Động vật hoang dã (ĐVHD) là nguồn tài nguyên quý giá của quốc gia, nhất là những loài nguy cấp, quý, hiếm, bởi sự tuyệt chủng của chúng sẽ gây hậu quả khó lường đối với toàn bộ hệ sinh thái. Vì vậy, Việt Nam đã ban hành một hệ thống các quy định pháp luật nghiêm ngặt để phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến ĐVHD. Thế nhưng, thực tiễn thi hành cho thấy, pháp luật Việt Nam liên quan đến giải quyết các vụ án Vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD vẫn còn nhiều bất cập. Các chuyên gia pháp lý, những nhà thực thi pháp luật đã đưa ra nhiều kiến nghị để hoàn thiện pháp luật, góp phần bảo vệ ĐVHD, bảo vệ môi trường và sự sống con người.

leftcenterrightdel
 Hội thảo thực thi pháp luật và thống kê vi phạm liên quan đến động vật hoang dã, giai đoạn 2022 – 2023 do Cục 2, VKSND tối cao phối hợp VKSND tỉnh Cao Bằng tổ chức (tháng 5/2024).

 Những vướng mắc từ thực tiễn và hệ lụy

Việt Nam là quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao trên thế giới. Nhận thức tầm quan trọng của hoạt động bảo vệ ĐVHD, từ năm 1994, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) với mục tiêu kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp các loài động vật, thực vật nguy cấp, quý, hiếm và mẫu vật của chúng trong hoạt động thương mại quốc tế. Đến nay, sau 30 năm, các quy định của Công ước CITES đã cơ bản được “nội luật” hóa trong các văn bản pháp luật về lâm nghiệp, thủy sản, đa dạng sinh học… đồng thời, trong cả pháp luật xử lý vi phạm hành chính và hình sự. Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS) quy định 2 tội danh liên quan, gồm: Điều 234 “Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã” và Điều 244 “Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”, với mức phạt từ cao nhất lên tới 15 năm tù và phạt tiền lên tới 15 tỉ đồng.  

Theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, trong các nước Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có khung hình phạt cao nhất cho hành vi vi phạm pháp luật đối với động, thực vật hoang dã thuộc Phụ lục của Công ước CITES.

leftcenterrightdel

 Đối tượng (X) phạm tội và tang vật là các cá thể động vật hoang dã được bắt giữ ở Nghệ An.

Tuy nhiên, qua thực tiễn đấu tranh, áp dụng các quy định của pháp luật để xử lý tội phạm liên quan đến ĐVHD, nhận thấy nhiều quy định đã bộc lộ một số vướng mắc.

Theo Kiểm sát viên Nguyễn Bích Diệp, VKSND Thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, việc bố cục 2 điều luật liên quan trực tiếp đến xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD thuộc hai Chương khác nhau của BLHS là chưa hợp lý.

Điều 234 BLHS thuộc Chương XVIII - Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, nên khách thể của tội phạm này là các quan hệ về “trật tự quản lý kinh tế”. Trên thực tế, trật tự quản lý kinh tế chỉ là phương thức để người phạm tội thông qua đó để xâm phạm đến một quan hệ cụ thể hơn là “các quy định về bảo vệ động vật hoang dã”. Vì vậy, cần đưa Điều 234 BLHS trong Chương XIX- Các tội phạm về môi trường cho phù hợp với khách thể bảo vệ và đối tượng bị tác động.

Ngoài ra, theo Điều 6 Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP ngày 05/11/2018 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 234 và Điều 244 BLHS (Nghị quyết 05/2018) quy định: “Trường hợp trong cùng một vụ việc, nếu thu giữ được nhiều loài động vật có cả lớp thú, lớp chim, lớp bò sát và lớp khác thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, nếu chưa đủ số lượng theo từng lớp quy định tại Điều 244 của Bộ luật Hình sự, thì người có hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”. Như vậy, sẽ có trường hợp đối tượng chỉ xâm hại đến một vài cá thể động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc cùng một lớp đã bị xử lý hình sự do đủ định lượng theo lớp, trong khi đó xâm hại nhiều cá thể hơn thuộc các lớp khác nhau chưa bị truy tố trách nhiệm hình sự vì chưa đủ định lượng theo lớp.

leftcenterrightdel

 . Lực lượng chức năng bắt quả tang đối tượng nuôi nhốt trái phép cá thể hổ.

 Cũng từ thực tiễn công tác, ông Dương Hồng Hòa, Trưởng phòng 3 VKSND tỉnh Nam Định nêu dẫn chứng: Điều 234 BLHS năm 2015 quy định, giá trị của ĐVHD là căn cứ để định khung cơ bản truy cứu trách nhiệm hình sự là chưa thỏa đáng, bởi rất ít trường hợp tang vật là ĐVHD có giá trị từ 150 triệu đồng trở lên, trừ khi số lượng phải rất lớn.

Hơn thế nữa, vấn đề định giá tang vật cũng gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng khi Hội đồng định giá từ chối định giá do không có giao dịch chính thức, hợp pháp trên thị trường để tham khảo hoặc cùng một đối tượng định giá nhưng mỗi địa phương lại định giá ở mức khác nhau.

Ví dụ như cùng về định giá cá ngựa khô: Bản án hình sự sơ thẩm số 68/2023/HS-ST ngày 21/7/2023 của TAND huyện Đan Phương, Thành phố Hà Nội ghi nhận: Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự có kết luận định giá số 07/KL-HDDGTS ngày 19/01/2023 xác định 10kg cá ngựa Hippocampus Spinosisstmus có giá 240 triệu đồng (tương đương 24 triệu đồng/kg).

