leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên kiểm sát việc khởi tố, bắt tạm giam đối với bị can.

Một số hạn chế, vướng mắc 

Thời gian qua, VKS các cấp đã tích cực, chủ động thực hiện quyền yêu cầu đối với Cơ quan điều tra (CQĐT), cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, cũng như các cơ quan, tổ chức khác; chất lượng yêu cầu của VKS ngày càng nâng lên, được cơ quan, tổ chức chấp nhận và thực hiện, qua đó góp phần chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. 

Bên cạnh những bản yêu cầu có chất lượng, kịp thời, hỗ trợ cơ quan có thẩm quyền trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ, khắc phục, sửa chữa các vi phạm, thiếu sót, bảo đảm cho các vụ việc được giải quyết nhanh chóng, có căn cứ, đúng pháp luật…, thì vẫn còn những quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án trái pháp luật, vẫn còn để xảy ra án đình chỉ điều tra do bị can không phạm tội, án bị sửa, hủy để điều tra lại hoặc trả hồ sơ điều tra bổ sung do Kiểm sát viên (KSV) không ban hành hoặc chậm ban hành yêu cầu xác minh, yêu cầu điều tra, như vụ án Nguyễn Hoàng Phú, Huỳnh Phú Sĩ, phạm tội “Cướp giật tài sản” tại Kiên Giang, Điều tra viên (ĐTV) không tiến hành xác minh, làm rõ và khám xét số tài sản cướp giật được là 6.300.000 đồng bị cất giấu theo lời khai của hai bị can; KSV cũng không đề ra yêu cầu điều tra làm rõ. Do đó, vụ án đã bị Tòa án cấp phúc thẩm hủy án để điều tra lại; tình trạng chậm yêu cầu khởi tố vụ án đối với vụ việc đã rõ dấu hiệu tội phạm còn xảy ra.

Một số yêu cầu khởi tố nội dung còn chung chung; yêu cầu kiểm tra xác minh, yêu cầu điều tra chưa thật rõ ràng, yêu cầu những vấn đề mà bất kỳ vụ việc nào, CQĐT, ĐTV cũng phải thực hiện, như yêu cầu hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, xác minh nhân thân hoặc yêu cầu những vấn đề mà CQĐT, ĐTV không thể thực hiện được hoặc đã làm rõ rồi khiến ĐTV phản đối, từ chối thực hiện. Ví dụ: Vụ án Trần Văn C. phạm tội “Cố ý gây thương tích” xảy ra tại tỉnh T.. Hồ sơ vụ án thể hiện bị can đã ném con dao gây án xuống vực sâu trên đường chạy trốn, không nhớ địa điểm vì đã lâu nhưng KSV vẫn yêu cầu phải tổ chức tìm kiếm.

 

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên kiểm sát hoạt động khám nghiệm hiện trường.

Có trường hợp KSV bỏ mặc, không kiểm tra, giám sát quá trình ĐTV thực hiện yêu cầu; chỉ sau khi kết thúc điều tra, nhận hồ sơ vụ án, KSV mới phát hiện việc điều tra chưa đầy đủ, có vi phạm, dẫn đến phải trả hồ sơ điều tra bổ sung. Việc thực hiện yêu cầu của VKS có vụ việc, có lúc còn chậm trễ, không đầy đủ nhưng KSV lúng túng, không có biện pháp tác động, xử lý phù hợp…

Bên cạnh đó, quá trình thực hiện quyền yêu cầu, VKS còn gặp phải khó khăn, vướng mắc. Mặc dù một số yêu cầu trong khởi tố, điều tra được ban hành kịp thời, chất lượng tốt nhưng ĐTV thực hiện chậm nhưng không có căn cứ kiến nghị do luật thiếu quy định thời hạn thực hiện yêu cầu, dẫn đến thu thập tài liệu, chứng cứ không được đầy đủ, người phạm tội có thời gian tiêu hủy chứng cứ, gây khó khăn cho công tác điều tra. Một số cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ chưa kịp thời theo yêu cầu của VKS song chế tài xử lý chưa rõ ràng, chưa đủ sức răn đe. Không ít vụ việc còn có nhận thức, quan điểm đánh giá khác nhau giữa các cơ quan, người tiến hành tố tụng…  

leftcenterrightdel
 Thường xuyên trao đổi phối hợp công tác với Cơ quan điều tra trong quá trình giải quyết vụ án.

