Nhức nhối nạn buôn bán động vật hoang dã
Theo Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) diễn ra trên toàn thế giới, ở tất cả các thời điểm với nhiều đối tượng tham gia và thủ đoạn tinh vi. Lợi nhuận của hoạt động này khoảng 21 tỉ USD/năm. ASEAN là một trong những điểm nóng về buôn bán ĐVHD với nhiều quốc gia chung đường biên giới và cùng khai thác biển Đông. Trong đó, Việt Nam đóng 3 vai trò trong đường dây buôn bán bất hợp pháp các loài động, thực vật hoang dã quốc tế, bao gồm: xuất khẩu/tái xuất khẩu - nhập khẩu - trung chuyển.
|
|
Lực lượng chức năng bắt giữ vụ buôn bán ĐVHD số lượng lớn. |
Hậu quả của việc buôn bán ĐVHD đã làm nhiều loài đang có nguy cơ tuyệt chủng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đa dạng sinh học. Nhiều loài thú quý hiếm bị tuyệt chủng ở nhiều vùng do áp lực khai thác, sử dụng bất hợp pháp như: tê giác một sừng, hổ, gấu trúc khổng lồ, vẹt Kakapo, rùa Hawksbill, tê tê, vọoc sao la, hươu vàng, bò xám…
Trong giai đoạn 2022 - 2023, các cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam đã thu giữ tang vật gồm: 2.046 cá thể và hơn 17.744 kg sản phẩm ĐVHD, liên quan đến 84 loài trong các vụ án xâm phạm ĐVHD. Nghiêm trọng hơn, hàng năm có hàng trăm tấn sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD như: ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê… được vận chuyển qua đường hàng không, cảng biển, cửa khẩu vào Việt Nam tiêu thụ và trung chuyển đến nhiều quốc gia khác, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ cân bằng sinh thái, sức khỏe con người và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.
Chỉ tính từ đầu năm 2024 đến nay, đã có hàng trăm vụ vận chuyển, buôn bán trái phép ĐVHD được cơ quan chức năng phát hiện bắt giữ, với hàng nghìn cá thể ĐVHD, riêng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ.
|
|
Cơ quan điều tra và VKSND tỉnh Nghệ An tiến hành hỏi cung đối tượng trong đường dây vận chuyển, buôn bán 1.818 cá thể ĐVHD từ Thái Lan về Việt Nam. |
Đơn cử, khoảng 19h30’ ngày 15/4/2024, quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phương tiện trên địa bàn, Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an TP Vinh (Nghệ An) phát hiện xe ô tô, BKS: 20L-1880 do tài xế Chảo A Lai (SN 1992, trú tại xã Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) điều khiển, di chuyển theo hướng từ Nam ra Bắc, chở 21 thùng hàng, chứa 420 cá thể ĐVHD quý, hiếm còn sống, gồm: vẹt, nhím, lười, chuột túi, cầy, rùa, khỉ, trăn, rắn…
Tại cơ quan Công an, Chảo A Lai không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của số ĐVHD này và khai nhận toàn bộ số ĐVHD trên, Lai chở thuê cho một người không quen biết từ tỉnh Hà Tĩnh ra tỉnh Hà Nam, với tiền công 15 triệu đồng.
Trước đó, trung tuần tháng 1/2024, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (PC03, Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với Công an huyện Nam Đàn phá chuyên án, bắt quả tang đối tượng Đinh Văn Tin (SN 1963, trú tại khối Quy Chính, thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) về hành vi mua bán ĐVHD, nguy cấp, quý hiếm.
