về tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 40-NQ/TW ngày 8/11/2004 của Bộ Chính trị về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Công an trong tình hình mới; Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 5/9/2019 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia; Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới…
Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 23 Luật Cảnh sát cơ động quy định Cảnh sát cơ động được trang bị tàu bay để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Đồng thời, ngày 31/3/2021 Chính phủ đã ban hành Quyết định số 31/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát cơ động đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030, trong đó cũng xác định nhiệm vụ đầu tư các loại phương tiện đảm bảo tính sẵn sàng chiến đấu cao, cơ động được trên mọi địa hình, thời tiết, khí hậu đủ khả năng trấn áp, ngăn chặn kịp thời các vụ gây rối, tụ tập đông người bất hợp pháp, bạo loạn chính trị, bạo loạn vũ trang, khủng bố, đặc biệt là phương tiện đặc chủng như máy bay trực thăng chuyên dùng... và xác định cụ thể lộ trình, giải pháp, kinh phí để triển khai các dự án đầu tư cho Cảnh sát cơ động, trong đó có dự án quản lý, sử dụng máy bay trực thăng của lực lượng CAND. Hiện nay, Bộ Công an đang triển khai xây dựng dự án sân bay Gia Bình tại tỉnh Bắc Ninh để phục vụ hoạt động của đơn vị Không quân CAND.
Đồng thời, trước sự phát triển của kinh tế - xã hội, sự thay đổi, điều chỉnh của hệ thống pháp luật, diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và trong nước đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ đối với Cảnh sát cơ động ngày càng nặng nề hơn.
|
|
Phi công của Trung đoàn Không quân CAND thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động. (Ảnh minh hoạ: Báo CAND) |
Do vậy, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc ưu tiên hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát cơ động và đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình hiện nay, ngày 1/3/2021, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quyết định số 1255/QĐ-BCA quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy Trung đoàn Không quân Công an nhân dân thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động. Với vị trí là một đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, Trung đoàn Không quân CAND có nhiệm vụ tổ chức hoạt động bay phục vụ công tác chỉ huy, chỉ đạo, vận chuyển, tuần tra, giám sát, trinh sát, tác chiến, cơ động chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ bay phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Công an theo quy định; tham gia tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống khắc phục thảm họa, thiên tai; tổ chức thường trực sẵn sàng chiến đấu.
Tuy nhiên, theo Bộ Công an, hiện nay Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) và các văn bản quy định chi tiết thi hành chưa có quy định điều chỉnh về hoạt động của tàu bay công vụ, trong đó có tàu bay chuyên dùng của lực lượng CAND.
Do vậy, để đảm bảo cơ sở pháp lý cho Trung đoàn Không quân CAND hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng Thông tư quy định về tổ chức hoạt động bay của Không quân CAND quy định cụ thể về quản lý, khai thác tàu bay; quản lý, khai thác sân bay; thành viên tổ bay và nhân viên bảo đảm kỹ thuật tàu bay; quản lý, điều hành bay; công tác bảo đảm và tổ chức bay; bảo đảm an toàn bay trong Không quân CAND là cần thiết.
Mục đích xây dựng Thông tư nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo cơ sở vững chắc cho hoạt động bay của Không quân CAND đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển và hội nhập của đất nước trong tình hình mới.
Về bố cục, dự thảo Thông tư gồm 8 chương, 42 điều. Nội dung cơ bản của dự thảo Thông tư, bao gồm: Quy định phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; quy định về giải thích từ ngữ; quy định về thẩm quyền quản lý, dấu hiệu nhận biết của tàu bay, tiêu chuẩn đủ điều kiện bay và khai thác tàu bay của Không quân CAND.
Quy định về thẩm quyền, trách nhiệm và hoạt động trong quản lý, khai thác sân bay của Bộ Công an.
Quy định về thành viên tổ bay và nhân viên bảo đảm kỹ thuật tàu bay.
Quy định về quy chế bay, phương thức bay, hiệp đồng, hệ thống chỉ huy, quản lý điều hành bay, bay ngoài vùng trời khu vực sân bay, dự báo, thông báo bay.
Quy định về các hình thức bảo đảm bay, bao gồm: Khí tượng; thông tin, giám sát, ánh sáng; dẫn đường; kỹ thuật hàng không; hậu cần kỹ thuật sân bay; tìm kiếm cứu nạn, khẩn nguy. Quy định tổ chức bay, bao gồm phân loại chuyến bay, lập kế hoạch bay, thẩm quyền phê duyệt kế hoạch bay, công tác tổ chức bay.
Quy định về công tác tổ chức bảo đảm an toàn bay, bao gồm các yếu tố ảnh hưởng đến an toàn bay, cấp độ gây mất an toàn bay, lập kế hoạch bảo đảm an toàn bay, bảo vệ hiện trường, tổ chức điều tra nguyên nhân sự cố, tai nạn tàu bay, trách nhiệm, quyền hạn và thời gian điều tra, nguyên nhân và xử lý hậu quả sau sự cố, tai nạn tàu bay.
Ngoài ra, dự thảo Thông tư quy định về trách nhiệm của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, trách nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương trong việc phối hợp đảm bảo các điều kiện cho hoạt động bay của Không quân CAND.