Báo động tận diệt ĐVHD bằng bẫy, súng tự chế
Tại địa bàn Nghệ An số lượng dụng cụ bẫy thú rừng thu giữ được qua các vụ vi phạm có thể kết thành những con voi khổng lồ, được mô phỏng ở Vườn Quốc gia Phù Mát, khiến du khách tham quan không khỏi ngỡ ngàng…
Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất của cả nước với 6 tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn tỉnh và có tuyến biên giới với nước CHDCND Lào dài 419,5 km. Với vị trí địa lý như vậy là điều kiện phát sinh nhiều loại tội phạm, trong đó có tội phạm về động vật hoang dã. Các đối tượng thực hiện hành vi vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã từ Lào và các tỉnh khác đi qua địa bàn tỉnh Nghệ An ra các tỉnh phía Bắc để tiêu thụ. Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 69 vụ/95 bị can (năm 2018: 5 vụ/8 bị can; năm 2019: 9 vụ/14 bị can; năm 2020: 17 vụ/19 bị can; năm 2021: 14 vụ/18 bị can; năm 2022: 12 vụ/13 bị can; 6 tháng đầu năm 2023: 11 vụ/21 bị can). Tội phạm về động vật hoang dã có chiều hướng gia tăng, số lượng cá thể động vật hoang dã bị xâm hại nhiều.
|
|
ĐVHD được chăm sóc ở Vườn quốc gia Pù Mát. |
ĐVHD không chỉ bị xâm hại bởi loại tội phạm vận chuyển, buôn bán mà cả những loại tội phạm săn, bắn. Ông Nguyễn Diên Quang, Hạt phó Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Pù Mát, Con Cuông, Nghệ An cho biết: Để bẫy động vật hoang dã, những đối tượng thường dùng dây phanh xe để làm bẫy nhiều nơi trong rừng mong kiếm được nhiều loại động vật bán kiếm lợi. Đặc điểm của loại bẫy thú này là con thú đã mắc càng giãy dụa bao nhiêu thì dây thép phanh xe càng siết chặt con thú bấy nhiêu. Vì thế, có nhiều con thú khi bị phát hiện mắc bẫy đã bị chết. Đã có nhiều ĐVHD bị bẫy khi kiểm lâm phát hiện giải cứu chúng về với tự nhiên, cá thể nào yếu sẽ được đưa về trung tâm bảo tồn để chăm sóc.
Theo ông Quang, để thực hiện tốt công tác bảo vệ động vật hoang dã, Vườn quốc gia Pù Mát, Hạt Kiểm lâm đã chỉ đạo Đội Kiểm lâm cơ động, các Trạm Quản lý bảo vệ rừng tăng cường tuần tra, kiểm tra sâu vào rừng tại gốc. Mỗi kiểm lâm viên tổ chức tuần tra sâu vào rừng ít nhất 7ngày/ tháng. Thống kê gần đây, các đợt tuần tra có 5.608 lượt kiểm lâm; 4.542 người dân; 111 cán bộ Biên phòng tham gia. Trong các đợt tuần tra đã áp dụng nhiều biện pháp, giải pháp để ngăn chặn các hành vi xâm hại của người dân vào rừng như: Tháo dỡ lán dựng trái phép, tháo dỡ bẫy thú, tịch thu, xử lý các đối tượng mang súng tự chế vào rừng để săn bắn, bẫy bắt động vật hoang dã trái phép. Cụ thể, cuối năm 2023, kiểm lâm Pù Mát đã xử phạt hành chính đối với một đối tượng ở thôn Thống Nhất, xã Mậu Đức, huyện Con Cuông về hành vi mang súng tự chế vào rừng để săn bắn động vật hoang dã. Kiểm lâm đã xử phạt theo quy định và tịch thu khẩu súng tự chế của đối tượng…
|
|
1.400 chiếc bẫy được kết thành hai con voi để giáo dục mọi người dân bảo vệ ĐVHD. |
Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát, hiện nay, Vườn đang nuôi dưỡng nhiều cá thể ĐVHD, trong đó có nhiều cá thể do bị bẫy, được người dân giao cho Vườn và tang vật trong các vụ án đang thụ lý, trong đó có 1 cá thể Hổ. Ngoài việc nuôi dưỡng các cá thể ĐVHD để trả chúng về với tự nhiên, Vườn quốc gia Pù Mát cũng đã thực hiện làm 2 hình tượng voi mẹ và voi con bằng 14.000 cái bẫy thú được các kiểm lâm viên của Vườn đi gỡ được từ những lần đi kiểm tra rừng. “Những đối tượng săn, bắn, bẫy ĐVHD thường để làm thức ăn, có con nào quý hiếm thì để bán cho các đầu nậu kiếm tiền. Những giao dịch này thường lén lút và tinh vi, vì khi bị phát hiện sẽ bị các cơ quan pháp luật bắt, xử lý” – Ông Tuấn cho hay.
