Về mục tiêu, Kế hoạch nêu rõ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, góp phần xây dựng đội ngũ công chức, viên chức ngành KSND có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ, bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành KSND phải quán triệt, thực hiện đầy đủ quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là những quy định mới của luật, những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng từ thực tiễn, bảo đảm phát triển toàn diện năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của người học; học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn.

Viện kiểm sát các cấp chủ động phối hợp với Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội và Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh để mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ và lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ Kiểm sát viên, công chức của đơn vị; phát huy tinh thần tự học tập của đội ngũ cán bộ ngành KSND; xác định rõ trách nhiệm học tập đáp ứng các tiêu chuẩn trình độ để thực hiện có chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng, lấy người học làm trung tâm; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giảng dạy, học tập; bảo đảm công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu, thực chất, hiệu quả, tiết kiệm.

Tăng cường mời giảng viên kiêm chức nhất là Kiểm sát viên VKSND tối cao, lãnh đạo đơn vị thuộc VKSND tối cao, lãnh đạo VKSND cấp cao, lãnh đạo VKSND cấp tỉnh và Kiểm sát viên, Điều tra viên có nhiều kinh nghiệm thực tiễn và có khả năng truyền đạt tham gia công tác giảng dạy, nhằm nâng cao tính thực tiễn trong công tác giảng dạy và học tập của công chức, viên chức.

leftcenterrightdel
 TS. Nguyễn Văn Khoát, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội trao Bằng thạc sĩ cho học viên cao học khóa 2 ngành Luật hình sự và tố tụng hình sự. (Ảnh minh hoạ: Cao Nguyên)

Về nhiệm vụ công tác trọng tâm, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 07/CT-VKSTC ngày 23/9/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao và các nội dung của Đề án “Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân giai đoạn 2021-2025”.

Đào tạo đại học hệ chính quy ngành luật, chuyên ngành kiểm sát để tạo nguồn tuyển dụng công chức nghiệp vụ kiểm sát cho các đơn vị trong Ngành; đào tạo đại học ngành luật, chuyên ngành luật kinh tế; đào tạo sau đại học theo nhu cầu của xã hội; triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia.

Đào tạo nghiệp vụ kiểm sát cho công chức, viên chức đã có bằng cử nhân luật; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị và kiến thức quản lý nhà nước cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và bồi dưỡng chuyên sâu kỹ năng nghiệp vụ đáp ứng theo tiêu chuẩn, điều kiện và vị trí việc làm; tập trung bồi dưỡng về kiến thức pháp luật mới, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng pháp luật về quản lý kinh tế, xã hội, về thương mại… kiến thức mới về cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền, đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành VKSND các cấp. Xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ, phân công Kiểm sát viên có kinh nghiệm kèm cặp, hướng dẫn cán bộ mới, cán bộ ít kinh nghiệm thực tiễn; phát động các cuộc thi về tìm hiểu pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ, Kiểm sát viên; kết hợp hiệu quả giữa đào tạo, bồi dưỡng tại Nhà trường với tự đào tạo, bồi dưỡng tại cơ quan, đơn vị.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên; nghiên cứu, xây dựng giáo trình, chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với quy định mới của pháp luật; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu và học tập cho các cơ sở đào tạo của Ngành.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các thỏa thuận hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng; mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng; đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ ở nước ngoài theo các đề án của Ban Tổ chức Trung ương, của Chính phủ…; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát cho cán bộ Viện kiểm sát nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng; khuyến khích VKSND địa phương, đơn vị trong Ngành tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho công chức, viên chức của đơn vị.

Kế hoạch giao Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tuyển sinh đào tạo trình độ tiến sĩ khóa 2, tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ luật khóa 6, tuyển sinh đào tạo văn bằng thứ hai đại học ngành luật khóa 6. Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo khóa 8, khóa 9, khóa 10 và khóa 11 đại học hệ chính quy, ngành luật, chuyên ngành kiểm sát; khóa 2, khóa 3, khóa 4 hệ chính quy ngành luật, chuyên ngành luật thương mại; khóa 3, khóa 4, khóa 5 văn bằng thứ hai đại học ngành luật; khóa 4, khóa 5 trình độ thạc sĩ; khóa 1 trình độ tiến sĩ. Đồng thời, chủ trì và phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ xây dựng Đề án tuyển sinh để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức tuyển sinh đào tạo khóa 12 đại học hệ chính quy, ngành luật, chuyên ngành kiểm sát (dự kiến 350 chỉ tiêu); khóa 1 đại học ngành luật, chuyên ngành luật kinh tế; khóa 2 trình độ tiến sĩ theo nhu cầu xã hội, phù hợp với năng lực của Nhà trường và đảm bảo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 

P.V