Theo tác giả, những hạn chế, vướng mắc nêu trên xuất phát từ các nguyên nhân cơ bản sau đây: 

Một là, một số quy định của pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu cụ thể, rõ ràng, gây vướng mắc trong nhận thức và áp dụng như: Điểm d khoản 3 Điều 160 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) và khoản 1 Điều 5 Luật tổ chức VKSND năm 2014 mâu thuẫn nhau về cách thức xử lý của VKS khi phát hiện việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm của CQĐT có vi phạm pháp luật, từ đó phát sinh nhận thức, quan điểm khác nhau. Có ý kiến cho rằng, ở giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm không có quy định quyền kiến nghị nên VKS cần căn cứ điểm d khoản 3 Điều 160 BLTTHS để yêu cầu CQĐT khắc phục vi phạm. Ý kiến khác cho rằng, phải ban hành kiến nghị trên cơ sở quy định của Điều 5 Luật tổ chức VKSND năm 2014.

Tại khoản 6 Điều 166 BLTTHS quy định VKS có quyền “Kiến nghị, yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khắc phục vi phạm trong việc khởi tố, điều tra”. Như vậy, khi phát hiện việc khởi tố, điều tra của CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra không đầy đủ, vi phạm pháp luật, VKS có thể kiến nghị, cũng có thể yêu cầu. Vấn đề đặt ra là, trường hợp nào VKS kiến nghị, trường hợp nào VKS yêu cầu CQĐT khắc phục vi phạm pháp luật? Vấn đề này chưa được quy định tách bạch, rõ ràng. 
Luật tổ chức VKSND năm 2014 không quy định thời hạn CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân xem xét, thực hiện, trả lời yêu cầu của VKS trong tố tụng hình sự. Còn BLTTHS, mặc dù đã quy định trách nhiệm thực hiện (Điều 162, 167, 237) nhưng lại chưa đồng bộ và thống nhất (có yêu cầu thì quy định rõ thời hạn thực hiện, lại có yêu cầu thì không rõ thời hạn thực hiện ra sao). Ví dụ: Khi VKS yêu cầu chuyển hồ sơ tin báo trong trường hợp quy định tại điểm c khoản 3 Điều 145 Bộ luật này thì CQĐT phải thực hiện trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày VKS có yêu cầu (khoản 2 Điều 146), nhưng VKS yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ để xét phê chuẩn quyết định khởi tố bị can thì BLTTHS lại không quy định thời hạn thực hiện và trả lời (Điều 179). Thế là chưa bảo đảm sự đồng bộ và thống nhất của pháp luật; hơn nữa việc không quy định đầy đủ thời hạn thực hiện và trả lời yêu cầu của VKS sẽ làm cho quá trình giải quyết vụ việc mất đi tính kịp thời, hiệu quả, gây khó khăn cho công tác theo dõi, kiểm sát việc thực hiện yêu cầu. 

 

leftcenterrightdel
 Kiểm sát việc thu giữ vật chứng trong vụ án.

Ngoài ra, chế tài xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân chậm thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc không thực hiện yêu cầu của VKS cũng chưa được pháp luật quy định rõ ràng đã làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả các yêu cầu của VKS. 

