Trong phần này, Báo Bảo vệ pháp luật giới thiệu đến bạn đọc về công tác kiểm sát xét xử hình sự của VKSND; việc phối hợp giữa công tác kiểm sát xét xử hình sự với công tác kiểm sát điều tra cũng như công tác kiểm sát giam, giữ và cải tạo trong các năm 1971, 1972.

Công tác kiểm sát xét xử hình sự được chú trọng hơn

Năm 1969, công tác kiểm sát xét xử hình sự được lãnh đạo ngành Kiểm sát chú trọng hơn, việc tham gia công tố trước Tòa án cũng tốt hơn. Nhiều nơi tổng hợp được những vi phạm về công tác xét xử của Tòa án và kháng nghị đối với một số vụ án xử sai pháp luật, kể cả một số vụ trọng án. VKSND tối cao và một số Viện kiểm sát địa phương đã phối hợp với Tòa án đưa ra xét xử một số vụ án điển hình phục vụ cho cuộc vận động quản lý thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu và một số vụ án về trị an để phục vụ phong trào.

Năm 1971, công tác kiểm sát xét xử hình sự khắc phục dần tình trạng bị động, chú ý đi sâu vào chức năng, nhiệm vụ, chuyển hướng công tác phục vụ nhiệm vụ chính trị, chọn những vụ án điển hình cùng Tòa án đưa ra xét xử kịp thời phục vụ quốc phòng, phục vụ việc bảo vệ và quản lý kinh tế, giữ gìn trị an xã hội. 

Ở một số địa phương, Viện kiểm sát và Tòa án các cấp đã thống nhất phương hướng đấu tranh chống tội phạm, vi phạm, từ đó lượng án đưa ra xét xử nhiều hơn, tốc độ giải quyết nhanh hơn, đường lối xử lý thống nhất hơn. 

Công tác kiểm sát xét xử tại các phiên toà sơ thẩm có nhiều tiến bộ, chất lượng luận tội được nâng lên toàn diện hơn, sát hợp với yêu cầu giáo dục bị cáo và yêu cầu của nhiệm vụ chính trị. 

Đối với án phúc thẩm, các VKSND tỉnh, thành đã phấn đấu giải quyết nhanh tình trạng án phúc thẩm ứ đọng. Công tác kiểm sát xét xử phúc thẩm và giám đốc thẩm xác định được trọng tâm, trọng điểm, nhiều vụ án được nghiên cứu, kết luận sớm để cùng Toà án đưa ra xét xử kịp thời phục vụ nhiệm vụ chính trị. 

Việc phối hợp giữa công tác kiểm sát xét xử hình sự với công tác kiểm sát điều tra chặt chẽ hơn, nâng cao chất lượng thẩm tra hồ sơ, hỗ trợ cho khâu kiểm sát điều tra bổ sung chứng cứ trước khi chuyển sang Toà án, bảo đảm hồ sơ ít trả lại (tỷ lệ án Tòa án hoàn hồ sơ là 5%, tỷ lệ kiểm sát xét xử hoàn kiểm sát điều tra là 6,7%), rút ngắn được giai đoạn thẩm tra hồ sơ. 

Mặt khác, công tác kiểm sát xét xử còn tạo điều kiện cho Tòa án nắm trước vụ án, tăng nhanh tốc tố làm án đối với một số vụ án lớn và phức tạp. Trong thời gian xảy ra lũ lụt, ở cấp huyện, sự hợp đồng giữa ba ngành càng chặt chẽ, rút ngắn, thậm chí chỉ trong vòng hai tháng. Sau lũ lụt, một số địa phương đã rút kinh nghiệm cải tiến lề lối phối hợp giữa ba ngành trong công tác như ở Hà Tây, Hà Bắc... 

Ở cấp tỉnh, thành, nhiều nơi, Viện kiểm sát và Tòa án đã thống nhất phương hướng đấu tranh chống tội phạm, vi phạm, từ đó số lượng án đưa ra xét xử được nhanh hơn, đường lối xử lý giữa hai ngành được nhất trí hơn, bảo đảm cho việc phục vụ nhiệm vụ chính trị kịp thời. 

Ngày 25/9/1972, VKSND tối cao có hướng dẫn số 1710/V3 về công tác kiểm sát xét xử hình sự trong tình hình mới, nêu rõ khâu kiểm sát xét xử hình sự của toàn Ngành phải được nhận thức đầy đủ và sâu sắc Nghị quyết số 220-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 75 của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác kiểm sát trong tình hình mới, tập trung sức phục vụ việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa góp phần bảo đảm thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc phòng, giao thông vận tải và quản lý kinh tế trong thời chiến. 

Công tác kiểm sát xét xử hình sự năm 1972 có những tiến bộ trong việc đi sâu vào chức năng, nghiệp vụ và cố gắng hướng công tác vào phục vụ các nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới. Công tác kiểm sát xét xử hình sự phối hợp với kiểm sát điều tra trong việc theo dõi chặt chẽ quá trình điều tra những vụ án quan trọng, tăng cường việc thẩm tra hồ sơ trước khi chuyển sang Tòa án, phát hiện những thiếu sót để kịp thời bổ sung, đảm bảo hồ sơ ít bị Tòa án trả lại. VKSND tối cao cũng như Viện kiểm sát địa phương đã thống nhất với Tòa án về phân loại án trọng điểm và án quan trọng trong từng thời gian nên việc đưa ra xét xử các vụ án trong hạn luật định được đảm bảo tốt hơn. 

Công tác phúc thẩm ở tỉnh, thành cũng được tăng cường một bước nên việc giải quyết án nhanh hơn. Công tác kiểm sát xét xử tại phiên toà và duy trì công tố ở cấp sơ thẩm (huyện và tỉnh, thành) được nhiều hơn (nhiều tỉnh, thành đạt 91%; có 17 tỉnh, thành đạt 100%; cấp huyện đạt 94%). 

