Nếu như kết hôn là khởi đầu để xác lập nên quan hệ vợ chồng thì ly hôn có thể coi là điểm cuối của quan hệ này. Khi đời sống hôn nhân không thể duy trì được nữa thì ly hôn là một giải pháp cần thiết cho cả hai bên vợ chồng cũng như cho xã hội. Bằng các quy định về ly hôn, Nhà nước hướng tới bảo vệ lợi ích của gia đình, của xã hội khi xác định những điều kiện cho phép chấm dứt quan hệ hôn nhân trước pháp luật, gọi chung là căn cứ ly hôn.

Căn cứ được hiểu là tiền đề hoặc cơ sở lập luận hoặc hành động

Căn cứ ly hôn được hiểu là tiền đề hoặc cơ sở để Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết ly hôn

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về chế định ly hôn, trong đó có quy định về căn cứ ly hôn. Sự thay đổi này góp phần hạn chế những bất cập, vướng mắc tồn tại thời gian qua trong quá trình áp dụng

Theo khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”. Chế định ly hôn quy định trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 có nhiều điểm mới so với Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 như quyền yêu cầu giải quyết ly hôn, căn cứ ly hôn, quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con sau ly hôn, giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn…Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định căn cứ cho ly hôn tại một điều luật riêng: Điều 89. Theo đó có 02 trường hợp được coi là căn cứ cho ly hôn: Tòa án xem xét yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì Tòa án quyết định cho ly hôn; Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

leftcenterrightdel
 Một phiên tòa xử ly hôn. Ảnh tạp chí Tòa án.

Trong khi đó, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 không quy định căn cứ ly hôn thành một điều luật như Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 mà chuyển quy định về căn cứ ly hôn vào trong quy định về thuận tình ly hôn; ly hôn theo yêu cầu của một bên và ly hôn theo yêu cầu của người thứ ba: “Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.

Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

 Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.”

Như vậy, theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, căn cứ ly hôn bao gồm ba yếu tố: lỗi của vợ, chồng; thực trạng quan hệ vợ chồng; và mối quan hệ nhân quả giữa lỗi của vợ, chồng với thực trạng quan hệ vợ chồng.

* Căn cứ ly hôn trong trường hợp thuận tình ly hôn: Điều 55 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn”. 

leftcenterrightdel
 Luật Hôn nhân gia đình hiện hành. 

Trong trường hợp này, căn cứ để Tòa án giải quyết ly hôn là cả hai vợ chồng cùng mong muốn chấm dứt quan hệ hôn nhân;vợ chồng cùng yêu cầu Tòa án công nhận thuận tình ly hôn, cùng được xác định là người yêu cầuvà có đủ các điều kiện để công nhận thuận tình ly hôn.Việc giải quyết thuận tình ly hônchỉ có ý nghĩa khi việc thuận tình ly hôn là thật sự, phù hợp với thực trạng quan hệ hôn nhân, mà không phải là thuận tình ly hôn giả, không phải do cưỡng ép, lừa dối hoặc vì tự ái, sĩ diện cá nhân; đảm bảo tôn trọng quyền tự quyết trong quan hệ nhân thân của vợ chồng;giảm thiểu được sự mâu thuẫn, tổn thương và đến con chung khi tranh chấp trong việc ly hôn; tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí.

Trên thực tế, việc xác minh ý chí, tình cảm tự nguyện của vợ, chồng trong thuận tình ly hôn chủ yếu qua sự trình bày của hai vợ chồng và trước khi tiến hành hòa giải, Tòa án có thể tham khảo ý kiến của các cơ quan quản lý chức năng để hiểu rõ hơn về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn, nguyện vọng của vợ, chồng, con. Tuy nhiên không phải trường hợp nào, cơ quan chức năng đều nắm bắt rõ hoàn cảnh, tình cảm giữa vợ chồng và tâm tư, nguyện vọng thực sự của họ vì có những địa bàn vùng sâu, vùng xa, các gia đình sống với khoảng cách xa nhau rất lớn hoặc ở những thành phố lớn các gia đình thường sống khép kín, bận rộn với công việc nên ít khi các gia đình có cơ hội thăm hỏi, gặp gỡ để biết được hoàn cảnh thực sự của nhau.

* Căn cứ ly hôn theo yêu cầu của một bên: Khi một bên vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn; vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được. Đối tượng của hành vi bạo lực có thể là một bên vợ hoặc chồng hoặc các thành viên khác của gia đình (cha, mẹ chồng, cha, mẹ vợ…). Vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của vợ/chồng được hiểu là vi phạm nghĩa vụ chung thủy, phá tán tài sản, vi phạm quy định về đại diện: tự ý xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch; cản trở quyền tự do hội họp, tham gia các hoạt động văn hóa,… các hành vi đó là nguyên nhân trực tiếp làm cho tình trạng hôn nhân trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được. Tuy nhiên trên thực tế có một số trường hợp một bên vợ/chồng không có một trong các hành vi nói trên (không có yếu tố lỗi) nhưng vẫn dẫn đến quan hệ hôn nhân trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Vậy có thể được coi là căn cứ để Tòa án giải quyết ly hôn hay không.

Bên cạnh đó, hiện nay Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 cùng các văn bản hướng dẫn không quy định rõ thế nào là “vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được”, trong khi đó, khi giải quyết các trường hợp cụ thể, với sự đa dạng của cuộc sống, đối với mỗi cặp vợ chồng, mỗi vụ án ly hôn thường có mâu thuẫn cũng như hoàn cảnh không giống nhau nên việc xem xét, đánh giá căn cứ trên là rất khó khăn, vướng mắc, chính vì vậy việc giải quyết đôi khi phụ thuộc rất nhiều vào ý chí của mỗi thẩm phán.

* Căn cứ ly hôn trong trường hợp người thứ ba yêu cầu: Cha, mẹ, người thân thích của bên vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn khi có căn cứ về việc vợ/ chồng có hành vi bạo lực làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia. Điều kiện để cha, mẹ, người thân thích yêu cầu ly hôn đối với vợ chồng đó là: một bên vợ hoặc chồng bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ hành vi của mình, đồng thời người đó là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng hoặc vợ của họ gây ra. Hành vi bạo lực đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của nạn nhân. Đây là một trong những điểm mới của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: trước đây Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 cũng như các văn bản pháp luật khác không quy định cha, mẹ, người thân thích của bên vợ hoặc chồng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi có căn cứ về việc vợ/chồng là nạn nhân của bạo lực gia đình, bị vi phạm nghiêm trọng về sức khỏe dẫn đến trên thực tế có rất nhiều trường hợp vợ/chồng là nạn nhân của bạo lực gia đình nghiêm trọng nhưng Tòa không thể giải quyết cho ly hôn nên không đảm bảo được quyền lợi của họ.

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã có một số quy định tiến bộ hơn, bảo đảm quyền ly hôn của mỗi công dân. Tuy nhiên các quy định về căn cứ ly hôn vẫn tồn tại những hạn chế, vướng mắc nhất định. Hi vọng trong thời gian tới chúng ta sẽ có những thay đổi, hướng dẫn cụ thể, kịp thời để hoàn thiện hơn nữa quy định pháp luật về căn cứ ly hôn, đảm bảo được quyền lợi tốt nhất cho công dân.

 

 

 

 

Nguyễn Thị Thùy Linh-Giảng viên khoa Nhà nước và Pháp luật, trường Chính trị tỉnh Hòa Bình