Trao đổi với phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, đồng chí Ngô Tiến Thụy, Trưởng phòng 1, VKSND tỉnh Bắc Giang cho biết: Các vụ án xâm phạm trật tự giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cơ bản được điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, tạo niềm tin trong quần chúng nhân dân, góp phần ổn định trật tự, an toàn giao thông trong tỉnh. 

Tuy nhiên, thời gian gần đây, công tác khám nghiệm hiện trường các vụ tai nạn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vẫn còn một số vụ án bị tồn đọng, kéo dài, sau đó phải đình chỉ vì không chứng minh được tội phạm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tồn tại trên, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do thiếu sót, sai phạm của Cơ quan điều tra, Điều tra viên trong quá trình phát hiện, thu thập chứng cứ tại hiện trường…

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên phối hợp với Công an khám nghiệm hiện trường một vụ tai nạn. 

Cũng theo Trưởng phòng 1,  Ngô Tiến Thụy:  Nhận thấy tầm quan trọng của công tác khám nghiệm hiện trường đối với các vụ án tai nạn giao thông, VKSND hai cấp kiểm sát tỉnh Bắc Giang đã đề xuất các biện pháp nâng cao hơn nữa chất lượng công tác này. Cụ thể:

Tăng cường chất lượng hoạt động khám nghiệm và điều tra tại hiện trường các vụ tai nạn giao thông đường bộ, bảo đảm các vụ, việc xảy ra đều được tổ chức khám nghiệm hiện trường kịp thời, đúng quy trình, quy định của pháp luật và Thông tư số 77/2012/TT-BCA  ngày 28/12/2012 của Bộ Công an quy định quy trình giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của Cảnh sát Giao thông đường bộ.

Công tác khám nghiệm các phương tiện giao thông phải được tiến hành tại hiện trường hoặc tại nơi tạm giữ phương tiện, ngay sau khi kết thúc khám nghiệm hiện trường; khi khám nghiệm phương tiện phải so sánh, đối chứng các dấu vết va chạm, tư thế, góc độ va chạm giữa các phương tiện với nhau; …

Đối với các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả chết người phải do lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát tham gia chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường; lãnh đạo cùng với Kiểm sát viên trực tiếp tham gia những vụ quan trọng, không quả tang ... đúng theo yêu cầu của Viện trưởng VKSND tối cao tại các Chỉ thị công tác hàng năm, đảm bảo việc khám nghiệm hiện trường có chất lượng, hiệu quả thiết thực và đúng quy định của pháp luật (về trình tự, thủ tục khám nghiệm, xây dựng biên bản khám nghiệm, thu thập chứng cứ, giám định, bảo quản tang vật chứng và thực nghiệm điều tra).

Tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng tham gia khám nghiệm hiện trường với các lực lượng nghiệp vụ khác.     

Đẩy mạnh công tác kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ khám nghiệm hiện trường các vụ tai nạn giao thông đường bộ phức tạp; đồng thời phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, vướng mắc liên quan đến công tác khám nghiệm hiện trường tại Cơ quan điều tra cấp huyện…

Bên cạnh đó, cần xây dựng Quy chế phối hợp trong công tác khám nghiệm hiện trường đối với các vụ án tai nạn giao thông của cả  3 cơ quan Cảnh sát điều tra – Cảnh sát giao thông – Viện kiểm sát. Ban hành quy trình khám nghiệm hiện trường tai nạn giao thông đường bộ chuẩn và thống nhất thực hiện trong toàn tỉnh, trên cơ sở quy định của pháp luật, nhằm chuẩn hóa quy trình khám nghiệm hiện trường, tạo cơ sở chuẩn hóa công tác khám nghiệm hiện trường tai nạn giao thông đường bộ, tránh tình trạng mỗi đơn vị, mỗi cá nhân làm theo mỗi kiểu.

Phối hợp với Cơ quan điều tra chủ động, linh hoạt trong công tác tiếp nhận tin báo, bảo vệ hiện trường trước khi Hội đồng khám nghiệm tiến hành khám nghiệm hiện trường, nhất là lực lượng Công an cấp xã.

Cần có chính sách, chế độ bồi dưỡng cụ thể, rõ ràng đối với Kiểm sát viên và Điều tra viên tham gia khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi;

Tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang bị các loại phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác khám nghiệm hiện trường…

Tuyên truyền, vận động người dân tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi.

 

Thế Minh