Khoản 2 Điều 11 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT quy định trường hợp CQĐT không thực hiện yêu cầu điều tra của VKS hoặc đã tiến hành các hoạt động điều tra nhưng do trở ngại khách quan mà không thể thực hiện được yêu cầu điều tra thì CQĐT phải nêu rõ lý do trong bản kết luận điều tra, thế là trái với quy định tại khoản 1 Điều 167 BLTTHS (CQĐT phải thực hiện yêu cầu điều tra của VKS). 

Tại Điều 12 Luật tổ chức VKSND năm 2014 và Phần thứ nhất về Những quy định chung của BLTTHS (Điều 49 và Điều 51) không ghi nhận căn cứ thay đổi ĐTV, Cán bộ điều tra (CBĐT) do việc giải quyết nguồn tin về tội phạm không đầy đủ, vi phạm pháp luật. Thế nhưng, điểm đ khoản 3 Điều 159 Bộ luật này lại cho phép VKS yêu cầu thay đổi ĐTV, CBĐT khi phát hiện việc giải quyết nguồn tin về tội phạm của CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra không đầy đủ, vi phạm pháp luật. Theo tác giả, cần bổ sung nội dung yêu cầu thay đổi ĐTV, CBĐT khi phát hiện việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, điều tra không đầy đủ, vi phạm pháp luật vào Điều 12 Luật tổ chức VKSND và các điều 49, 51 BLTTHS nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong các quy định về cùng một vấn đề, quan trọng hơn là có thêm biện pháp xử lý đủ nghiêm và có hiệu quả khi ĐTV, CBĐT thiếu trách nhiệm trong quá trình điều tra, để xảy ra vi phạm. 

Hai là, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, số vụ việc phải giải quyết ngày càng tăng, thủ đoạn phạm tội tinh vi, xảo quyệt. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ, KSV còn thiếu, một KSV phải tham gia tiến hành tố tụng đối với nhiều vụ việc, đã làm hạn chế thời gian, chất lượng nghiên cứu hồ sơ và kiểm sát các hoạt động điều tra của KSV, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng, thực hiện quyền yêu cầu.  

Ba là, một số đơn vị, KSV chưa xây dựng được mối quan hệ tốt, chặt chẽ với CQĐT, ĐTV. Việc bố trí, sắp xếp, phân công KSV trong một số trường hợp chưa đủ, chưa phù hợp giữa tính chất phức tạp của vụ án với số lượng, năng lực và trình độ của KSV.

Bốn là, vẫn còn những KSV chưa chủ động nghiên cứu, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để nâng cao năng lực, kỹ năng nghiệp vụ một cách thường xuyên; chưa thực sự đầu tư thời gian để nghiên cứu kỹ và nắm chắc hồ sơ vụ việc; thiếu chặt chẽ, thận trọng khi kiểm sát các hoạt động điều tra nên không nắm được những vấn đề phải chứng minh làm rõ, các mâu thuẫn cũng như vi phạm của CQĐT, ĐTV để thực hiện kịp thời, hiệu quả quyền yêu cầu.

Giải pháp và kiến nghị

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật, giải thích, hướng dẫn việc thực hiện quyền yêu cầu khi phát hiện việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, việc điều tra không đầy đủ, vi phạm pháp luật theo hướng phân định rõ trường hợp nào VKS thực hiện quyền yêu cầu và trường hợp nào VKS phải kiến nghị khắc phục vi phạm pháp luật.

 Rà soát, bổ sung đầy đủ vào Luật tổ chức VKSND năm 2014 và BLTTHS các quy định về trách nhiệm, thời hạn CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, các cơ quan, tổ chức khác phải xem xét, thực hiện, trả lời các yêu cầu của VKS nhằm bảo đảm đồng bộ, thống nhất của pháp luật và hiệu quả của hoạt động kiểm sát; đồng thời là cơ sở để VKS có xem xét, quyết định các biện pháp xử lý tiếp theo khi hết thời hạn mà cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa thực hiện yêu cầu. Chẳng hạn: Bổ sung vào Điều 167 và khoản 3 Điều 179 BLTTHS nội dung “Đối với yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ để xét phê chuẩn quyết định khởi tố bị can của Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra phải thực hiện trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Nếu không bổ sung được thì CQĐT phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do”; bổ sung vào Điều 162, 167 BLTTHS nội dung “Yêu cầu khởi tố của Viện kiểm sát phải được Cơ quan điều tra thực hiện trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu”.

