Về nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND khi kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú, Điều 62 dự thảo Luật quy định:
1. VKSND kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, và cấm đi khỏi nơi cư trú.
2. Khi kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú, VKSND có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Kiểm sát tại trại tạm giam, nhà tạm giữ, buồng tạm giữ; hỏi người bị tạm giữ, người bị tạm giam về việc tạm giữ, tạm giam;
b) Kiểm sát hồ sơ tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú;
c) Yêu cầu Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam, Trưởng buồng tạm giữ Bộ đội Biên phòng tự kiểm tra việc tạm giữ, tạm giam và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát; cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc thi hành tạm giữ, tạm giam; thông báo tình hình thi hành tạm giữ, tạm giam; trả lời về quyết định, biện pháp hoặc việc làm vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam;
d) Quyết định trả tự do ngay cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam không có căn cứ và trái pháp luật;
đ) Kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền trong việc tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú; đình chỉ việc thi hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và yêu cầu xử lý người vi phạm pháp luật;
|
|
Viện kiểm sát trực tiếp hỏi người tạm giữ, tạm giam tại Nhà tạm giữ Công an cấp huyện. (Ảnh minh hoạ) |
e) Khởi tố hoặc yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú theo quy định của pháp luật;
g) Giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú theo quy định của Luật này, Luật tổ chức VKSND và Bộ luật Tố tụng hình sự.
Bên cạnh đó, tại Điều 63 dự thảo Luật cũng quy định về trách nhiệm thực hiện yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị, quyết định của VKSND trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.
Theo đó, Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam, Trưởng buồng tạm giữ Bộ đội biên phòng có trách nhiệm thực hiện yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị, quyết định sau đây của VKSND trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam:
1. Yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam phải được thực hiện ngay; yêu cầu thông báo tình hình tạm giữ, tạm giam, yêu cầu trả lời về quyết định, biện pháp hoặc việc làm vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam được thực hiện trong thời hạn 15 ngày; yêu cầu tự kiểm tra việc tạm giữ, tạm giam và thông báo kết quả cho VKSND được thực hiện trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu;
2. Quyết định quy định tại điểm d khoản 2 Điều 62 của Luật này phải được thi hành ngay; nếu không nhất trí với quyết định đó thì vẫn phải thi hành, nhưng có quyền khiếu nại lên VKSND cấp trên có thẩm quyền. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện trưởng VKSND cấp trên phải giải quyết;
3. Kháng nghị quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 62 của Luật này phải được giải quyết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được kháng nghị; nếu không nhất trí với kháng nghị thì có quyền khiếu nại lên VKSND cấp trên có thẩm quyền; VKSND cấp trên phải giải quyết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại; quyết định của VKSND cấp trên là quyết định có hiệu lực pháp luật;
4. Kiến nghị quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 62 của Luật này phải được xem xét, giải quyết, trả lời cho VKSND trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị.
Về kiểm sát hoạt động quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú, Điều 5 dự thảo Luật quy định: VKSND kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú theo quy định của Luật này, Luật Tổ chức VKSND và Bộ luật Tố tụng hình sự. |