Trong phần này, Báo Bảo vệ pháp luật giới thiệu đến bạn đọc về một số nội dung trọng tâm công tác năm 1975 của VKSND; về Hội nghị liên hoan chiến sĩ thi đua đầu tiên của ngành Kiểm sát; sự quan tâm, chăm lo và những lời nhắc nhở, chỉ đạo của đồng chí Hoàng Quốc Việt, Viện trưởng VKSND tối cao đối với đội ngũ cán bộ trong Ngành cũng như công tác cán bộ của ngành Kiểm sát trong tình hình mới.
Ra sức thi đua thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ đã đề ra
Ngày 22/5/1974, nhằm phục vụ kịp thời, có hiệu quả Nghị quyết số 228-NQ/TW của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đảng đoàn ba cơ quan Bộ Công an, TAND tối cao, VKSND tối cao đã tổ chức họp thống nhất về việc áp dụng thủ tục rút ngắn trong việc điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án hình sự ít nghiêm trọng, phạm pháp quả tang, đơn giản, rõ ràng. Đồng thời, ba ngành còn thống nhất những vụ án cần đưa vào diện án điểm và yêu cầu đặt ra trong việc giải quyết.
Công tác kiểm sát là hoạt động liên quan đến tính mệnh con người. Chính vì thế, đồng chí Viện trưởng Hoàng Quốc Việt luôn nhắc nhở cán bộ Kiểm sát phải thận trọng, cụ thể, đoàn kết, phối hợp trong và ngoài Ngành để hoàn thành nhiệm vụ. Đồng chí rất chăm lo đến sự phối hợp của Viện kiểm sát với các cơ quan bảo vệ pháp luật, với các cơ quan của Đảng, với các đoàn thể quần chúng. Đồng chí chỉ rõ, mỗi cơ quan Nhà nước, đoàn thể có chức năng riêng, phải làm đúng chức năng, nhiệm vụ, song cũng phải phối hợp với nhau vì lợi ích của Đảng, của đất nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Năm 1975, VKSND tối cao yêu cầu VKSND các cấp chú trọng các công tác sau: Đẩy mạnh việc tổ chức đấu tranh phòng chống vi phạm và tội phạm. Chú trọng đi vào một số ngành quản lý nhiều vốn, vật tư, hàng hoá của Nhà nước như: Lương thực, nông lâm nghiệp, nội thương và xây dựng; lập quy hoạch cán bộ, nghiên cứu cải tiến tổ chức một cách cơ bản và toàn diện, trước mắt cải tiến những đơn vị làm tham mưu giúp lãnh đạo quản lý tình hình và chỉ đạo công tác ở các cấp; chấn chỉnh tổ chức ở VKSND tối cao và nghiên cứu hoàn chỉnh Viện kiểm sát cấp huyện; tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ và đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ, bồi dưỡng nghiệp vụ hành chính tư pháp cho cán bộ trong Ngành, kiểm tra và kiện toàn các Viện kiểm sát yếu kém.
Đồng thời, đề nghị Trung ương Đảng và Chính phủ tăng biên chế và bổ sung phương tiện làm việc, chú trọng cấp huyện. Toàn Ngành có trách nhiệm tích cực chuẩn bị đáp ứng yêu cầu của miền Nam về cán bộ, tư liệu và kinh nghiệm công tác nhằm góp phần xây dựng pháp chế và xây dựng ngành công tố (Kiểm sát) ở miền Nam; tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa ba ngành Công an, Kiểm sát và Toà án.
Trên chiến trường miền Nam, thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngày 30/4/1975 đã đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên đất nước độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trong giai đoạn cách mạng 1973-1975, cán bộ, nhân viên ngành Kiểm sát tăng cường công tác xây dựng Ngành và ra sức thi đua thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ đã đề ra, hòa chung vào khí thế thi đua sôi nổi của quân và dân cả nước ra quân cho trận đánh cuối cùng trong cuộc chiến tranh giải phóng.
Ngày 28/2/1973, Ban Bí thư ra Nghị quyết số 2044 về việc bổ sung đồng chí Huỳnh Lắm - Vụ trưởng Vụ Kiểm sát điều tra và đồng chí Nguyễn Quốc Hồng - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, VKSND tối cao làm ủy viên Đảng đoàn VKSND tối cao.
Trong các ngày từ 2 - 5/5/1973, tại Hà Nội, Hội nghị liên hoan chiến sĩ thi đua đầu tiên của ngành Kiểm sát nhân dân được tổ chức. Đồng chí Hoàng Quốc Việt đã trao cờ và bằng khen cho 5 đơn vị xuất sắc năm 1972, trao cờ và bằng khen cho 10 Viện kiểm sát tỉnh, 2 vụ ở VKSND tối cao, 24 tổ lao động xã hội chủ nghĩa và 35 chiến sĩ thi đua trong toàn Ngành.
