Trong phần này, Báo Bảo vệ pháp luật giới thiệu đến bạn đọc công tác kiểm sát chung các năm 1973, 1974, 1975 của VKSND; việc VKSND tối cao sơ kết công tác xây dựng điểm tiên tiến về tuân theo pháp luật; việc phát hiện vi phạm, đấu tranh sửa chữa vi phạm và xử lý vi phạm của VKSND.

Gắn với công tác hình sự và dân sự

Công tác kiểm sát chung năm 1973 có một số mặt tiến bộ trong việc thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng chống vi phạm và tội phạm, nhiều Viện kiểm sát tỉnh, thành tập trung chỉ đạo kế hoạch gắn với công tác hình sự và dân sự hướng vào phục vụ những nhiệm vụ trung tâm của Đảng và Nhà nước, bảo vệ dân chủ và đời sống Nhân dân. 

Thực hiện Chỉ thị số 205-CT/TW về việc ngăn chặn tệ lấy cắp vật tư, hàng hoá của Nhà nước, bảo đảm trật tự nơi công cộng, các cơ quan điều tra, thanh tra, truy tố, xét xử, phối hợp với nhau, hợp tác làm việc chặt chẽ để giúp sức đắc lực cho phong trào quần chúng, cho công tác quản lý hành chính, quản lý kinh tế, xử lý đúng, nhanh, nghiêm minh các vụ phạm pháp, kịp thời trấn áp đích đáng kẻ phạm tội. 

Viện kiểm sát cùng với cơ quan Công an tham gia phân loại những người bị bắt giữ, phân loại các vụ phạm tội đã phát hiện ra, tập trung lực lượng hoàn thành hồ sơ những vụ án quan trọng đưa ra truy tố trước Toà án. Đối với những vụ có tổ chức thông đồng, móc ngoặc, hối lộ, một mặt xúc tiến lập hồ sơ để đưa ra xét xử về hình sự, mặt khác VKSND tiến hành kiểm sát chung đối với cơ quan có kẻ phạm pháp. Phối hợp chặt chẽ với Công an, TAND, Thanh tra và thống nhất tiến hành công tác, tập trung vào các mặt hàng, vật tư thông dụng, vật tư kỹ thuật hiếm quý; lương thực, thực phẩm thuộc diện Nhà nước quản lý; các mặt hàng công nghệ phẩm tiêu dùng thiết yếu nhất trong đời sống. 

VKSND thành phố, khu phố, thị xã phối hợp với cơ quan Công an, các tổ chức quần chúng ở địa phương và Mặt trận Tổ quốc các cấp mở các đợt vận động Nhân dân tham gia quản lý trật tự đường phố, xây dựng nếp sống mới, chống nạn trộm cắp, lưu manh, gây rối trật tự đường phố, giải quyết tốt các vụ xích mích trong nội bộ Nhân dân. Cần gấp rút đưa ra truy tố những vụ trộm cắp, cướp giật, hiếp dâm... trừng trị nghiêm khắc đối tượng lưu manh, chuyên lừa đảo. 

VKSND tổ chức nắm tình hình, tích cực hỗ trợ CQĐT phát huy phương pháp điều tra công khai, dựa vào quần chúng để thu thập tài liệu, chứng cứ, kết hợp với việc yêu cầu thủ trưởng cơ quan quản lý tự kiểm tra và cung cấp tài liệu nhằm kết thúc nhanh việc xác minh điều tra, kịp thời đưa ra trừng trị để hỗ trợ cho phong trào quần chúng, yêu cầu xử phạt thật nghiêm những phần tử gian thương có tính chất chuyên nghiệp và lũng đoạn, đối tượng lưu manh và lừa đảo chuyên nghiệp, những phần tử tham ô, hối lộ nghiêm trọng đã gây ảnh hưởng xấu đối với công tác quản lý trong các cơ quan, đơn vị. 

VKSND các cấp cần áp dụng mọi biện pháp để bảo vệ những người đã có tinh thần đấu tranh phát hiện những kẻ phạm pháp, ngăn ngừa và xử lý những hành động trả thù, trù úm người tố giác. 

Công tác kiểm sát chung trong năm 1974 được tiến hành tương đối tập trung ở các cơ sở của ngành lương thực, thuỷ lợi, giao thông, vật tư, ngân hàng, nhất là những vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh tế, thanh lý vật tư, hàng hoá; chính những vi phạm đó đã tạo điều kiện để đối tượng xấu lợi dụng lấy cắp tài sản của Nhà nước. 

Các Viện kiểm sát từ trung ương đến cấp huyện đã tiến hành công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật của 1.871 cơ quan, xí nghiệp, nông trường, công trường, cửa hàng, Hợp tác xã nông nghiệp và Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp. Viện kiểm sát đã có 1.250 kiến nghị yêu cầu sửa chữa các vi phạm, 92% số kiến nghị đó đã được cơ quan hữu quan chấp nhận. 

Công tác kiểm sát chung do các Viện kiểm sát cấp huyện tiến hành đối với Hợp tác xã nông nghiệp và các Ủy ban hành chính xã để phục vụ việc thi hành Nghị quyết số 228-NQ/TW đã giúp thu hồi hàng trăm hécta ruộng đất bị lấn chiếm, giúp thu hồi hàng chục vạn đồng và nhiều trâu bò bị xã viên chiếm dụng, ngăn ngừa tình trạng phá rừng ở các tỉnh miền núi, hỗ trợ các Hợp tác xã công khai thanh quyết toán tài chính. 

Công tác kiểm sát việc thi hành chính sách hậu phương và tuyển quân giúp các cơ quan chính quyền và quân sự địa phương sửa chữa những hiện tượng gian lận trong việc trợ cấp cho gia đình quân nhân, trong việc kiểm kê, kê khai đăng ký nghĩa vụ quân sự. 