Nhiều Viện kiểm sát có tiến bộ trong việc vận dụng đường lối, chính sách và pháp luật để trừng trị các đối tượng nguy hiểm gây tội nghiêm trọng, xâm phạm đến tài sản xã hội chủ nghĩa trong thời chiến; khắc phục những biểu hiện hữu khuynh đối với các đối tượng lưu manh càn quấy, phá rối trật tự trị an; đồng thời lên án nghiêm khắc đối với những hành vi lợi dụng thời chiến để cướp hoặc trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa, một số vụ đã bị kết án đến mức tử hình. Việc đấu tranh để bảo vệ pháp chế đã có tiến bộ hơn. Số lượng kháng nghị án ở các cấp đều tăng so với năm trước (huyện 65 vụ, tỉnh 40 vụ, Vụ Kiểm sát xét xử hình sự thuộc VKSND tối cao 19 vụ). 

Công tác kiểm sát giam, giữ được đẩy lên một bước

Công tác kiểm sát giam giữ được đẩy lên một bước, nhất là đối với các khâu tạm giữ, tạm giam. Một số nơi, khâu kiểm sát giam giữ hỗ trợ cho các khâu kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử, tập hợp được những vi phạm của Công an trong việc bắt, giam, giữ và cải tạo để yêu cầu sửa chữa, khắc phục. 

Năm 1970, bên cạnh hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm, ngành Kiểm sát nhân dân chú trọng đến công tác kiểm sát việc giam giữ và cải tạo. Tháng 1/1970, VKSND tối cao kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công an về công tác giáo dục phạm nhân. Qua kiểm sát công tác quản lý phạm nhân và những đối tượng tập trung cải tạo của một số trại cải tạo địa phương và Trung ương, VKSND thấy công tác quản lý trại cải tạo có mặt, có chế độ chấp hành tốt, nhưng cũng có mặt, có chế độ chấp hành thiếu triệt để, nhất là “việc giáo dục cải tạo thực hiện theo phương châm kết hợp lao động với giáo dục chính trị nhằm mục đích khuyến khích người được giáo dục cải tạo cố gắng lao động sản xuất, học tập nghề nghiệp, cải tạo tư tưởng để trở thành người lương thiện”. 

VKSND tối cao có công văn đề nghị Bộ Công an cho kiểm tra, xem xét và chỉ thị cho các Giám thị triệt để chấp hành quy định về công tác quản lý trại cải tạo để đáp ứng được yêu cầu cải tạo phạm nhân tốt hơn nữa. 

Năm 1971, công tác kiểm sát giam giữ và cải tạo có nhiều chuyển biến, góp phần nâng cao hiệu quả của pháp chế trong lĩnh vực giam giữ và cải tạo. VKSND các cấp quan tâm hơn đến công tác kiểm sát tạm giam, tổ chức kiểm tra thường kỳ hoặc bất thường hằng tháng, hằng quý, phân loại vi phạm để kiến nghị các ngành khắc phục. 

Do nhận thức về tầm quan trọng của công tác kiểm sát tập trung giáo dục cải tạo được nâng lên, nhiều Viện kiểm sát đã phát hiện các vi phạm và đấu tranh với Ủy ban hành chính, Ty Công an, yêu cầu thực hiện đầy đủ các nguyên tắc, thủ tục về tập trung giáo dục cải tạo theo đúng Nghị quyết số 49 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thông tư số 121-CP của Hội đồng Chính phủ. 

Công tác kiểm sát giam, giữ và cải tạo trong năm 1972 có cố gắng bước đầu đi vào chế độ tạm giữ, tạm giam theo quy định của luật lệ hiện hành và giúp đỡ ngành Công an sửa chữa một số vi phạm ở các trại cải tạo. Một số Viện kiểm sát hỗ trợ Công an phân loại việc tạm giữ hành chính và bắt giữ hình sự, hạn chế một phần việc tạm giữ người sai đối tượng ở cấp huyện, thị, khu phố. Trong chiến tranh phá hoại, nhiều Viện kiểm sát thành, tỉnh đã góp phần tích cực làm gọn nhẹ các trại giam, thúc đẩy việc giải quyết án ứ đọng, án trọng điểm, tiến hành công tác đặc xá tốt, sơ kết việc chấp hành Nghị quyết 49-NQ/TVQH ngày 20/6/1961 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác tập trung cải tạo.

Nhiều Viện kiểm sát thành, tỉnh đã quan tâm hơn đến việc kiểm sát tạm giam, ngoài những cuộc kiểm tra định kỳ được tiến hành thường xuyên, còn kiểm tra bất thường, chất lượng kiểm tra được tốt hơn, phân loại những vi phạm của Ban giám thị, của chấp pháp Công an, của kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử hay của Toà án để kiến nghị sửa chữa. 

Ngoài ra, nhiều Viện kiểm sát tỉnh, thành đã tham dự các cuộc họp để xét duyệt các đối tượng tập trung cải tạo. Việc vận dụng các nguyên tắc và thủ tục về tập trung cải tạo theo Nghị quyết số 49-NQ/TVQH ngày 20/6/1961 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc quy định việc tập trung giáo dục cải tạo có thời hạn đối với các phần tử phản cách mạng ngoan cố và lưu manh chuyên nghiệp ở các Ủy ban hành chính tỉnh, thành tiến bộ hơn. Công tác kiểm sát các trại cải tạo năm 1972 đã đúc kết kinh nghiệm và có tác dụng thúc đẩy ngành Công an sửa chữa một số vi phạm.

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).

BVPL