Thống kê của kiểm lâm Vườn quốc gia Pù Mát, từ năm 2022- 2023 Đội Kiểm lâm cơ động, các Trạm Quản lý bảo vệ rừng đã tổ chức 2.611 đợt tuần tra, đã phá hủy 566 cái lán; tháo dỡ và phá hủy 6.870 cái bẫy thú được làm bằng dây phanh xe đạp; tịch thu 29 khẩu súng tự chế. Ngoài ra, Vườn quốc gia Pù Mát đã phối hợp với Khu bảo tồn đa dạng sinh học Namchoun, tỉnh Bô ly khăm xay – Lào, Công an Lào, Bộ Đội Biên phòng Nghệ An tổ chức 2 đợt tuần tra liên biên giới tại các khu vực rừng giáp ranh tại xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn và xã Tam Hợp, huyện Tương Dương. Quá trình tuần tra đã phá hủy 2 cái lán; tháo dỡ 431 cái bẫy thú; tịch thu 1 khẩu súng.
|
|
Những chiếc bẫy gà rừng được trưng bày tại Bảo tàng Vườn quốc gia Pù Mát. |
Bẫy, bắn ĐVHD không chỉ làm mất cân bằng sinh thái mà hệ lụy của việc dùng bẫy rất nguy hiểm cho những cơ quan chức năng bảo vệ rừng. Vì chính họ, hoặc người dân có thể bị “dính” đúng bẫy của những kẻ săn bắt ĐVHD. Không chỉ thế, dùng súng tự chế nguy hiểm cho những người xung quanh khi có xích mích xảy ra, hay những kẻ đi săn tự bắn vào nhau…
Vì vậy việc sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng súng tự chế là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP, ngày 31/12/2021 với mức phạt từ 5 đến 10 triệu đồng. Cũng tại Điều 306 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định xử lý hình sự đối với tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thể thao…có thể bị phạt tù tùy vào tính chất mức độ phạm tội.
Không chỉ ở Vườn quốc gia Pù Mát mà nhiều vườn quốc gia khác trên cả nước đang phải đối mặt với một thực tế cấp bách là mất đa dạng sinh học đáng kể. Tài nguyên thiên nhiên của quốc gia đang ngày càng bị đe dọa bởi quá trình đô thị hóa, phát triển cơ sở hạ tầng và khai thác trái phép. Hiện Việt Nam có 34 Vườn quốc gia để bảo tồn đa dạng sinh học. Tuy nhiên, gần như ở các khu Vườn đều xảy ra hiện tượng bắt, bẫy ĐVHD. Vậy hành động của chính quyền ra sao?
Trách nhiệm và hành động của cơ quan chức năng
Với 34 Vườn quốc gia trong cả nước và còn có rất nhiều diện tích rừng, rừng trồng nên việc bảo vệ đa dạng sinh học là vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết. Ngoài lực lượng kiểm lâm ở các tỉnh, ở Vườn quốc gia thường có lực lượng kiểm lâm trực thuộc Vườn quốc gia. Lực lượng kiểm lâm này có nhiệm vụ bảo vệ rừng, bảo vệ sự đa dạng sinh học của rừng, trong đó có ĐVHD. Tuy nhiên, có một khó khăn hiện nay ở các khu vườn quốc gia với diện tích rộng nhưng lực lượng kiểm lâm mỏng nên ảnh hưởng rất lớn đến công tác bảo vệ rừng và ĐVHD.
Ông Lê Xuân Hợi, Phó Trưởng phòng Phòng Thanh tra pháp chế, Chi Cục Kiểm lâm Nghệ An cho biết: Đối với các vụ săn, bắt, buôn bán vận chuyển trái phép ĐVHD, cơ quan kiểm lâm tỉnh đã phối hợp nhịp nhàng với cơ quan Cảnh sát điều tra, VKSND, Bộ đội Biên phòng tỉnh. Hình thức phối hợp là trao đổi chia sẻ thông tin, cử người trực tiếp làm việc với cơ quan cảnh sát điều tra để phân loại, nhận dạng bước đầu các vụ án để các cơ quan tố tụng thực hiện những bước tiếp theo; ngoài ra còn chia sẻ, cung cấp thông tin chuyên ngành về ĐVHD để cơ quan thực thi pháp luật áp dụng chính xác các quy định pháp luật xử lý vi phạm. Sau khi các vụ án đã được xử lý thì kiểm lâm hỗ trợ bảo quản tang vật, vật chứng phù hợp với quy định của pháp luật và cung cấp thông tin các đơn vị cứu hộ ĐVHD trong phạm vi cả nước cũng như tỉnh Nghệ An để các đơn vị chuyển ĐVHD đến những nơi đủ kiều kiện chăm sóc để sau này tái thả về tự nhiên.
|
|
Ông Vi Văn Quý, Phó Chủ tịch huyện Con Cuông (Nghệ An). |
Ông Vi Văn Quý, Phó Chủ tịch huyện Con Cuông, cho biết, nếu đến Vườn quốc gia Pù Mát, chúng ta sẽ thấy hình ảnh 2 con voi được kết bằng bẫy ĐVHD. Đó là cả một quá trình lâu dài của cơ quan chức năng đấu tranh, tháo gỡ ở những nơi mà những kẻ săn, bắt ĐVHD hoạt động. Hình tượng đó cũng là lời cảnh báo, là hình ảnh giáo dục tới các thế hệ trẻ nhằm bảo vệ ĐVHD.
