Theo quy định tại điểm k khoản 3 Điều 3, điểm d khoản 3 Điều 4, khoản 1 Điều 5, khoản 3 Điều 18 và khoản 5 Điều 19 Luật Tổ chức VKSND năm 2014; điểm d khoản 1 Điều 266, khoản 5 Điều 267 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) cho thấy, chỉ VKS mới có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án trong trường hợp phát hiện oan, sai, bỏ lọt tội phạm, người phạm tội; kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.
VKS cùng cấp và VKS cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị những bản án hoặc quyết định sơ thẩm. Đối tượng kháng nghị phúc thẩm của VKS là các bản án, quyết định sơ thẩm của TAND chưa có hiệu lực pháp luật. Thời hạn kháng nghị của VKS cùng cấp đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, của VKS cấp trên trực tiếp là 30 ngày kể từ ngày Tòa án tuyên án. Thời hạn kháng nghị của VKS cùng cấp đối với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm là 7 ngày, của VKS cấp trên trực tiếp là 15 ngày kể từ ngày Tòa án ra quyết định (Điều 337 BLTTHS).
|
|
Kháng nghị phúc thẩm góp phần bảo đảm cho bản án, quyết định của Tòa án có căn cứ, đúng pháp luật. Ảnh minh họa |
Một số tồn tại, hạn chế
Thời gian qua, VKS các cấp đã thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hàng trăm ngàn vụ án hình sự, qua đó, kịp thời phát hiện nhiều vi phạm, ban hành nhiều kháng nghị phúc thẩm. Kết quả công tác kháng nghị phúc thẩm của ngành Kiểm sát đã góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự của VKS các cấp vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: Một số vi phạm của Tòa án chưa được VKS phát hiện để thực hiện quyền kháng nghị; Một số bản án, quyết định sơ thẩm có vi phạm nhưng VKS chậm xem xét, quyết định nên thời hạn kháng nghị đã hết; Số lượng kháng nghị của VKS còn chiếm tỉ lệ thấp so với số bản án, quyết định bị sửa, hủy. Chất lượng kháng nghị của một số VKS chưa đạt yêu cầu, dẫn đến không ít trường hợp VKS phải rút kháng nghị hoặc Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng nghị của VKS. Một số kháng nghị chưa phân tích rõ vi phạm của bản án sơ thẩm, một số kháng nghị, phần quyết định không phù hợp với phần phân tích, nhận định hoặc kháng nghị chỉ đề cập đến vi phạm của bản án một cách chung chung, không thuyết phục…
Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế
Quy định của pháp luật liên quan đến công tác kháng nghị của VKS còn chưa đầy đủ và rõ ràng, như BLTTHS thiếu vắng quy định về căn cứ ban hành kháng nghị phúc thẩm. Mặc dù Quy chế 505 ngày 18/12/2017 đã đưa ra các căn cứ kháng nghị phúc thẩm nhưng đây chỉ là hướng dẫn mang tính nội bộ của ngành Kiểm sát.
Thực tiễn cho thấy, Tòa án giao bản án, quyết định cho VKS thường chậm trễ, trong khi thời hạn kháng nghị của VKS đối với bản án, quyết định lại ngắn (thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày Tòa án tuyên án; Thời hạn kháng nghị của VKS cùng cấp đối với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm là 7 ngày, kể từ ngày Tòa án ra quyết định), đã gây không ít khó khăn, áp lực cho VKS trong việc nghiên cứu hồ sơ, phát hiện vi phạm pháp luật của bản án, quyết định để quyết định việc kháng nghị.
Tình hình tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp, số lượng vụ án thụ lý, giải quyết ngày càng tăng trong khi biên chế còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với nhiệm vụ, ảnh hưởng đến chất lượng công tác thực hành quyền công tố.
Một số đơn vị chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, chưa thường xuyên kiểm tra công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử; chưa quan tâm đến việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho Kiểm sát viên để nâng cao năng lực, trình độ...
Giải pháp kiến nghị từ thực tiễn
Một là, sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật liên quan đến kháng nghị phúc thẩm của VKS, cụ thể: Bổ sung vào BLTTHS quy định về các căn cứ ban hành kháng nghị phúc thẩm. Sửa đổi Điều 337 BLTTHS theo hướng thời hạn kháng nghị của VKS được tính kể từ ngày nhận được bản án, quyết định sơ thẩm hình sự hoặc quy định thời hạn Tòa án phải giao bản án, quyết định cho VKS ngắn hơn (chẳng hạn trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày tuyên án), như thế sẽ bảo đảm đủ thời gian cho VKS xem xét, quyết định việc kháng nghị.
Cơ quan có thẩm quyền ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản hướng dẫn, giải thích pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự, nhất là các tình tiết còn có nhận thức chưa thống nhất như gây hậu quả nghiêm trọng, giá trị lớn, rất lớn; Ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần xét xử của BLTTHS để thay thế các văn bản cũ đã không còn phù hợp với thực tiễn.
Hai là, quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, các nghị quyết của Quốc hội và các chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao liên quan đến công tác kháng nghị nói chung, kháng nghị phúc thẩm hình sự nói riêng, như Chỉ thị số 08/CT-VKSTC ngày 6/4/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao về tiếp tục tăng cường công tác kháng nghị án hình sự.
Lãnh đạo VKS thường xuyên quán triệt về tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự; chú trọng kiểm tra công tác kiểm sát bản án, quyết định của Kiểm sát viên; trực tiếp nghiên cứu các hồ sơ vụ án hình sự để phát hiện vi phạm, thiếu sót, qua đó vừa để chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với Kiểm sát viên, vừa để yêu cầu Kiểm sát viên tham mưu ban hành kháng nghị kịp thời.
Trường hợp phát hiện bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật, nếu không còn đủ thời gian để kháng nghị phúc thẩm thì thông báo bản án, quyết định có vi phạm ngay cho VKS cấp trên trực tiếp để xem xét kháng nghị theo thẩm quyền; đồng thời, cần khắc phục ngay việc VKS cấp dưới sao gửi bản án, quyết định sơ thẩm, phiếu kiểm sát quá chậm lên VKS cấp trên trực tiếp dẫn đến tình trạng khi phát hiện bản án, quyết định có vi phạm thì không còn thời hạn kháng nghị.
Ba là, Kiểm sát viên cần quán triệt, nhận thức đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của VKS, Kiểm sát viên trong thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự; thường xuyên phát hiện, tổng hợp, lưu ý đến các dạng vi phạm mà TAND các cấp thường mắc phải để không ngừng nâng cao kỹ năng phát hiện vi phạm.
Bốn là, tăng cường trao đổi giữa VKS cấp dưới với các đơn vị nghiệp vụ của VKS cấp trên trong trường hợp xét thấy bản án, quyết định có vi phạm pháp luật.
VKS các cấp cần xây dựng quy chế phối hợp với TAND trong công tác xét xử vụ án hình sự, trong đó lưu ý đến nội dung về thời hạn Tòa án chuyển giao bản án, quyết định cho VKS...
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 không quy định về căn cứ thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm hình sự của VKS. Tuy vậy, theo Điều 37 Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự ban hành kèm theo Quyết định số 505/QĐ-VKSTC ngày 18/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao (Quy chế 505) thì bản án, quyết định sơ thẩm hình sự chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây: Việc điều tra, xét hỏi tại phiên tòa sơ thẩm không đầy đủ dẫn đến đánh giá không đúng tính chất của vụ án; Kết luận, quyết định trong bản án, quyết định sơ thẩm không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án; Có sai lầm trong việc áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật khác; Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng luật định hoặc có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng.
|