Theo Bộ Công an cho biết, quán triệt, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, nhất là những vấn đề liên quan đến xây dựng, tạo lập, kết nối, chia sẻ dữ liệu đã đạt được một số kết quả tích cực như: Bước đầu khởi tạo và hình thành được 7 Cơ sở dữ liệu quốc gia; một số Cơ sở dữ liệu quốc gia đã có sự kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu góp phần cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân; hạ tầng công nghệ xây dựng các Trung tâm dữ liệu bước đầu được quan tâm đầu tư hơn....
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Một số bộ, ngành không có hoặc có nhưng chưa đầy đủ hạ tầng để triển khai các hệ thống công nghệ thông tin cốt lõi phục vụ cho các công tác nghiệp vụ; nhiều cơ sở dữ liệu được thu thập, lưu trữ trùng lặp, chồng chéo, chưa được chuẩn hóa, thống nhất về tiêu chuẩn, danh mục nên không có khả năng kế thừa, khó khăn khi kết nối, chia sẻ, khai thác dùng chung; các trung tâm dữ liệu đầu tư thiếu đồng bộ, không đạt các tiêu chuẩn quy định, không bảo đảm mức độ an ninh, an toàn hệ thống, không thường xuyên được kiểm tra, bảo trì, nâng cấp...
Qua rà soát, hiện có 69 Luật đang quy định về cơ sở dữ liệu (Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành). Qua phân tích thống kê tại các văn bản luật đã quy định về 33 cơ sở dữ liệu quốc gia, 39 cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Cũng theo cơ quan chủ trì soạn thảo, việc xây dựng dự án Luật Dữ liệu nhằm mục đích tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính. Đồng thời, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Việc xây dựng dự án Luật Dữ liệu phải đảm bảo quan điểm đó là quán triệt và cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về dữ liệu; phù hợp với tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế; phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xã hội số…
Tại Tờ trình, Bộ Công an đã đề xuất 4 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Dữ liệu gồm: Chính sách 1: Quy định về xây dựng, phát triển, quản trị, xử lý dữ liệu, ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu, quản lý nhà nước về dữ liệu. Chính sách 2: Quy định về Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia. Chính sách 3: Quy định về Trung tâm dữ liệu quốc gia. Chính sách 4: Quy định về các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu.
Về các hành vi bị nghiêm cấm, dự thảo Luật Dữ liệu quy định các hành vi này gồm: Lợi dụng việc xử lý dữ liệu, quản trị dữ liệu xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Cản trở hoặc ngăn chặn trái pháp luật quá trình xử lý dữ liệu, quản trị dữ liệu hoặc có hành vi khác nhằm phá hoại hệ thống thông tin phục vụ xử lý dữ liệu.
Thu thập, cung cấp, sử dụng, truy cập, tiết lộ, hiển thị, phát tán, chia sẻ trái pháp luật dữ liệu.
Giả mạo, làm sai lệch hoặc xóa, hủy, sao chép, di chuyển trái pháp luật một phần hoặc toàn bộ dữ liệu.
Gian lận, chiếm đoạt hoặc sử dụng dữ liệu trái pháp luật.
Cố ý cung cấp thông tin sai lệch hoặc không cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật trong quá trình tạo lập, chia sẻ dữ liệu.
Kinh doanh, mua bán, trao đổi dữ liệu trái pháp luật.