Tang vật thu giữ, gồm: 10 cá thể khỉ, 2 cá thể beo đốm, 1 cá thể tê tê (tất cả đều đã chết), với tổng trọng lượng hơn 120kg. Trong đó, một số cá thể thuộc danh mục các loài nguy cấp, quý hiếm.
|
|
Trong số 1.818 cá thể ĐVHD bị cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An bắt giữ có nhiều cá thể rùa thuộc danh mục động vật nguy cấp, quý hiếm. |
Tiếp đó, PC03 Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với Công an thị xã Cửa Lò bắt quả tang 2 xe ôtô do các tài xế V.X.T. (SN 1987) và L.Đ.T. (SN 1977, cùng trú tại TP Hà Nội) điều khiển, vận chuyển trái phép 1.818 cá thể ĐVHD, gồm: rùa, rắn, trăn, vẹt...
Trong các loài ĐVHD nêu trên, có một số loài thuộc Phụ lục I, danh mục các loại động vật, thực vật hoang dã trong Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
Gia tăng tội phạm phái sinh
Tại Việt Nam, số vụ vi phạm về ĐVHD và số đối tượng phạm tội liên quan đến ĐVHD có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Theo Tổ chức Nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế (CIFOR), tại Việt Nam, tổng doanh thu và lợi nhuận hằng năm từ buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã ước tính lần lượt đạt mức 66,5 triệu USD và 21 triệu USD. Chính nguồn lợi nhuận khổng lồ này khiến cho việc đấu tranh với tội phạm buôn bán trái phép ĐVHD, động vật nguy cấp, quý, hiếm ở Việt Nam ngày càng trở nên phức tạp.
|
|
Thượng tá Đoàn Nam Trung, Phó trưởng Phòng PC03 Công an tỉnh Nghệ An trả lời phỏng vấn phóng viên Báo BVPl. |
Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Đoàn Nam Trung, Phó trưởng Phòng PC03 Công an tỉnh Nghệ An cho biết, các vụ vận chuyển, buôn bán trái phép ĐVHD với số lượng lớn do Công an Nghệ An phá hiện, bắt giữ thời gian qua, đều có nguồn gốc từ nước ngoài đưa vào Việt Nam tiêu thụ và trung chuyển đi nước khác. Quá trình điều tra vụ bắt giữ 1.818 cá thể ĐVHD đã làm rõ, ban đầu chỉ có 1 đối tượng người nước ngoài đến Lào Cai để “mua hàng” và thuê 1 đối tượng “vận chuyển hàng” từ Thái Lan về cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh). Sau đó, 2 đối tượng này đã nhờ đối tượng khác để “vận chuyển hàng” qua từng chặng đường khác nhau, từ cửa khẩu Cầu Treo về huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) tập kết, rồi bàn giao cho 2 đối tượng người ở Hà Nội để vận chuyển ra Lào Cai, khi đi qua địa bàn Nghệ An thì bị cơ quan Công an phát hiện, bắt giữ.
“Như vậy, ban đầu chỉ có 2 đối tượng phạm tội, nhưng trong quá trình phạm tội, 2 đối tượng này đã lôi kéo thêm nhiều đối tượng khác cùng tham gia vào đường dây vận chuyển, buôn bán trái phép ĐVHD. Trong vụ án này, đến thời điểm hiện tại, Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can 5 đối tượng, đồng thời đang tiếp tục điều tra mở rộng”, Thượng tá Đoàn Nam Trung cho biết.
Nói về Nghệ An là địa bàn “nóng” về ĐVHD, bà Dương Thị Liên, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Nghệ An cho biết, Nghệ An có trên 468 km đường biên giới tiếp giáp với 3 tỉnh của nước bạn Lào, cùng đó là 6 tuyến quốc lộ đi qua, tạo thuận lợi cho việc đi lại, thông thương hàng hóa giữa Nghệ An với Lào và các tỉnh, thành trong cả nước. Lợi dụng địa hình này, các đối tượng phạm tội đã thường xuyên vận chuyển ĐVHD từ Lào về Việt Nam rồi tiếp tục chuyển đi các tỉnh khác.
