VKSND tối cao vừa ban hành Kế hoạch số 101/KH-VKSTC về tổng kiểm kê tài sản công trong ngành KSND.

Theo đó, việc tổng kiểm kê tài sản trong ngành KSND là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy nguồn lực tài sản công, tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Việc tổng kiểm kê để thống kê, nắm được thực trạng tài sản công trong toàn Ngành, phục vụ báo cáo Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; phục vụ việc xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp, sửa chữa các tài sản, trang thiết bị và đầu tư xây dựng trong toàn Ngành; phục vụ công tác báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công, cung cấp thông tin để lập báo cáo tài chính nhà nước, báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của pháp luật.

Yêu cầu đặt ra là phải phổ biến đầy đủ các nội dung của Quyết định số 213/QĐ-TTg tại cơ quan, đơn vị và đến các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành KSND.

Công tác kiểm kê được thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ tài chính và VKSND tối cao để đảm bảo việc triển khai thực hiện Quyết định số 213/QĐ-TTg nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ thời gian, trách nhiệm được phân công, đồng thời phải gắn với nhiệm vụ công tác chuyên môn của cơ quan, đơn vị.

Về phạm vi kiểm kê, Kế hoạch nêu rõ: Tài sản công kiểm kê tại cơ quan, đơn vị trong ngành KSND gồm những loại tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định theo quy định tại Thông tư số 23/2023/TT-BTC ngày 25/4/2023 của Bộ Tài chính (trừ tài sản đặc biệt tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tài sản thuộc danh mục bí mật nhà nước), gồm: Trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp (bao gồm cả quyền sử dụng đất xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp); xe ô tô; tài sản cố định đặc thù; tài sản cố định khác (Chi tiết Danh mục loại tài sản kiểm kê sẽ được hướng dẫn cụ thể bằng văn bản sau khi có hướng dẫn của Bộ Tài chính).

leftcenterrightdel
 Quang cảnh Hội nghị tập huấn về quản lý đầu tư trong ngành Kiểm sát nhân dân. (Ảnh minh hoạ)

Về đối tượng thực hiện kiểm kê là VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện, các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao: Văn phòng VKSND tối cao (gồm cả Đại diện Văn phòng VKSND tối cao tại TP Hồ Chí Minh); Cơ quan Điều tra VKSND tối cao; Báo Bảo vệ pháp luật; Tạp chí Kiểm sát; Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội; Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thời điểm chốt số liệu kiểm kê: 0h ngày 1/1/2025.

Kế hoạch cũng nêu rõ các nguyên tắc kiểm kê. Theo đó, tài sản thuộc phạm vi kiểm kê do cơ quan, đơn vị đang trực tiếp quản lý, tạm quản lý đều phải thực hiện kiểm kê, trừ các tài sản sau đây:

Tài sản mà tại thời điểm kiểm kê đang trong quá trình đầu tư xây dựng, mua sắm, chưa hoàn thành đưa vào sử dụng; tài sản hình thành sau thời điểm kiểm kê.

Tài sản đang được sử dụng để tham gia vào các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Việc kiểm kê được dựa trên việc kiểm đếm thực tế tài sản tại thời điểm kiểm kê; so sánh, đối chiếu với số liệu theo dõi, hạch toán trên sổ kế toán.

Đối với tài sản đang được theo dõi, hạch toán trên sổ kế toán nhưng tại thời điểm kiểm kê thực tế không còn tại cơ quan, đơn vị, thì cơ quan, đơn vị đang theo dõi, hạch toán tài sản có trách nhiệm xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền để xử lý tài sản phát hiện thiếu theo quy định của pháp luật có liên quan; không tổng hợp giá trị của các tài sản này vào giá trị tài sản kiểm kê.

Đối với các tài sản cơ quan, đơn vị đang quản lý, sử dụng thực tế tại thời điểm kiểm kê, việc xác định giá trị tài sản kiêm kê được thực hiện theo nguyên tắc sau:

Đối với các tài sản đã được theo dõi trên sổ kế toán thì xác định giá trị tài sản theo nguyên giá và giá trị còn lại của tài sản trên sổ kế toán tại thời điểm kiểm kê.

Đối với tài sản chưa được theo dõi trên sổ kế toán thì cơ quan, đơn vị đang quản lý, tạm quản lý tài sản có trách nhiệm căn cứ vào các hồ sơ liên quan đến tài sản để xác định giá trị tài sản. Trường hợp đã có quy định về bảng giá hoặc giá quy ước thì sử dụng bảng giá, giá quy ước đó và các thông tin về số năm đưa vào sử dụng, tỉ lệ khấu hao/hao mòn tài sản theo quy định để xác định nguyên giá tài sản và giá trị còn lại của tài sản.

Đối với tài sản chưa được theo dõi trên sổ kể toán và không có căn cứ để xác định giá trị tài sản theo nội dung nêu trên thì xác định nguyên giá và giá trị còn lại của tài sản là 1 đồng. Nguyên giá và giá trị còn lại xác định là 1 đồng chỉ được sử dụng để phục vụ việc tổng kiểm kê. Sau khi hoàn thành việc kiểm kê, cơ quan, đơn vị đang quản lý, tạm quản lý tài sản có trách nhiệm đánh giá lại giá trị tài sản để thực hiện hạch toán theo quy định của pháp luật hiện hành.

Việc tổng hợp kết quả kiểm kê được thực hiện theo nguyên tắc từ dưới lên trên; bắt đầu từ đối tượng trực tiếp quản lý, tạm quản lý tài sản tại thời điểm kiểm kê. Tài sản của cấp nào quản lý thì cấp đó có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện kiểm kê và tổng hợp báo cáo.

Kế hoạch cũng nêu rõ các nhiệm vụ chủ yếu và tiến độ thực hiện. Cụ thể gồm: Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt tại các cơ quan, đơn vị và các công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công, quy định về chế độ tính khấu hao, hao mòn tài sản cố định. (Thời gian thực hiện: Thường xuyên).

Quyết định thành lập Hội đồng kiểm kê tại các đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản công. (Thời gian hoàn thành trước ngày 30/6/2024).

Phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện kiểm kê thử nghiệm trên cơ sở các chỉ tiêu kiểm kê Bộ Tài chính xây dựng. (Thời gian thực hiện: tháng 5/2024). Đồng thời, hướng dẫn, tập huấn kiểm kê. (Thời gian thực hiện: từ tháng 9-12/2024). 

Tổ chức thực hiện kiểm kê: Kiểm kê tại đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản công; tổng hợp kết quả kiểm kê của cơ quan, đơn vị mình và các đơn vị trực thuộc (nếu có), báo cáo kết quả kiểm kê về VKSND tối cao. (Thời gian hoàn thành: trước ngày 31/3/2025).

Tổng hợp kết quả kiểm kê toàn Ngành gửi Bộ Tài chính. (Thời gian hoàn thành: trước ngày 15/6/2025).

Về tổ chức thực hiện, Kế hoạch nêu rõ: Các VKSND cấp cao, VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng các đơn vị kế toán trực thuộc VKSND tối cao căn cứ nội dung Quyết định số 213/QĐ-TTg ngày 1/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 798/QĐ-BTC ngày 5/4/2024 của Bộ Tài chính và Kế hoạch này để triển khai thực hiện, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện, đảm bảo đúng tiến độ, nhiệm vụ được nêu tại Kế hoạch này. Các thành viên trong Ban Chỉ đạo có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch theo nhiệm vụ được phân công.

 

Hà My - Trà My