Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của VKSND các địa phương về những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác kiểm sát THADS, THAHC; sau khi trao đổi với Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp; Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Vụ 14) - VKSND tối cao; VKSND tối cao (Vụ 11) vừa ban hành Công văn số 606/VKSTC-V11 ngày 24/2/2023 giải đáp, hướng dẫn đối với một số khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực công tác nêu trên.
Có VKS nêu câu hỏi: Luật THADS quy định Cơ quan THADS phải gửi cho VKS Quyết định chưa có điều kiện THA nhưng không quy định phải gửi kèm Biên bản xác minh gần nhất cho VKS. Việc phối hợp giữa Kiểm sát viên (KSV) và Chấp hành viên (CHV) để photo hoặc cung cấp Biên bản xác minh gần nhất gặp nhiều khó khăn.
Nội dung trên, theo trả lời của VKSND tối cao (Vụ 11): Sau khi nhận được quyết định chưa có điều kiện THA của Cơ quan THADS cùng cấp mà VKS xét thấy cần phải nghiên cứu hồ sơ vụ việc để kiểm sát thì VKS yêu cầu Cơ quan THADS chuyển hồ sơ, tài liệu (Biên bản xác minh gần nhất, có căn cứ xác định người phải THA chưa có điều kiện THA) theo quy định tại điểm d khoản 6 Điều 28 Luật Tổ chức VKSND năm 2014, điểm b khoản 2 Điều 12 Luật THADS năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), Điều 4 Quy chế công tác kiểm sát THADS, THAHC (Ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-VKSTC-V11 ngày 20/12/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao).
VKSND các cấp cần chủ động phối hợp với Cơ quan THADS cùng cấp thống nhất đưa vào Quy chế phối hợp liên ngành của hai cơ quan nội dung: "Cơ quan THADS ban hành và gửi Quyết định chưa có điều kiện THA kèm theo Biên bản xác minh gần nhất, có căn cứ xác định người phải THA chưa có điều kiện thi hành cho VKS”.
Đối với câu hỏi: Tại điểm e khoản 1 Điều 48 Luật THADS quy định: Người được nhận tài sản đã được thông báo hợp lệ 2 lần về việc nhận tài sản, nhưng không đến nhận thì Thủ trưởng Cơ quan THADS ra quyết định hoãn THA. Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 126 Luật THADS quy định về việc hoàn trả lại tiền, tài sản tạm giữ: Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, mà đương sự không đến nhận tiền thì CHV gửi số tiền đó theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn và thông báo cho đương sự. Hết thời hạn 3 ngày, kể từ ngày được thông báo, nhưng đương sự không đến nhận tài sản mà không có lý do chính đáng thì CHV xử lý tài sản theo quy định tại các Điều 98, Điều 99 và Điều 101 Luật THADS và gửi số tiền thu được theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn, đồng thời thông báo cho đương sự. Như vậy, quy định tại điểm e khoản 1 Điều 48 và khoản 2 Điều 126 Luật THADS có sự mâu thuẫn với nhau.
VKSND tối cao trả lời nội dung này như sau: Quy định tại điểm e khoản 1 Điều 48 và khoản 2 Điều 126 Luật THADS không có sự mâu thuẫn với nhau. Quy định tại điểm e khoản 1 Điều 48 Luật THADS thuộc diện Cơ quan THADS ra quyết định THA khi có yêu cầu THA, được áp dụng trong trường hợp người được nhận tài sản đã được thông báo hợp lệ 2 lần nhưng không đến nhận thì Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định hoãn THA. Còn quy định tại khoản 2 Điều 126 Luật THADS được áp dụng đối với trường hợp Cơ quan THADS chủ động ra quyết định THA trả lại tiền, tài sản tạm giữ cho đương sự; sau khi có quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ, CHV thông báo cho đương sự thời gian, địa điểm nhận tiền, tài sản.
Có địa phương nêu câu hỏi: Trường hợp tài sản sau khi đã kê biên, xử lý đang được bảo quản và trả phí gửi giữ, bảo quản thì có quyết định của cơ quan có thẩm quyền đề nghị hoãn THA để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án. Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 48 Luật THADS, Thủ trưởng Cơ quan THADS ra Quyết định hoãn thi hành. Sau khi người có thẩm quyền xem xét và ra văn bản trả lời không kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định nêu trên thì vụ việc được tiếp tục đưa ra thi hành. Vậy chi phí gửi giữ, bảo quản tài sản trong thời gian hoãn THA sẽ do cá nhân, cơ quan nào chi trả?
|
|
Cán bộ, công chức ngành Kiểm sát trao đổi công tác nghiệp vụ. (Ảnh minh hoạ: Nguồn BVPL) |
Nội dung này, theo trả lời của VKSND tối cao (Vụ 11): Tại khoản 3 Điều 58 Luật THADS quy định: Thù lao và chi phí bảo quản tài sản do người phải THA chịu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Theo quy định trên, thì chi phí gửi giữ, bảo quản tài sản THA do người phải THA chịu (thường thì là người có tài sản gửi giữ). Tuy nhiên, đối với trường hợp người đề nghị xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm không phải là người phải THA (trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan), nhưng theo quy định trên thì người phải THA vẫn phải chịu chi phí bảo quản tài sản trong thời gian hoãn THA là chưa phù hợp, gây thiệt hại cho người phải THA.
Do vậy, VKSND tối cao (Vụ 11) sẽ tổng hợp để đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật THADS cho phù hợp.