Theo ông Quý, trước đây, trên địa bàn Con Cuông nổi tiếng về thú rừng, các nhà hàng quán xá bán thú rừng. Nhưng nay thì đã có nhiều thay đổi và gần như không còn tình trạng đó nữa. Huyện đã chỉ đạo tăng cường tuần tra, kiểm soát thu hồi bẫy; tuyên truyền trong các thôn bản, tập trung với một số người làm ra được những cái bẫy thú, thậm chí cho cán bộ theo dõi nếu có dấu hiệu vào rừng đặt bẫy thì có biện pháp xử lý ngay. Hàng năm huyện đều có văn bản chỉ đạo nộp vũ khí tự chế về cho cơ quan chức năng. Ví dụ trong 4 tháng đầu năm 2024 chúng tôi đã vận động được 5 hộ gia đình ở bản Bu, xã Châu Khê tự nguyện nộp vũ khí tự chế cho cơ quan chức năng. Hàng năm, chúng tôi vừa vận động, vừa kiểm tra, rà soát, vì thế, ý thức người dân đã thay đổi.
“Ở Con Cuông, các ảnh Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các lãnh đạo đầu ngành của huyện được dán ở các hội trường thôn để tuyên truyền nói không với ĐVHD. Nhiều pano, áp phích được treo khắp nơi để tuyên truyền, các quán ăn hầu hết đều được dán khẩu hiệu "Nói không với ĐVHD" và cho lực lượng kiểm lâm thường xuyên kiểm tra các nhà hàng này. Đặc biệt ở huyện Con Cuông, cán bộ, công chức, viên chức bị cấm ăn ĐVHD, nếu bị phát hiện là xử lý” – ông Quý khẳng định.
|
|
Một buổi tuyên truyền pháp luật tới người dân tộc Đan Lai, Con Cuông, Nghệ An. |
Tuy vậy, để triệt để mọi người dân đều không săn, bắn, đặt bẫy ĐVHD là điều thực sự khó khăn. Theo ông Nguyễn Diên Quang, khó khăn của lực lượng bảo vệ rừng, bảo vệ ĐVHD là người dân sinh sống tại vùng đệm của rừng có trình độ dân trí thấp, một bộ phận người dân mặc dù đã được tuyên truyền nhưng vẫn cố tình vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ động vật hoang đã. Nhu cầu sử dụng động vật hoang dã, đặc biệt là các loài quý hiểm ngày càng cao, đối tượng vào rừng để săn bắt, vận chuyển động vật hoang dã ngày càng tinh vi xảo quyệt, dùng mọi biện pháp để đối phó với lực lượng bảo vệ động vật hoang dã. Lực lượng kiểm lâm biên chế quá mỏng so với diện tích rừng giao quản lý. Địa hình rừng chủ yếu là núi cao, có độ dốc lớn, địa hình chia cắt mạnh, gây khó khăn rất lớn cho Kiểm lâm trong công tác tuần tra, bảo vệ rừng. Trong khi, chế độ chính sách, tiền lương đối với cán bộ làm công tác QLBVR thấp, chưa cân xứng với nhiệm…
Bảo vệ ĐVHD là “cuộc chiến” lâu dài. “Cuộc chiến” sẽ thành công nếu có sự đồng lòng của các cấp chính quyền và người dân. Điều cốt lõi là thay đổi được nhận thức của người dân về ĐVHD, tầm quan trọng của ĐVHD trong hệ sinh thái và cũng thay đổi được thói quen ăn thịt thú rừng của người dân.
Từ năm 2020 đến năm 2023, Vườn quốc gia Pù Mát đã tổ chức 594 cuộc tuyên truyền thu hút 50.723 lượt người nghe; trong đó có 34 hội nghị tuyên truyền riêng về nội dung bảo vệ động vật hoang dã. Năm 2023 đã tổ chức 153 cuộc tuyên truyền thu hút 11.927 lượt người nghe trong đó có 8 hội nghị tuyên truyền với nội dung bảo vệ động vật hoang dã. Phối hợp với Trung Tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam tổ chức 3 hội nghị cấp huyện với nội dung tăng cường phối hợp liên ngành bảo vệ động vật hoang dã Vườn quốc gia Pù Mát tại 3 huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương thành phần tham gia hội nghị là lãnh đạo chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã, lãnh đạo các cơ quan như Kiểm lâm, Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Bộ Đội Biên phòng... |