 Ngoài ra, bổ sung vào BLTTHS, TTLT số 01/2017 và TTLT số 04/2018 chế tài xử lý rõ ràng, đủ nghiêm đối với CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, ĐTV, CBĐT chậm thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc không thực hiện các yêu cầu của VKS nhằm nâng cao trách nhiệm của ĐTV, CBĐT và bảo đảm hiệu lực, hiệu quả các yêu cầu của VKS.

 Khắc phục mâu thuẫn trong quy định về thực hiện yêu cầu điều tra của VKS giữa khoản 2 Điều 11 TTLT số 04/2018 và khoản 1 Điều 167 BLTTHS theo hướng bãi bõ nội dung tại khoản 2 Điều 11 TTLT số 04/2018.

 Bổ sung nội dung yêu cầu thay đổi ĐTV, CBĐT khi phát hiện việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, việc điều tra không đầy đủ, vi phạm pháp luật vào Điều 12 Luật tổ chức VKSND năm 2014 và các Điều 49, Điều 51 BLTTHS nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong quy định của pháp luật và nâng cao trách nhiệm của ĐTV, CBĐT; bên cạnh đó sẽ có thêm biện pháp xử lý có hiệu quả khi ĐTV, CBĐT thiếu trách nhiệm trong quá trình điều tra, để xảy ra vi phạm pháp luật. 

Thứ hai, tăng cường, đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Lãnh đạo VKS phải quán triệt về vị trí, ý nghĩa của công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố các vụ án hình sự nói chung, quyền yêu cầu của VKS nói riêng. VKS cấp trên thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn đối với VKS cấp dưới, chú trọng kiểm tra theo chuyên đề, hướng dẫn theo từng mặt, từng nội dung như việc ban hành, thực hiện yêu cầu kiểm tra, xác minh và yêu cầu điều tra. 

VKS cấp dưới định kỳ tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quyền yêu cầu, báo cáo VKS cấp trên để hướng dẫn, giải đáp kịp thời. VKS cấp trên tổng hợp các văn bản yêu cầu có chất lượng tốt, các kinh nghiệm hay trong xây dựng, ban hành và thực hiện quyền yêu cầu để phổ biến cho cán bộ, KSV thuộc quyền quản lý học tập, qua đó nâng cao năng lực cho đội ngũ KSV một cách thường xuyên.Thứ ba, KSV phải không ngừng tự học tập, tự nghiên cứu thông qua từng vụ án, vụ việc; vừa làm vừa rút kinh nghiệm; thường xuyên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa các KSV. Những vấn đề, tình tiết còn nhận thức, quan điểm chưa thống nhất, KSV cần báo cáo lãnh đạo Viện cho ý kiến chỉ đạo trước khi ký ban hành văn bản yêu cầu thuộc thẩm quyền.

VKS cấp trên quan tâm tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, kinh nghiệm, quy trình thực hiện quyền yêu cầu đối với từng nhóm tội, loại tội cụ thể, qua đó giúp KSV nghiên cứu, vận dụng trong thực tiễn có hiệu quả hơn. Tăng cường công tác đào tạo tại chỗ cho đội ngũ cán bộ, KSV tại các VKS địa phương.

Thứ tư, Liên ngành VKS và CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thể nghiên cứu xây dựng quy chế phối hợp trong việc xây dựng, thực hiện, giải quyết, quản lý các yêu cầu của VKS, trong đó quy định rõ nguyên tắc phối hợp, trách nhiệm của lãnh đạo CQĐT, VKS, ĐTV, KSV, các nội dung phối hợp cụ thể...

Cường Nguyễn