Liên tiếp bắt giữ nhiều vụ vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã
Theo số liệu của VKSND tối cao, từ năm 2022 đến nay, VKSND các cấp đã kiểm sát điều tra 811 vụ án, phê chuẩn khởi tố 1.052 bị can, truy tố 937 bị can, thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử 676 vụ án liên quan đến quy định bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD).
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, truy tố và đưa ra xét xử rất nhiều đối tượng vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD.
|
|
420 cá thể động vật hoang dã quý hiếm chứa trong 21 thùng hàng bị Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ. |
Tại tỉnh Nghệ An, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vi phạm liên quan đến ĐVHD, đã tiến hành khởi tố hàng chục đối tượng. Cụ thể như: vụ bắt giữ 2,5 tấn vảy tê tê do các đối tượng vận chuyển từ bên Lào vào nội địa, qua địa bàn tỉnh Nghệ An để chuyển đi Trung Quốc. Tiến hành điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố 4 bị can trong vụ án này;
Vụ bắt giữ 1.818 cá thể ĐVHD, trong đó có nhiều loại động vật quý hiếm, nguy cấp như: vẹt, rùa, rắn… Tiến hành điều tra, Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố 5 bị can. Theo lời khai của các bị can, đối tượng cầm đầu và cũng là chủ của số ĐVHD này là người nước ngoài;
Vụ bắt giữ 420 cá thể ĐVHD, trong đó có nhiều loại động vậy quý hiếm, nguy cấp như: vẹt, rùa, chuột túi, khỉ… Trong vụ án này, Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố 2 bị can. Đường đi của 2.238 cá thể ĐVHD trong 2 vụ án trên, đều được các đối tượng vận chuyển từ Thái Lan qua Lào, rồi qua Việt Nam để chuyển sang Trung Quốc. Khi đi qua địa bàn tỉnh Nghệ An thì bị lực lượng chức năng bắt giữ.
|
|
Đối tượng Chảo A Lai vận chuyển 420 cá thể động vật hoang dã bị Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ. |
Trung tuần tháng 5 vừa qua, Công an thị xã Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) kiểm tra hành chính xe ô tô chở khách, BKS: 76B-003.17, phát hiện trên xe có một thùng xốp chứa 9 cá thể tê tê đã chết và một thùng xốp khác chứa 17 cá thể rùa đang còn sống.
Tiến hành điều tra, cơ quan Công an đã bắt giữ Tống Thị Lành (SN 1984, trú tại xã Phú Nhuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) và Phan Quốc Vương (SN 1994, trú tại xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng).
Trước đó, ngày 2/4/2024, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện đối tượng Nguyễn Thành Vinh (SN 1969, trú tại phường Phương Đông, TP Uông Bí, Quảng Ninh) điều khiển xe mô tô Honda, BKS: 34D1-434.77, theo hướng Đông Triều - Hạ Long chở 2 thùng carton, bên trong chứa 10 cá thể ĐVHD còn sống, gồm: 1 cá thể mèo rừng, trọng lượng 4,1kg, 7 cá thể cầy bạc má, trọng lượng 5,7kg và 2 cá thể cầy hôi, trọng lượng 1,7kg. Đối tượng Nguyễn Thành Vinh khai nhận, đã mua số ĐVHD này trên mạng xã hội, với giá là 500.000 đồng/1kg, đem về để giết ăn thịt.
|
|
Đối tượng Tống Thị Lành và Phan Quốc Vương bị Công an thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) bắt giữ. |
Những bản án nghiêm minh
Ngoài việc bắt giữ, khởi tố nhiều bị can vụ vi phạm quy định bảo vệ ĐVHD, các cơ quan tiến hành tố tụng còn đưa nhiều bị cáo ra xét xử về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động nguy cấp, quý, hiếm”, quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Các bị cáo đều bị áp dụng những hình phạt nghiêm minh của pháp luật.
Cụ thể, ngày 17/4/2024, TAND tỉnh Cao Bằng mở phiên tòa xét xử 4 bị cáo, gồm: Phạm Thế Phúc (trú tại tỉnh Hưng Yên), Nguyễn Văn Sơn, Cao Huy Cường (cùng SN 1982) và Nguyễn Văn Thùy (SN 1992, cùng trú tại tỉnh Cao Bằng) cùng về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”, và tuyên phạt bị cáo Phạm Thế Phúc 8 năm tù; Nguyễn Văn Sơn 5 năm tù; Cao Huy Cường 6 năm tù, riêng Nguyễn Văn Thùy bị phạt 60 triệu đồng.
4 bị cáo trên đã có hành vi vận chuyển, buôn bán 132 cá thể ĐVHD ngoại lai, trong đó, có 75 cá thể vẹt cổ hồng, 10 cá thể vẹt xám châu Phi, 5 cá thể vẹt mào vàng, 16 cá thể chồn Meerkat và nhiều loài ĐVHD ngoại lai khác; bị Công an tỉnh Cao Bằng bắt giữ ngày 26/2/2023.
