Theo Hướng dẫn số 88/HD-HĐTVĐX ngày 2/8/2024 của Hội đồng tư vấn đặc xá, VKSND tối cao có trách nhiệm:
Trực tiếp kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá, thực hiện Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật Đặc xá;
Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc VKSND cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự Quân khu kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá, thực hiện Quyết định đặc xá theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Luật Đặc xá;
Chỉ đạo VKSND, Viện kiểm sát quân sự các cấp phối hợp với TAND, Tòa án quân sự các cấp phát hiện những phạm nhân có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm theo hướng tăng nặng trách nhiệm hình sự để thông báo kịp thời cho các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện và cơ quan Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá biết;
|
|
Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao cùng Đoàn kiểm tra công tác đặc xá năm 2022 xuống kiểm tra, gặp gỡ và trao đổi với một số phạm nhân lao động, cải tạo tại Trại giam Xuân Nguyên thuộc Bộ Công an. (Ảnh minh hoạ) |
Thực hiện, hướng dẫn việc thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị khi kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá, thực hiện Quyết định đặc xá; kiểm sát việc giải quyết khiếu nại theo quy định tại Điều 37 của Luật Đặc xá.
Bên cạnh trách nhiệm cụ thể nêu trên, Hướng dẫn còn đề cập đến một số nội dung liên quan đến công tác phối hợp giữa các bộ, ban, ngành với VKSND tối cao trong triển khai đặc xá năm 2024.
Theo đó, liên quan đến trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt, Hướng dẫn nêu: Chính phủ chủ trì, phối hợp với TAND tối cao, VKSND tối cao và các cơ quan, tổ chức có liên quan xét duyệt hồ sơ của người được đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, TAND tối cao đề nghị để lập hồ sơ, danh sách người được đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
Bộ Công an là Cơ quan Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá có trách nhiệm quyết định thành lập các Tổ chuyên viên giúp việc cho thành viên Hội đồng tư vấn đặc xá; quyết định thành lập các Tổ thẩm định liên ngành gồm đại diện của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, TAND tối cao, VKSND tối cao, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do một đồng chí lãnh đạo cấp Cục của Bộ Công an làm Tổ trưởng, trực tiếp đến các trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Quốc phòng và TAND cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu để kiểm tra, thẩm định hồ sơ đề nghị đặc xá.
Ngoài ra, về khen thưởng, kỷ luật, Hướng dẫn cũng nêu: Cần phát hiện, ngăn chặn kịp thời những sai sót, lệch lạc trong công tác đặc xá để chấn chỉnh ngay; xử lý nghiêm minh những tập thể và cá nhân có hành vi vi phạm Điều 7 Luật Đặc xá. Cơ quan, đơn vị để xảy ra sai sót, tiêu cực, gây phiền hà trong công tác đặc xá thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó chịu trách nhiệm trước Hội đồng tư vấn đặc xá.
Những trường hợp đủ điều kiện phải được lập hồ sơ đề nghị đặc xá theo quy định. Cá nhân, đơn vị nào để sót, không lập hồ sơ đề nghị đặc xá những người thuộc diện xét đặc xá hoặc lập hồ sơ đề nghị đặc xá cho người không đủ điều kiện thì cá nhân và Thủ trưởng đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Hội đồng tư vấn đặc xá.
Khoản 1 Điều 30 Luật Đặc xá năm 2018 quy định về “trách nhiệm của VKSND tối cao” đó là: Trực tiếp kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá, thực hiện Quyết định đặc xá tại trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định tại khoản 1, các điểm a, b, d và đ khoản 2, khoản 4 Điều 15 và Điều 18 của Luật này. Khi xét thấy cần thiết, trực tiếp kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá, thực hiện Quyết định đặc xá tại trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, trại tạm giam cấp quân khu, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, TAND cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu thuộc thẩm quyền kiểm sát của VKSND cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu quy định tại khoản 2 Điều này. |