Vừa qua, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có kết luận thanh tra việc thực hiện gói thầu số DATP2-XL1/TL;GT/2016, thuộc tiểu dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi, giao thông, chợ nông thôn tại 5 xã ngập úng huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh).

Gói thầu này có giá trúng thầu 28.399 triệu đồng/34.622 triệu đồng, trong đó giá trị xây lắp là 27.047 triệu đồng, do Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, đơn vị trúng thầu là Tổng công ty xây dựng nông nghiệp và phát triển Thanh Hóa –CTCP; nhà thầu tư vấn giám sát là liên danh Công ty cổ phần tư vấn xây dựng 468 và Công ty cổ phần tư vấn xây dựng cơ sở hạ tầng.

Để thực hiện gói thầu này, Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh đã giao cho Ban ODA quản lý, thực hiện dự án. Tiến độ thực hiện dự án là 18 tháng, tính từ ngày khởi công (20/12/2016 đến 20/6/2018).

leftcenterrightdel
 Kết luận thanh tra chỉ ra những sai phạm tại gói thầu.

Nhà thầu, Chủ đầu tư và Ban quản lý dự án cùng sai phạm:

Kết quả thanh tra của Bộ NN&PTNT đã chỉ ra những sai phạm của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, đơn vị thi công, đơn vị tư vấn giám sát và các bên liên quan như sau:

Về công tác nghiệm thu khối lượng hoàn thành, Bộ NN&PTNT kết luận chưa đủ hồ sơ nghiệm thu thanh toán chi phí hạng mục chung như: chi phí xây dựng nhà tạm, chi phí an toàn loa động và bảo vệ môi trường, chi phí thí nghiệm vật liệu cho nhà thầu…

Về khối lượng nghiệm thu, thanh toán, Bộ NN&PTNT chỉ ra những sai phạm như: đất đắp bờ kênh chính trạm bơm Quang Thịnh và các tuyến kênh khác tận dụng 70% khối lượng đào chưa đầy đủ cơ sở; nghiệm thu, thanh toán khối lượng bê tông tường kênh và bê tông đáy giữa các hạng mục không thống nhất; một số khối lượng nghiệm thu chưa đúng thực tế thi công. Tổng kinh phí phải thu hồi do những sai phạm này là 76,414 triệu đồng.

leftcenterrightdel
 Thanh tra kết luận một số khối lượng nghiệm thu của công trình chưa đúng thực tế thi công.

Trong công tác quản lý chất lượng, Bộ NN&PTNT đã chỉ ra những sai phạm đối với chủ đầu tư và Ban ODA như sau: Việc thay thế và bổ sung nhân sự chủ chốt để thực hiện hợp đồng không được sự phê chuẩn của Giám đốc dự án; Giám đốc dự án không thực hiện theo quy định tại khoản 15.2 của hợp đồng về cho nhân sự của nhà thầu thôi việc khi thay đổi nhân sự chưa được sự chấp thuận của Giám đốc dự án; Ban ODA chưa thỏa thuận với nhà thầu thi công xây dựng về hình thức và nội dung của nhật ký thi công xây dựng làm cơ sở thực hiện trước khi thi công xây dựng công trình.

Đối với đơn vị tư vấn giám sát, có những sai phạm như: Chưa thực hiện đầy đủ các nội dung theo quy định tại Khoản 1, Điều 26, Nghị định 46/2015/NĐ-CP của Chính phủ; việc kiểm tra sự phù hợp năng lực của nhà thầu thi công xây dựng công trình so với hồ sơ dự thầu và hợp đồng xây dựng, bao gồm: nhân lực, thiết bị thi công chưa đầy đủ, không thể hiện cụ thể kết quả kiểm tra, nhân sự thực hiện hợp đồng thay đổi so với hồ sơ dự thầu nhưng không báo cáo giám đốc dự án; một số quyển nhật ký thi công không có xác nhận của Ban ODA và tư vấn giám sát; biên bản nghiệm thu lắp đặt và chạy thử máy bơm không nêu tiêu chuẩn thi công; không có biên bản nghiệm thu thiết bị và các hồ sơ, tài liệu, chứng nhận về chất lượng của máy bơm…

leftcenterrightdel
 Một số hạng mục công trình thi công dở dang.