Có VKS nêu vướng mắc: Đối với tài sản là động sản có đăng ký quyền sở hữu, sử dụng (ô tô, xe máy, tàu thủy...), trong trường hợp tài sản còn giấy chứng nhận đăng ký quyền sở hữu, sử dụng nhưng thực tế đã được chuyển nhượng bằng hình thức giấy viết tay hoặc vì lý do khác như cho thuê, cho mượn... không thu hồi được tài sản nên không thể thực hiện được việc kê biên tài sản để THA. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành thì chưa có căn cứ để xác định đây là việc chưa có điều kiện THA. Đề nghị hướng dẫn biện pháp giải quyết?
Nội dung này, theo trả lời của VKSND tối cao: Đối với tài sản kê biên là động sản có đăng ký quyền sở hữu, sử dụng thì Cơ quan THADS phải áp dụng quy định tại Điều 69 Luật THADS, ban hành văn bản yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản.
Khi kê biên tài sản là phương tiện giao thông thì Cơ quan THADS phải áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 96 Luật THADS, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấm chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp, cho thuê hoặc hạn chế phương tiện được phép tham gia giao thông.
Trường hợp kết quả xác minh xác định tài sản còn giấy chứng nhận đăng ký quyền sở hữu, sử dụng, nhưng nếu xác định tài sản đã cháy, hỏng, không còn giá trị và giá trị sử dụng thì CHV thông báo cho người được THA biết và tiếp tục xác minh, tìm tài sản khác để kê biên; nếu kết quả xác minh xác định không còn tài sản khác để THA thì thuộc trường hợp chưa có điều kiện THA.
Cũng có địa phương nêu câu hỏi: Theo quy định tại khoản 2 Điều 103 Luật THADS, khi người mua tài sản trúng đấu giá đã nộp đủ tiền thì Cơ quan THADS thực hiện việc giao tài sản. Trường hợp người mua tài sản trúng đấu giá đã nộp đủ tiền, nhưng Cơ quan THADS nhận được yêu cầu hoãn THA của cơ quan có thẩm quyền thì có tiếp tục thực hiện cưỡng chế giao tài sản hay không? Nếu không ra Quyết định hoãn THA thì có vi phạm khoản 2 Điều 48 Luật THADS hay không?
Với nội dung câu hỏi trên, VKSND tối cao cho rằng, quy định tại khoản 2 Điều 48 và khoản 2 Điều 103 Luật THADS không có sự mâu thuẫn, cụ thể: Tại khoản 2 Điều 48 Luật THADS quy định chung về việc Cơ quan THADS phải ra quyết định hoãn THA khi nhận được “... yêu cầu hoãn THA của người có thẩm quyền kháng nghị...”. Về nguyên tắc khi nhận được văn bản yêu cầu hoãn THA của người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, thì Thủ trưởng cơ quan THADS xem xét việc ra quyết định hoãn THA theo quy định tại khoản 2 Điều 48 Luật THADS.
Đối với trường hợp cụ thể được quy định tại khoản 2 Điều 103 Luật THADS thì mặc dù vụ việc có Quyết định hoãn THA, Cơ quan THADS vẫn phải giao tài sản cho người mua trúng đấu giá ngay tình. Một số nội dung liên quan đến việc thực hiện quy định tại Điều 103 Luật THADS, đã được Bộ Tư pháp và VKSND tối cao thống nhất hướng dẫn tại Công văn số 462/VKSNDTC-V11 ngày 31/1/2019. Đề nghị các đơn vị nghiên cứu vận dụng theo các nội dung đã hướng dẫn. Để thận trọng, đối với từng vụ việc giao tài sản cụ thể nếu có vướng mắc thì cần có văn bản xin ý kiến hướng dẫn nghiệp vụ để được liên ngành Trung ương xem xét, thống nhất hướng dẫn giải quyết.
Ngoài ra, có VKS nêu vướng mắc: Tại khoản 3 Điều 104 Luật THADS quy định: “... Nếu giá trị tài sản đã giảm bằng hoặc thấp hơn chi phí cưỡng chế mà người được THA vẫn không nhận để trừ vào số tiền được THA thì tài sản được giao lại cho người phải THA quản lý, sử dụng…”. Tuy nhiên, Luật THADS chưa quy định trường hợp khi giá trị tài sản đã giảm bằng hoặc thấp hơn chi phí cưỡng chế mà người được THA đồng ý nhận để trừ vào số tiền được THA thì trừ bao nhiêu vì giá trị tài sản đã bằng hoặc thấp hơn chi phí cưỡng chế?
Nội dung trên, theo trả lời của VKSND tối cao: Theo quy định tại khoản 2 Điều 104 Luật THADS, sau lần giảm giá thứ hai trở đi mà không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá không thành thì người được THA có quyền nhận tài sản để trừ vào số tiền được THA. Trường hợp giá trị tài sản đã giảm bằng hoặc thấp hơn chi phí cưỡng chế mà người được THA đồng ý nhận tài sản để trừ vào số tiền được THA thì tài sản sẽ được giao cho người được THA. Như vậy, người được THA sẽ không có tiền THA để thanh toán chi phí cưỡng chế theo khoản 1 Điều 47 Luật THADS và số tiền được THA được tính tương đương giá trị tài sản đã giảm (bằng hoặc thấp hơn chi phí cưỡng chế).
Xem toàn văn nội dung hướng dẫn, giải đáp tại đây: giai-dap.pdf