Hiện nay, việc kiểm sát biên bản phiên tòa được thực hiện theo quy định tại Hướng dẫn số 31/HD-VKSTC, ngày 25/8/2021 của VKSND tối cao hướng dẫn kiểm sát biên bản phiên tòa, phiên họp xét xử vụ việc dân sự, hôn nhân, gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và vụ án hành chính.

Trong thực tế các phiên tòa xét xử thường diễn ra liên tục, có những vụ việc phức tạp phiên tòa kéo dài nhiều ngày, sử dụng rất nhiều tài liệu, chứng cứ, văn bản pháp luật qua các thời kỳ; ngoài ra luận cứ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự rất dài, các câu hỏi, tình tiết, diễn biến rất nhanh buộc Thư ký phiên tòa phải sử dụng nhiều hình thức để ghi chép (viết tay, đánh máy, ghi âm)… nên đa phần sau khi kết thúc thì Thư ký vẫn chưa hoàn thiện xong Biên bản.

Việc này có thể dẫn đến tình trạng biên bản ghi không chính xác, không phản ánh đúng diễn biến, thậm chí còn có trường hợp Thư ký cố tình ghi sai các nội dung của phiên tòa (biên bản phiên tòa đã được chỉnh sửa lại cho phù hợp với bản án) dẫn đến việc ban hành bản án không khách quan, vô tư hoặc Tòa tuyên án có nội dung không giống như trong bản án.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên trình bày quan điểm tại phiên toà dân sự. Ảnh minh hoạ

Nhằm thực hiện đúng hướng dẫn của VKSND tối cao, từng bước nâng cao chất lượng công tác kiểm sát biên bản phiên toà, phiên họp từ đó kịp thời phát hiện vi phạm, tham mưu cho lãnh đạo Viện ban hành kiến nghị, kháng nghị bảo đảm cho việc giải quyết vụ án, vụ việc có căn cứ, đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân. Theo quan điểm của tác giả cần lưu ý, bảo đảm các yêu cầu sau:

Việc kiểm sát biên bản phiên tòa, phiên họp phải được Kiểm sát viên tiến hành ngay sau khi kết thúc phiên tòa, phiên họp; quá trình thực hiện phải tuân thủ các quy định tại khoản 4 Điều 236 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, khoản 4 Điều 166 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Điều 23 Thông tư liên tịch số: 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC, Điều 23 Thông tư liên tịch số: 03/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC, ngày 31/8/2016 và các quy định có liên quan trong công tác kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính của Viện trưởng VKSND tối cao.

Bảo đảm kiểm sát Biên bản đạt 100% trên tổng số phiên tòa, phiên họp dân sự, hành chính có Kiểm sát viên tham gia theo Quyết định số: 139/QĐ-VKSTC, ngày 29/4/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao ban hành hệ thống chỉ tiêu cơ bản đánh giá kết quả công tác nghiệp vụ trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Trước khi tham gia xét xử, bên cạnh việc nghiên cứu hồ sơ, báo cáo đề xuất, chuẩn bị bản phát biểu, dự kiến tình huống tại phiên tòa, chuẩn bị đề cương xét hỏi thì Kiểm sát viên cần chuẩn bị mẫu “Biên bản kiểm sát” để thực hiện tốt nhiệm vụ này. Quá trình tham gia phiên tòa, phiên họp Kiểm sát viên phải chú ý theo dõi diễn biến, ghi chép đầy đủ bút kí phiên tòa để đối chiếu với biên bản phiên tòa do Thư ký ghi chép. Trường hợp cần thiết thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh tại phiên tòa, phiên họp thì Kiểm sát viên trao đổi với Thẩm phán chủ tọa để phối hợp thực hiện.

Khi kiểm sát biên bản phiên tòa, phiên họp, Kiểm sát viên phải tuân theo quy tắc ứng xử của Kiểm sát viên khi kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên tòa, phiên họp của Tòa án theo Quyết định số 46/QĐ-VKSTC, ngày 20/2/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao. Chủ động phối hợp với Thẩm phán Chủ tọa, Thư ký bảo đảm hoạt động kiểm sát thực chất, hiệu quả, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan.

Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, phiên họp Kiểm sát viên chủ động yêu cầu Thư ký hoàn thành biên bản để thực hiện việc đối chiếu, so sánh. Đảm bảo Biên bản phiên tòa, phiên họp phải thể hiện đúng diễn biến đồng thời có đầy đủ chữ ký của Thẩm phán chủ tọa, Thư ký phiên tòa, phiên họp theo quy định tại khoản 3 Điều 236 Bộ luật Tố tụng Dân sự và khoản 3 Điều 166 Luật tố tụng hành chính. Trường hợp đã kết thúc phiên tòa, phiên họp mà biên bản chưa hoàn thành thì Kiểm sát viên vẫn phải kiểm sát những nội dung đã có và yêu cầu ghi những nội dung cần sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa, phiên họp theo hướng dẫn tại Điều 23, Thông tư liên lịch số 02/2016 và Điều 23, thông tư liên tịch số 03/2016 đồng thời ghi vào “Biên bản kiểm sát biên bản phiên tòa (phiên họp)” do mình chuẩn bị từ trước.

Trường hợp Thẩm phán chủ tọa hoặc Thư ký không đồng ý cho Kiểm sát viên kiểm sát biên bản phiên tòa, phiên họp thì Kiểm sát viên ghi nhận việc này vào Biên bản kiểm sát đồng thời đề nghị Thẩm phán chủ tọa hoặc Thư ký ký xác nhận. Trường hợp Thẩm phán chủ tọa, Thư ký không ký vào Biên bản kiểm sát thì kiểm sát viên ghi rõ sự việc, lý do từ chối ký vào biên bản và kết thúc việc kiểm sát biên bản phiên tòa, phiên họp.

Lan Anh - VKSND tỉnh Cao Bằng