Đặc biệt, công tác kiểm sát chung năm 1974 không chỉ dừng lại ở những kết luận vi phạm và những kiến nghị; qua phân tích, chứng minh các vi phạm pháp luật trong một số cơ quan Nhà nước hoặc một số Hợp tác xã, VKSND còn đi sát cơ quan chủ quản để giúp xây dựng kế hoạch chấn chỉnh công tác quản lý theo đúng các luật lệ và chế độ đã được quy định. 

Công tác kiểm sát chung đã hỗ trợ tốt một số ngành quản lý khắc phục những thiếu sót và vi phạm pháp luật, thúc đẩy việc chấn chỉnh quản lý tại các ngành, góp phần vào việc nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật của cán bộ, công nhân, xã viên và Nhân dân. 

VKSND tối cao sơ kết công tác xây dựng điểm tiên tiến về tuân theo pháp luật

Cuối năm 1974, VKSND tối cao sơ kết công tác xây dựng điểm tiên tiến về tuân theo pháp luật. Viện kiểm sát các cấp quan tâm nhiều đến bảo vệ trật tự trị an trong giao thông vận tải và bảo vệ việc thi hành Điều lệ Hợp tác xã, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa ở ven sông, ven nội, bảo vệ rừng, xây dựng mối quan hệ giữa sự lãnh đạo của Đảng, công tác tổ chức và quản lý của chính quyền với vai trò làm chủ tập thể của Nhân dân. VKSND tối cao rút ra những kinh nghiệm chung và xác định một số vấn đề về xây dựng điểm tiên tiến tuân theo pháp luật để Viện kiểm sát các địa phương chú ý thực hiện.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Hoàng Quốc Việt - Viện trưởng VKSND tối cao với các đại biểu dự Liên hoan chiến sĩ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân lần thứ tư. (Ảnh: tư liệu)

Năm 1975, công tác kiểm sát chung đã chú ý phát hiện và đấu tranh, sửa chữa những vi phạm thuộc về trách nhiệm của tập thể, của các cơ quan Nhà nước, nhất là các cơ quan, các ngành quan trọng, quản lý nhiều vật tư, tiền vốn của Nhà nước như: Lương thực, nông nghiệp, lâm nghiệp...

Riêng trên lĩnh vực lương thực, theo thống kê của 18 tỉnh, thành phố, 158 VKSND huyện, thị xã, khu phố (tương đương cấp quận hiện nay) đã thực hiện kế hoạch và có kiến nghị với cơ quan lương thực cùng cấp; 14 Viện kiểm sát tỉnh, thành phố kiến nghị với ngành chủ quản. Trên cơ sở đó, VKSND tối cao (Vụ 1) đã sơ kết và đề xuất một số ý kiến với ngành lương thực ở trung ương. 

Vận dụng Thông tư số 139-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các VKSND huyện, thị xã, khu phố đã giúp các phòng lương thực phân loại xử lý được 79% số vụ phạm pháp đã phát hiện qua học tập Nghị quyết số 228-NQ/TW ngày 12/1/1974 của Bộ Chính trị, trong đó đã xử lý hành chính 40% (422 vụ), dân sự 47% (493 vụ), hình sự 13% (142 vụ). 

Các VKSND huyện, thị xã, khu phố trực tiếp kiểm tra 688 kho và 114 cửa hàng, phát hiện 1.398 vụ phạm pháp gồm 676 vụ thiếu tinh thần trách nhiệm, 279 vụ tham ô, 53 vụ trộm cắp, 122 vụ cố ý làm trái, phát hiện ở khâu quản lý kho thiếu hụt 3.940 tấn lương thực, nhập khống 975 tấn, để kém, mất phẩm chất 3.862 tấn; ở khâu vận chuyển thiếu hụt 597 tấn..., 59% số vụ phạm pháp này (826/1398 vụ) đã được xử lý bằng nhiều hình thức như: Xử lý hành chính 33% (275 vụ), bắt bồi thường 47% (391 vụ) và khởi tố hình sự 19% (160 vụ). 

Qua các công tác này, các VKSND giúp đỡ được một số cơ sở của ngành lương thực xây dựng thành điểm tiên tiến về tuân theo pháp luật, đề ra được biện pháp chấn chỉnh công tác quản lý như: Xây dựng các nội quy cửa hàng, nhập xuất, bảo quản, bảo vệ vùng kho, làm cơ sở cho quần chúng giám sát và cho việc đề cao trách nhiệm cá nhân. 

Tiếp theo việc phát hiện vi phạm là việc đấu tranh sửa chữa vi phạm và xử lý vi phạm. Nhìn chung, Viện kiểm sát đấu tranh sửa chữa vi phạm tốt hơn trước, có tác dụng góp phần thiết thực tăng cường quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế. Đơn cử, khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật ở ngành lương thực, Viện kiểm sát đã tập trung phát hiện và yêu cầu sửa chữa những vi phạm trong hoạt động cân đo, đong đếm và kiểm kê lương thực ở kho. Căn cứ vào nguyên tắc cơ bản về quản lý kho theo điều lệ bảo quản nhằm vào việc khắc phục tình trạng giao nhận không cân đo, đong đếm chính xác giữa kho và các tổ chức vận tải để góp phần thiết thực xây dựng mối quan hệ giữa các cơ quan, các ngành hữu quan trong việc bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa. 

Tính đến ngày 30/9/1975, có 1.442 lần Viện kiểm sát phối hợp với các ngành để kiểm tra việc chấp hành pháp luật, 1.053 lần Viện kiểm sát yêu cầu các ngành tự kiểm tra cấp dưới.

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).

BVPL