Trong phần này, Báo Báo vệ pháp luật giới thiệu đến bạn đọc nội dung: Ngành Kiểm sát cùng các ngành, các cấp và Nhân dân cả nước đẩy mạnh chi viện cho tiền tuyến, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (từ năm 1973 đến tháng 4/1975).

Đẩy mạnh đấu tranh chống vi phạm và tội phạm

Thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược năm 1972 cùng với việc đánh thắng cuộc Chiến tranh phá hoại lần thứ hai buộc đế quốc Mỹ và chính quyền miền Nam phải ký Hiệp định Pari. Ngày 27/1/1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta. 

Ngay sau khi Chiến tranh phá hoại kết thúc, Nhân dân miền Bắc khẩn trương khắc phục hậu quả của chiến tranh, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống, đồng thời chuẩn bị cho công cuộc xây dựng kinh tế sau chiến tranh; sẵn sàng chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. 

Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (đợt I từ ngày 19/6 đến ngày 6/7/1973; đợt II từ ngày 1 đến ngày 4/10/1973) ra Nghị quyết xác định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới; đồng thời chỉ rõ nhiệm vụ của miền Bắc là phải tranh thủ những điều kiện thuận lợi, ra sức khôi phục và phát triển nền kinh tế quốc dân, làm cho miền Bắc xã hội chủ nghĩa tiến bộ nhanh chóng về mọi mặt, là chỗ dựa vững chắc cho cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Trên cơ sở đường lối của Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho toàn Ngành là “Đẩy mạnh đấu tranh chống vi phạm và tội phạm, tích cực bảo vệ các quyền dân chủ của Nhân dân, giữ gìn pháp chế thống nhất về tổ chức, về quản lý tài sản xã hội chủ nghĩa và trật tự xã hội, góp phần tăng cường chuyên chính vô sản, đề cao sự lãnh đạo của Đảng, phát huy hiệu lực của cơ quan Nhà nước và quyền làm chủ tập thể của Nhân dân, phục vụ việc khôi phục và phát triển kinh tế, ổn định sản xuất, ổn định đời sống, ổn định trật tự xã hội, củng cố quốc phòng, giữ gìn bí mật Nhà nước và góp phần xây dựng Đảng”. 

Các Viện kiểm sát địa phương bám sát nhiệm vụ chính trị của Ngành và của cấp uỷ địa phương, quán triệt quan điểm tăng cường chuyên chính vô sản, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, hỗ trợ các Ủy ban hành chính, các cơ sở kinh tế tìm hiểu về quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế bằng pháp luật, bảo đảm pháp chế được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. 

Trong năm 1973, VKSND tối cao tiến hành tổng kết 10 năm công tác kiểm sát thực hiện chính sách dân tộc miền núi, rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa đường lối, chính sách của Đảng về vấn đề đoàn kết dân tộc, góp phần vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. 

leftcenterrightdel
 Đồng chí Hoàng Quốc Việt - Viện trưởng VKSND tối cao chụp ảnh với các đồng chí Viện trưởng VKSND các tỉnh miền núi. (Ảnh: tư liệu)

Ngày 13/1/1973, Đảng đoàn VKSND tối cao, TAND tối cao và Bộ Công an họp bàn về việc tăng cường phối hợp để đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm, nhất trí chủ trương chung là phối hợp với nhau chặt chẽ hơn nữa, cùng quán triệt tư tưởng phòng ngừa tội phạm và tinh thần cách mạng tiến công đẩy mạnh thêm một bước cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm, nhằm bảo vệ và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, giữ gìn trật tự an ninh, phục vụ các nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước.

Tăng cường phối hợp giữa bốn ngành: Công an, Thanh tra, Kiểm sát, Toà án

Cuối năm 1973, theo đề nghị của Đảng đoàn VKSND tối cao, bốn đảng đoàn gồm Bộ Công an, Ủy ban Thanh tra Chính Phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao đã họp và nhất trí một số chủ trương cụ thể nhằm đấu tranh chống tội phạm và chống vi phạm chế độ, thể lệ của Nhà nước. Hội nghị đề ra những nguyên tắc phối hợp giữa bốn ngành và nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, đề cao tính chủ động của mỗi ngành và thống nhất các trọng tâm, trọng điểm công tác để tham mưu cho cấp ủy đảng và giúp Ủy ban hành chính, các ngành hữu quan tăng cường pháp chế, khắc phục vi phạm, sơ hở, thiếu sót trong quản lý vật tư, hàng hoá của Nhà nước và quản lý trị an. 

