VKSND tối cao vừa ban hành Kế hoạch số 123/KH-VKSTC ngày 22/5/2024 về việc tiếp công dân của Viện trưởng VKSND tối cao.

Việc tiếp công dân của Viện trưởng VKSND tối cao nhằm mục đích tổ chức thực hiện nghiêm túc những quy định của Luật Tiếp công dân năm 2013 và Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân của VKSND tối cao.

Việc tiếp công dân còn nhằm tăng cường sự đối thoại với người dân và nâng cao chất lượng công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo; đảm bảo quyền khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định của pháp luật; kịp thời xử lý, ngăn chặn các tình huống phát sinh khiếu nại, tố cáo phức tạp, hạn chế tình trạng khiếu kiện đông người, kéo dài và vượt cấp.

Yêu cầu đặt ra là thực hiện đúng các quy định pháp luật về tiếp công dân; tổ chức tiếp công dân chu đáo, đảm bảo các thủ tục cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh một buổi tiếp công dân do lãnh đạo VKSND tối cao chủ trì. (Ảnh minh hoạ)

Về nội dung, theo Kế hoạch, việc tiếp công dân gồm tiếp công dân định kỳ và tiếp công dân đột xuất.

Đối với tiếp công dân định kỳ, Viện trưởng VKSND tối cao định kỳ tiếp công dân mỗi tháng ít nhất một ngày đối với các trường hợp sau:

Vụ việc đã được giải quyết bằng văn bản có hiệu lực pháp luật hoặc đã hết thẩm quyền nhưng công dân đề nghị kiểm tra lại.

Vụ việc công dân đã gửi đơn nhiều lần, có dấu hiệu oan, sai, được dư luận quan tâm nhưng chưa được kiểm tra xem xét, giải quyết.

Viện trưởng VKSND tối cao có thể ủy quyền cho một Phó Viện trưởng VKSND tối cao phụ trách khối nghiệp vụ có liên quan đến việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân thực hiện việc tiếp công dân.

Về tiếp công dân đột xuất, theo Kế hoạch, Viện trưởng VKSND tối cao tiếp công dân đột xuất trong những trường hợp sau:

Vụ việc có tính chất phức tạp, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến của cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khác nhau.

Vụ việc nếu không chỉ đạo, xem xét kịp thời có thể gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có thể dẫn đến hủy hoại tài sản của Nhà nước, của tập thể, xâm hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân; ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Về trình tự tiếp công dân: Khi công dân có yêu cầu, trường hợp vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị nghiệp vụ nào thì lãnh đạo đơn vị đó cử cán bộ, công chức tiếp để giải thích, hướng dẫn hoặc bổ sung các thủ tục cần thiết (nếu có) để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của công dân theo thứ tự: Công chức, Điều tra viên được phân công thụ lý hồ sơ hoặc được phân công xử lý, giải quyết vụ việc và lãnh đạo cấp phòng; lãnh đạo cấp Vụ và tương đương.

Phó Viện trưởng VKSND tối cao tiếp công dân khi đã thực hiện hết trình tự được quy định nêu trên mà công dân vẫn tiếp tục khiếu nại.

Viện trưởng VKSND tối cao sẽ xem xét, quyết định tiếp công dân khi đã thực hiện hết trình tự tại các nội dung trên.

Cũng theo Kế hoạch, Viện trưởng VKSND tối cao thực hiện việc tiếp công dân tại địa điểm tiếp công dân thuộc trụ sở của VKSND tối cao hoặc trụ sở tiếp công dân khác do Viện trưởng VKSND tối cao quyết định.

Ngoài các nội dung trên, Kế hoạch còn nêu các nội dung khác như: Trách nhiệm của Vụ Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (Vụ 12) VKSND tối cao; các đơn vị nghiệp vụ thuộc VKSND tối cao; Văn phòng VKSND tối cao.

Hà My- Trà My