Trong khi đó, Bản án hình sự sơ thẩm số 28/2023/HS-ST ngày 25/4/2023 của TAND huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng ghi nhận: Kết luận định giá tài sản số 67 ngày 08/12/2022 của Hội đồng định giá tài sản kết luận: Trị giá 14,5 kg các cá thể cá ngựa Hippocampus barbouri là 210.127.177 đồng (tương đương gần 14,5 triệu đồng/kg).

Việc giá trị của cá ngựa khô được định giá khác nhau trong gần như cùng thời điểm có thể lý giải một phần là do loài cá ngựa khác nhau. Tuy vậy, điều này cũng gây không ít khó khăn cho các Hội đồng định giá tài sản để có thể tham khảo mức giá và đưa ra kết luận phù hợp.

Một vấn đề khác liên quan đến việc giám định loài ĐVHD. Đây là căn cứ quan trọng để xác định đối tượng có vi phạm quy định bảo vệ ĐVHD và sẽ bị khởi tố theo Điều luật nào. Tuy nhiên, hiện nay, Điều 206 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (BLTTHS) không quy định mẫu vật có nguồn gốc từ động vật nguy cấp, quý, hiếm bắt buộc phải giám định, dẫn đến cũng không có quy định cụ thể về thời hạn giám định đối với loại mẫu vật này theo Điều 208 BLTTHS.

Ông Trần Đình Hải, Kiểm sát viên Vụ 2, VKSND tối cao cho biết thêm, một số loại sản phẩm ĐVHD thường bị buôn bán thì khó giám định để xác định nguồn gốc ĐVHD do người bán thường pha trộn xương, mật của các loại động vật khác hoặc do không có mẫu so sánh. Chưa kể đến, số lượng các cơ quan khoa học CITES đủ điều kiện giám định ĐVHD còn hạn chế, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

leftcenterrightdel
 Hàng trăm cá thể tê tê bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ.

Bên cạnh đó, kinh phí giám định ĐVHD rất lớn. “Ví dụ, vừa qua chúng tôi giải quyết vụ án liên quan đến hàng tấn vảy tê tê, thế nhưng, để xác định được chính xác thì phải trưng cầu giám định. Do không thể giám định toàn bộ hàng tấn vảy tê tê thu giữ, chúng tôi đã họp bàn các cơ quan liên ngành thống nhất lựa chọn trong hàng chục bao tải đựng vảy tê tê đó, chọn lấy vài mẫu bất kỳ trong số đó để gửi trưng cầu giám định”, bà Dương Thị Liên -  Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Nghệ An chia sẻ.

Bà Dương Thị Liên còn cho biết thêm, các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc nuôi dưỡng, bảo quản tang vật là ĐVHD  trong thời gian giải quyết vụ án. Thông thường, các trung tâm cứu hộ ĐVHD hoặc cơ quan kiểm lâm sẽ tiếp nhận nuôi nhốt các loại động vật sống, tuy nhiên chi phí nuôi nhốt, chăm sóc rất cao, có khi đến hàng tỉ đồng. Trong khi, kinh phí nhà nước cấp cho công tác này còn hạn chế, dẫn đến nhiều trường hợp, đơn vị cứu hộ đã từ chối tiếp nhận ĐVHD.

Cần sớm bổ sung, hoàn thiện quy định của pháp luật

Để tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến thực thi pháp luật về bảo vệ  ĐVHD,  theo Kiểm sát viên Nguyễn Bích Diệp, cần có quy định theo hướng, đối với trường hợp thu giữ được nhiều loài động vật có cả lớp thú, lớp chim, lớp bò sát và lớp khác thuộc Danh mục nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước CITES, nếu chưa đủ số lượng theo từng lớp quy định tại Điều 244 BLHS thì cộng tất cả các cá thể động vật lại, sau đó quy đổi về một lớp hoặc loài theo hướng có lợi cho người phạm tội để xử lý hình sự, như vậy mới đảm bảo tính công bằng, khách quan trong chính sách xử lý hình sự.

Còn theo ông Hòa, cần có hướng dẫn thống nhất về việc định giá đối với ĐVHD, động vật nguy cấp, quý, hiếm... để đảm bảo không bỏ lọt tội phạm.

leftcenterrightdel
 Một cá thể hổ - tang vật vụ án Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp quý, hiếm được nuôi nhốt, chăm sóc tại Vườn quốc gia Pù Mát.  Ảnh: H.N

Riêng với công tác giám định, cần nghiên cứu bổ sung giám định ĐVHD là một trường hợp bắt buộc giám định theo BLTTHS. Đồng thời, cần thành lập thêm các trung tâm giám định về ĐVHD tại các địa phương/cụm địa phương nhằm đảm bảo thuận tiện cho việc gửi mẫu và trả kết quả giám định kịp thời.

Bên cạnh đó, cần chú trọng đến việc hoàn thiện các quy định pháp luật về cứu hộ ĐVHD và các điều kiện đảm bảo để công tác cứu hộ được hiệu quả.

Có thể nói, Việt Nam đã có một hành lang pháp lý khá chặt chẽ để bảo vệ ĐVHD, tuy nhiên, quá trình thực thi phát sinh nhiều bất cập trong thực tiễn. Bởi vậy, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật là hết sức cần thiết, góp phần đẩy mạnh hiệu quả phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm ĐVHD.
Kim Lê Thanh