Đối với nhà thầu thi công, có những sai phạm như: Nhà thầu thay thế và bổ sung nhân sự chủ chốt để thực hiện hợp đồng khi chưa được sự phê chuẩn của giám đốc dự án; thực hiện chưa đầy đủ các nội dung theo quy định tại Khoản 2, 3, 4, Điều 25, Nghị định 46/2015; tất cả các biên bản nghiệm thu công việc thiếu phụ lục tính toán khối lượng nghiệm thu, thiếu các kết quả kiểm tra kích thước, cao độ, các thông số kỹ thuật của công việc nghiệm thu; việc nghiệm thu các công việc xây dựng thực hiện chưa đầy đủ theo các tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu tương ứng; không có bản vẽ hoàn công hoặc kết quả đo đạc xác định kích thước, thông số thực tế của những bộ phận bị che khuất; một số công việc tại hạng mục trạm bơm và kênh Quang Tiến, Quang Thịnh thi công chưa đúng thiết kế.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT còn chỉ ra những sai phạm, tồn tại trong công tác quản lý tiến độ và thực hiện hợp đồng của nhà thầu, Ban ODA, Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT Hà Tĩnh và của các cơ quan chức năng Hà Tĩnh như: Sở NN&PTNT, UBND huyện Đức Thọ, UBND các xã Đức La, Đức Quang.

Bộ NN&PTNT yêu cầu xử lý trách nhiệm

Với những sai phạm đã phát hiện thông qua công tác thanh tra như đã nói trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các cơ quan trực thuộc Bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh giao các cơ quan, đơn vị kiểm điểm trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể có tồn tại, khuyết điểm trong công tác nghiệm thu, thanh toán, quản lý chất lượng, tiến độ gói thầu DATP2-XL1/TL;GT/2016 …ở Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh.

Đồng thời phải kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hồ sơ nghiệm thu, thanh toán, quản lý chất lượng của gói thầu; kiểm tra, rà soát tất cả các hạng mục trước khi nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng và thu hồi số tiền 76,414 triệu đồng của nhà thầu do đã nghiệm thu, thanh toán không đúng quy định và thực tế thi công.

leftcenterrightdel
 Một cuộc họp bàn về giải quyết những vướng mắc liên quan đến gói thầu.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh kiểm điểm trách nhiệm đối với các cá nhân, tập thể thuộc thẩm quyền quản lý của Sở về các tồn tại trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện gói thầu.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT còn yêu cầu UBND tỉnh Hà Tĩnh kiểm điểm trách nhiệm đối với các cá nhân, tập thể thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh có tồn tại, khuyết điểm trong việc thực hiện gói thầu, không thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, không thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu: “nếu đến mức phải kỷ luật thì xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật”.

Trước đó, vào trung tuần tháng 6/2019, nhiều người dân trên địa bàn huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã căng băng rôn trên công trình thuộc gói thầu DATP2-XL1/TL;GT/2016 (tại xã Đức Quang) để đòi nợ Tổng công ty xây dựng nông nghiệp và phát triển Thanh Hóa –CTCP.  Theo phản ánh của nhiều người dân, Tổng công ty xây dựng nông nghiệp và phát triển Thanh Hóa –CTCP trong quá trình thực hiện gói thầu này đã nợ nhiều tỷ đồng tiền công, tiền vật liệu để xây dựng nhưng chậm trả nợ theo giao hẹn, nên phải căng băng rôn tại công trình để đòi nợ.

leftcenterrightdel
 Người dân căng băng rôn đòi nợ tại công trình.

Theo tìm hiểu của PV, sau khi trúng thầu gói thầu DATP2-XL1/TL;GT/2016, Tổng công ty xây dựng nông nghiệp và phát triển Thanh Hóa –CTCP đã ký Hợp đồng lao động với ông Võ Đức Tùng (SN 1967), trú tại xã Thanh Đồng, huyện Thanh Chương, là Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Tây Sơn. Đồng thời bổ nhiệm ông Võ Đức Tùng là Đội trưởng đội công trình 7 thuộc Tổng Công ty và giao cho ông Tùng có trách nhiệm quản lý, lãnh đạo hoạt động sản xuất kinh doanh của Đội công trình 7, thi công một phần khối lượng công việc của gói thầu.

Trong quá trình hoạt động, ông Tùng đã dùng con dấu của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Tây Sơn (tại 11C, ngõ C, Yên Bình, Hưng Phúc, TP. Vinh, Nghệ An) do bản thân làm Giám đốc để ký hợp đồng với nhiều cá nhân, doanh nghiệp cung ứng vật liệu, thuê mướn nhân công tại địa phương để phục vụ công trình.

Tại thời điểm đó, có gần 30 cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh phản ánh bị đơn vị thi công nợ tiền nhân công, tiền vật liệu xây dựng, với số tiền gần 6 tỷ đồng.

 


Bùi Tiến