Theo Quyết định, Kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành nhằm mục đích xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình bảo đảm đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.

Yêu cầu đặt ra là bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Kế hoạch cũng nêu rõ những nội dung công việc, theo đó, các bộ ngành, địa phương tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước được phân công; thực hiện theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật.

leftcenterrightdel
 VKSND Quận 11, TP Hồ Chí Minh tổ chức phiên tòa giả định phòng chống bạo lực gia đình. (Ảnh minh hoạ)

Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (Chính phủ đã ban hành Nghị định số 76/2023/NĐ-CP ngày 1/11/2023); xây dựng Nghị định quy định Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Công an, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình khác đăng tải, cập nhật toàn văn nội dung văn bản Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật trên Cổng/Trang thông tin điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật và các hình thức phù hợp khác để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân dễ dàng tiếp cận, khai thác, sử dụng.

Đồng thời, triển khai các hình thức phổ biến pháp luật phù hợp; biên soạn, đăng tải, phát hành rộng rãi tài liệu phổ biến và phối hợp với Bộ Tư pháp để cập nhật trên Cổng Thông tin điện tử Phổ biến giáo dục pháp luật quốc gia.

Trong công tác phối hợp, Kế hoạch nêu rõ, các cơ quan phối hợp là các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Đề nghị TAND tối cao, VKSND tối cao phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

Đồng thời, đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận như Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức thành viên khác của Mặt trận xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình phổ biến pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình đến các hội viên.

P.V