Về hình thức của sáng kiến, theo VKSND tối cao, sáng kiến được thể hiện dưới một trong 3 hình thức: Giải pháp; đề án, đề tài; chuyên đề.

Nội dung sáng kiến phải liên quan đến hoạt động của ngành KSND như về: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Ngành; công tác phối hợp nhằm thúc đẩy quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị trên cơ sở các quy định của pháp luật; các hoạt động khác của ngành KSND.

VKSND tối cao cũng lưu ý: Chỉ xem xét, công nhận đối với những sáng kiến có tính mới, không trùng tên, trùng nội dung với sáng kiến, giải pháp đã được công bố, áp dụng, công nhận hoặc chưa được quy định thành tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm bắt buộc phải thực hiện trong Ngành hoặc trong các đơn vị khác trên toàn quốc. Sáng kiến phải được áp dụng trong thực tiễn, sau khi triển khai áp dụng, được xem xét đánh giá, có số liệu cụ thể so sánh kết quả trước và sau khi áp dụng, thực sự có hiệu quả mới đề nghị xem xét, công nhận.

Các sáng kiến đề nghị Hội đồng sáng kiến Ngành xem xét công nhận phạm vi ảnh hưởng trong toàn Ngành phải là sáng kiến đã được công nhận ở cấp cơ sở và xét thấy có khả năng áp dụng, nhân rộng trong toàn Ngành. Không lựa chọn những sáng kiến chỉ mang hình thức, nội sung sơ sài, không sát với hoạt động thực tiễn của Ngành, không phải là những vấn đề khó khăn, vướng mắc, bất cập.

leftcenterrightdel
 Báo cáo án bằng sơ đồ tư duy là sáng kiến được nhiều Viện kiểm sát địa phương áp dụng và mang lại hiệu quả trong thực tiễn. (Ảnh minh hoạ)

Tiêu đề: Tác giả khi lựa chọn, đặt tên sáng kiến phải bám sát vấn đề nghiên cứu hoặc nội dung chính của sáng kiến, không đặt tên sáng kiến quá đơn giản, chung chung, không phù hợp, chỉ là những nội dung công việc hành chính, văn phòng, nghiệp vụ cơ bản...

Về hồ sơ đề nghị xét, công nhận sáng kiến, theo quy định tại Quy chế số 619 và Hướng dẫn số 29, Hồ sơ xét, đề nghị công nhận đối với sáng kiến cấp cơ sở: Đơn đề nghị công nhận sáng kiến; báo cáo mô tả sáng kiến; các tài liệu khác có liên quan để chứng minh.

Đối với sáng kiến đề nghị xét, công nhận sáng kiến ngành KSND được đóng thành 1 tập, gồm 2 phần như sau: Phần 1: Các thủ tục đề nghị xét, công nhận sáng kiến: Đơn đề nghị công nhận sáng kiến; Tờ trình của Hội đồng sáng kiến cấp cơ sở về việc đề nghị công nhận sáng kiến ngành KSND, kèm theo Biên bản họp hội đồng; Tổng hợp phiếu chấm điểm sáng kiến; Quyết định công nhận sáng kiến cấp cơ sở; Hồ sơ giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về sáng kiến (nếu có).

Phần 2: Báo cáo sáng kiến: Trang bìa ghi: Tên đơn vị, hình thức sáng kiến, tên sáng kiến, tên tác giả, đồng tác giả, năm sáng kiến được nghiệm thu; Trang tiếp theo: Văn bản liên quan đến việc giao nghiên cứu sáng kiến, người chủ trì, người tham gia nghiên cứu, quyết định nghiệm thu (nếu có) và nội dung của sáng kiến.

Một số lưu ý: Hồ sơ sáng kiến phải bảo đảm đủ tài liệu, phải đóng thành quyển, không để rời.

Người ký Tờ trình, ký xác nhận Đơn đề nghị của tác giả phải do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng sáng kiến cơ sở, không phải do Thủ trưởng đơn vị ký.

Đối với tác giả của sáng kiến được cơ quan có thẩm quyền (Sở Khoa học và công nghệ, UBND cấp tỉnh,…) giao, nghiệm thu, công nhận thì có thể đề nghị công nhận sáng kiến trong ngành KSND nếu nội dung sáng kiến có liên quan đến hoạt động của ngành KSND nêu trên, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định của pháp luật, Quy chế số 619 và Hướng dẫn số 29.

Đối với giải pháp đã được áp dụng, thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu công nhận sáng kiến là 1 năm, kể từ ngày sáng kiến được đưa vào áp dụng lần đầu.

Hồ sơ đề nghị xét, công nhận sáng kiến ngành KSND năm 2024 được gửi 1 bộ về VKSND tối cao (Vụ Thi đua - Khen thưởng), bản mềm và bản PDF gửi qua hộp thư công vụ vp_v16@vks.gov.vn. Đợt 1 gửi trước ngày 15/4/2024; Đợt 2 gửi trước ngày 15/8/2024.
P.V