Cũng trong tháng 4/2024, TAND huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) mở phiên tòa xét xử 4 bị cáo, gồm: Lê Thị Chi (SN 1992, trú tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội), Đỗ Thị Lệ Hoa (SN 1975, trú tại thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh - mẹ chồng bị cáo Chi), Phạm Anh Tuấn (SN 1997, trú tại xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), Lương Kiều Tính (SN 1980, trú tại phường Vĩnh Lợi, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”. HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Lương Kiều Tính và Phạm Anh Tuấn cùng mức án 12 tháng tù. Bị cáo Đỗ Thị Lệ Hoa cùng con dâu là Lê Thị Chi bị xử phạt lần lượt là 500 triệu đồng và 550 triệu đồng.
|
|
TAND Quận 6 (TP Hồ Chí Minh) xét xử bị cáo Lưu Ngọc Thái về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm". |
Theo hồ sơ vụ án, tháng 6/2023, khi đi du lịch cùng gia đình tại Côn Đảo, Lê Thị Chi đã nhờ Phạm Anh Tuấn - tài xế taxi tại Côn Đảo tìm mua giúp trứng rùa biển. Thông qua Tuấn, Lương Kiều Tính đã bán cho Chi 5 quả trứng rùa biển với giá 250 nghìn đồng/quả. Sau đó, Chi đã nhờ mẹ chồng là Đỗ Thị Lệ Hoa cất số trứng này vào vali để đưa về đất liền. Tuy nhiên, Đỗ Thị Lệ Hoa đã bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ tại Cảng hàng không Côn Đảo. Theo kết luận giám định, 4 trong 5 quả trứng được phát hiện trong vali của Đỗ Thị Lệ Hoa là trứng vích.
Trước đó, cuối tháng 2/2024, TAND quận 6 (TP Hồ Chí Minh) đã tuyên phạt bị cáo Vưu Ngọc Thái (SN 1992, trú tại TP Hồ Chí Minh) 2 năm tù về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm”. Vào tháng 6/2023, Công an quận 6 đã phát hiện và bắt giữ Thái khi bị cáo này đang có hành vi vận chuyển, buôn bán trái phép 3 cá thể rùa đầu to.
Mới đây, TAND TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) cũng tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thành Phương (trú TP Buôn Ma Thuột) 2 năm tù về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.
Theo tài liệu vụ án, cuối tháng 12/2022, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Đắk Lắk kiểm tra, phát hiện và tịch thu một lượng lớn sản phẩm ngà voi, cùng một số móng gấu và móng động vật hoang dã khác tại cửa hàng trang sức của Nguyễn Thành Phương trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột.
Thời điểm lực lượng chức năng khám xét, Phương bỏ trốn nhưng đã bị bắt giữ vào tháng 9/2023. Đáng chú ý, vào tháng 9/2021, Phương đã bị xử phạt 18 tháng tù về hành vi buôn bán trái phép hơn 2kg sản phẩm ngà voi, nhưng vẫn thể hiện thái độ coi thường pháp luật và tiếp tục hoạt động kinh doanh trái phép các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã.
|
|
9 cá thể tê tê đã chết và 17 cá thể rùa đang còn sống bị Công an Thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) bắt giữ. |
Tăng cường chế tài xử lý
Mặc dù, nhiều đối tượng vi phạm đã bị đưa ra xét xử và bị áp dụng những hình phạt nghiêm minh nhưng tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép ĐVHD, các sản phẩm từ ĐVHD vẫn không thuyên giảm mà có phần gia tăng và diễn biến phức tạp.
Theo ông Phạm Quý Tỵ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, do lợi nhuận cao từ việc mua bán, vận chuyển trái phép ĐVHD nên các đối tượng dùng nhiều phương thức, thủ đoạn che giấu rất tinh vi nhằm trốn tránh việc kiểm tra của cơ quan chức năng, phổ biến nhất vẫn là thuê người vận chuyển. Nhiều trường hợp các đối tượng vận chuyển số lượng lớn ĐVHD từ nước ngoài vào Việt Nam, khi bị bắt giữ thì đối tượng chủ hàng ở nước ngoài nên cơ quan chức năng chỉ bắt được đối tượng vận chuyển thuê mà không bắt được chủ hàng. Do chỉ bắt được đối tượng vận chuyển nên khi đưa vụ án ra xét xử, bị cáo chỉ bị Tòa tuyên án phạt mức án dưới 3 năm tù, theo quy định tại khoản 1 Điều 234 Bộ luật Hình sự, nhiều trường hợp được cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ.
Trao đổi với PV, Luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, so với khung hình phạt quy định tại Điều 190, Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009, thì Điều 234 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 là cao hơn, nghiêm khắc hơn, với khung hình phạt cao nhất là từ 7 - 12 năm tù và quy định thêm với cả pháp nhân thương mại có hành vi phạm tội; Đối với động vật nguy cấp, quý, hiếm, Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, quy định khung hình phạt cao nhất là từ 10 - 15 năm tù, pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt tiền từ 1 tỉ đến 5 tỉ đồng, cao nhất là từ 10 tỉ đến 15 tỉ đồng.
“Điều này cho thấy, vấn đề bảo vệ ĐVHD đã được Nhà nước ta thực sự quan tâm. Tuy nhiên, việc tạo sự răn đe đối với các đối tượng vi phạm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: ý thức chấp hành pháp luật của mỗi công dân, ý thức bảo vệ ĐVHD, hiệu quả công tác tuyên truyền trong cộng đồng xã hội, chứ không chỉ có hình phạt nặng là tạo được sự răn đe, phòng ngừa tội phạm”, Luật sư Thu cho biết.
|
|
Ông Lê Minh Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội. |
Ông Lê Minh Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho hay, ngoài các quy định trong Bộ luật Hình sự về xử lý người phạm tội vi phạm bảo vệ ĐVHD thì Đảng, Nhà nước còn ban hành nhiều văn bản có liên quan đến công tác bảo vệ ĐVHD, điển hình là Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý ĐVHD.
“Ngoài ra, còn có Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp (CITES), Luật Lâm nghiệp năm 2017, Luật Đa dạng sinh học năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2018), các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi liên quan đến săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, tiêu thụ ĐVHD. Đây cũng là những chế tài để các cơ quan chức năng “thẳng tay” xử lý các đối tượng vi phạm quy định bảo vệ ĐVHD”, ông Lê Minh Tuyên cho biết.