Chiến tranh ác liệt đã gây mất cân đối nghiêm trọng trong nền kinh tế và ảnh hưởng lớn đến việc quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế của ta. Những kết quả cải tiến quản lý trước đó bị xáo trộn, xu hướng buông lỏng quản lý, tệ lấy cắp vật tư, hàng hoá của Nhà nước, tệ làm ăn phi pháp phát triển. Chiến tranh còn để lại tình trạng phức tạp về mặt trật tự xã hội. Việc quản lý thị trường, phân bổ và quản lý lao động có nhiều khó khăn, làm cho trật tự xã hội càng thêm phức tạp, có mặt trở nên nghiêm trọng, nhất là ở thành phố và một số thị trấn. 

Trước những khó khăn khách quan và chủ quan đó, toàn Đảng, toàn dân ta ở miền Bắc ra sức phát huy tinh thần cách mạng tiến công, tranh thủ điều kiện thuận lợi khôi phục và phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, chuẩn bị tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, nâng cao hiệu lực của chính quyền, củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa và phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đó là những yêu cầu cấp thiết nhằm tăng cường chuyên chính vô sản để bảo đảm thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ lớn lao trong giai đoạn mới. 

Ngày 12/1/1974, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 228-NQ/TW về cuộc đấu tranh chống lấy cắp tài sản xã hội chủ nghĩa, chống làm ăn phi pháp, tăng cường quản lý lao động, quản lý thị trường, giữ vững trật tự trị an, phục vụ tốt phong trào lao động sản xuất và tiết kiệm, phục vụ tốt đời sống Nhân dân. 

Bộ Chính trị đặt ra những yêu cầu cần tập trung giải quyết trong năm 1974 là: Bảo vệ tốt tài sản xã hội chủ nghĩa, tổ chức và quản lý chặt chẽ lao động xã hội, quản lý chặt chẽ lương thực, tăng cường mạng lưới lưu thông, phân phối, quản lý thị trường, tăng cường pháp chế, tăng cường quản lý trật tự trị an, bảo đảm quản lý xã hội được tốt. Bộ Chính trị yêu cầu đảng đoàn các ngành Công an, Toà án, Kiểm sát cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để bảo đảm thi hành pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết của Bộ Chính trị một cách có hiệu quả. 

Ngày 28/5/1974, Thủ tướng Chính phủ ban hành Thông tư số 139-TTg hướng dẫn một số vấn đề về xử lý các việc phạm pháp trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 228-NQ/TW và các nghị quyết khác của Đảng và Nhà nước. 

Bám sát nhiệm vụ chính trị, ngày 18/1/1974, Viện trưởng VKSND tối cao ra Chỉ thị số 27/CT về phương hướng, nhiệm vụ công tác kiểm sát trong tình hình mới, đề ra nhiệm vụ trước mắt là phấn đấu góp phần ngăn chặn một cách có hiệu quả tệ trộm cắp, tham ô tài sản Nhà nước, làm ăn phi pháp; tăng cường quản lý lao động, quản lý thị trường, giữ vững trật tự trị an, phục vụ tốt phong trào lao động sản xuất và tiết kiệm, phục vụ tốt đời sống Nhân dân và góp phần vào việc củng cố quốc phòng. 

Ngày 9/3/1974, đảng đoàn bốn cơ quan Bộ Công an, Uỷ ban Thanh tra Chính phủ, TAND tối cao và VKSND tối cao đã họp liên tịch, bàn về công tác phối hợp đảm bảo thi hành Nghị quyết số 228-NQ/TW ngày 12/1/1974 của Bộ Chính trị. Tham gia cuộc họp này còn có đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Nội chính Phủ Thủ tướng, Ban Tổ chức Trung ương. Đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao Hoàng Quốc Việt đã đến dự và phát biểu với hội nghị. 

Hội nghị nhất trí về các chủ trương, cụ thể là: Bốn ngành Công an, Thanh tra, Toà án, Kiểm sát ở Trung ương cũng như ở địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong những công tác có liên quan đến chức năng của ngành mình nhằm mục tiêu đấu tranh “chống tệ lấy cắp tài sản xã hội chủ nghĩa, tệ làm ăn phi pháp, tăng cường quản lý lao động, lương thực, vật tư, hàng hoá, quản lý thị trường và giữ vững trật tự trị an”; mỗi ngành tiến hành sơ kết việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; phối hợp phân công xây dựng một số thông tư liên bộ, văn bản hướng dẫn về quy định thủ tục truy tố, xét xử nhanh đối với một số loại án phạm pháp quả tang và đơn giản, hướng dẫn việc vận dụng chính sách, pháp luật trong đường lối xử lý đối với một số loại tội, quy định về mối quan hệ giữa bốn ngành Công an, Kiểm sát, Toà án, Thanh tra trong công tác phối hợp; lựa chọn một số án trọng điểm về kinh tế và trị an của Hà Nội, Hải Phòng, Nam Hà để tập trung điều tra, kiểm sát, xét xử nhằm rút kinh nghiệm chỉ đạo chung phục vụ kịp thời Nghị quyết số 228-NQ/TW của Bộ Chính trị... 

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).

BVPL