“Thực tiễn kiểm sát điều tra nhiều vụ án cho thấy, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu thường thuê mướn, lôi kéo thêm nhiều đối tượng khác tham gia vào đường dây vận chuyển, buôn bán trái phép ĐVHD, đây chính là một trong những nguyên nhân làm gia tăng các loại tội phạm liên quan đến ĐVHD”, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Nghệ An cho biết.
|
|
Bà Dương Thị Liên, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Nghệ An phát biểu tại cuộc họp liên ngành, giải quyết vụ án Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm. |
Trước tình hình đó, hàng năm lãnh đạo VKSND tỉnh đã chỉ đạo sát sao phòng nghiệp vụ trong công tác nắm bắt, giải quyết tin báo tố giác tội phạm, cũng như xử lý các đối tượng vi phạm về ĐVHD, động vật nguy cấp, quý hiếm. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, VKSND hai cấp tỉnh Nghệ An đã thụ lý 14 vụ án, với 23 bị can phạm tội liên quan đến ĐVHD.
Cũng theo bà Dương Thị Liên, hiện nay, ngoài việc buôn bán trái phép các cá thể ĐVHD còn sống thì việc buôn bán các sản phẩm từ ĐVHD để làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, đồ trang sức, quà tặng… cũng là một “thị trường ngầm rất nóng”. Hoạt động này cũng là nguyên nhân làm gia tăng số vụ vi phạm, số đối tượng phạm tội liên quan đến ĐVHD. Và đây cũng chính là nguyên nhân làm gia tăng tội phạm liên quan đến ĐVHD nói riêng và tội phạm hình sự nói chung.
Tại hội thảo tập huấn “Buôn bán động vật hoang dã và những nỗ lực cứu hộ”, diễn ra giữa năm 2023, ông Nguyễn Anh Tuấn, chuyên gia của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cho biết, Việt Nam là quốc gia đứng đầu khu vực Đông Nam Á về số lượng các vụ bắt giữ tội phạm liên quan đến buôn bán động vật hoang dã.
Cụ thể, Việt Nam hiện tại đóng 3 vai trò trong đường dây buôn bán bất hợp pháp các loài động, thực vật hoang dã quốc tế, bao gồm: xuất khẩu/tái xuất khẩu, nhập khẩu và trung chuyển.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, hành vi buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã, các sản phẩm từ động vật hoang dã diễn ra mọi lúc, mọi nơi để phục vụ cho nhu cầu làm đồ trang sức, các sản phẩm thời trang, thuốc, làm vật nuôi… Đáng chú ý, hành vi buôn bán, vận chuyển động, thực vật hoang dã thường mang tính xuyên quốc gia, có sự liên kết với tội phạm buôn bán vũ khí, ma túy và buôn người.
|
Trong năm 2023, tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS) - Chương trình Việt Nam (WCS Việt Nam) đã công bố báo cáo “Khảo sát về nhận thức và năng lực của đơn vị tình báo tài chính và các nhà cung cấp dịch vụ tài chính về phòng, chống rủi ro rửa tiền liên quan đến buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã tại Việt Nam”.
Theo kết quả của báo cáo, phần lớn các cán bộ tham gia khảo sát nhận định buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã là hoạt động tiềm ẩn rủi ro rửa tiền ở mức cao và trung bình cao. Cụ thể, tỷ lệ cán bộ đánh giá rủi ro rửa tiền ở mức cao và trung bình cao của ngân hàng thương mại là 84%, của tổ chức tài chính phi ngân hàng là 80%, so với của FIU là 75%.
Báo cáo khảo sát này là nền tảng cho những nỗ lực của WCS Việt Nam trong quá trình thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức tài chính trong đấu tranh với các tội phạm phái sinh từ tội phạm liên quan đến động vật hoang dã, bao gồm tội phạm rửa tiền và các tội phạm tài chính khác, góp phần ngăn chặn hoạt động buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã trên thế giới và tại Việt Nam.
|