Cán bộ Kiểm sát phải giữ vững phẩm chất cách mạng: Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn
Suốt quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát, đồng chí Hoàng Quốc Việt chú ý đến hai điểm: Một là, về quan điểm chính trị phải vững vàng kiên định; hai là, phải rèn luyện cán bộ trong sạch về lối sống, phẩm chất, dũng cảm đấu tranh bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế.
|
|
Đồng chí Hoàng Quốc Việt - Viện trưởng VKSND tối cao tham dự Hội nghị học tập Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, tiến hành tháng 8-1960. (Ảnh: tư liệu) |
Ngày 18/1/1974, trong Chỉ thị số 27/CT về phương hướng, nhiệm vụ công tác kiểm sát trong tình hình mới, đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao lưu ý Viện kiểm sát các cấp về công tác tổ chức cán bộ trong tình hình mới.
Theo đó, mỗi cán bộ Kiểm sát phải giữ vững phẩm chất cách mạng công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn; kiên quyết đấu tranh để các hành vi vi phạm pháp luật phát hiện được đều phải truy cứu trách nhiệm và xử lý theo chính sách của Đảng và luật lệ của Nhà nước, chống mọi ảnh hưởng của chủ nghĩa thành tích, cục bộ địa phương, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. VKSND các cấp cần xây dựng quy hoạch tổ chức, cán bộ, bảo đảm cho việc phục vụ trước mắt và xây dựng Ngành lâu dài.
Năm 1974, VKSND tối cao tiếp tục quan tâm chỉ đạo công tác tổ chức và cán bộ. VKSND tối cao mở hai lớp tập huấn cho gần 100 cán bộ lãnh đạo Trung ương và tỉnh, thành nhằm tăng cường sự thống nhất về nhận thức và hành động.
Cùng với công tác tập huấn cán bộ trung, cao cấp, ngành Kiểm sát còn đẩy mạnh việc bồi dưỡng cán bộ cấp huyện bằng nhiều hình thức (mở lớp tại chức, bồi dưỡng tại trường và mở hội nghị bồi dưỡng chính trị và chuyên môn). Việc đào tạo cán bộ bổ sung cho Viện kiểm sát cấp huyện đã có nhiều cố gắng. Mặc dù có nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhà trường vẫn mở lớp đào tạo khoá II, đã tuyển sinh khoá III và chuẩn bị nâng trường lên trình độ cao đẳng để đáp ứng yêu cầu phát triển của Ngành.
VKSND tối cao đã đề nghị với Trung ương đề bạt một số Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng và Kiểm sát viên cao cấp; đã đề bạt 10 trưởng phòng ở VKSND tối cao, 5 Viện trưởng, Phó Viện trưởng và 26 Kiểm sát viên tỉnh; 53 Viện trưởng, Phó Viện trưởng và 7 Kiểm sát viên huyện, trong đó có một số cán bộ tốt nghiệp lớp đào tạo khoá I.
Năm 1974, VKSND tối cao đã tiến hành tách Vụ Tổng hợp thành Vụ Nghiên cứu chính sách và pháp luật và điều bộ phận tổng hợp vào Văn phòng; tách Vụ Kiểm sát điều tra hình sự thành hai vụ: Vụ Kiểm sát điều tra và xét xử án sơ thẩm về kinh tế và Vụ Kiểm sát điều tra và xét xử án sơ thẩm về trị an và an ninh; sáp nhập khâu kiểm sát điều tra với khâu kiểm sát xét xử sơ thẩm ở tỉnh và thành.
Cùng với các hoạt động trên, hoạt động đối ngoại của ngành Kiểm sát tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Đầu năm 1972, đoàn cán bộ kiểm sát do đồng chí Nguyễn Quốc Hồng làm trưởng đoàn được cử sang nghiên cứu kinh nghiệm công tác kiểm sát của Cộng hoà Dân chủ Đức. Năm 1973, đoàn cán bộ VKSND tối cao do đồng chí Hoàng Quốc Việt dẫn đầu sang thăm và làm việc, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm công tác kiểm sát tại Cộng hoà Dân chủ Đức. Năm 1974, VKSND tối cao đón tiếp đoàn đại biểu của Viện kiểm sát Cộng hoà Dân chủ Đức do Phó Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao dẫn đầu sang thăm và làm việc tại Việt Nam. Viện đã cử hai cán bộ sang Cộng hoà Dân chủ Đức nghiên cứu về công tác thống kê trong ba tháng.
Cùng với việc xây dựng và kiện toàn tổ chức, trong giai đoạn 1973-1975, ngành Kiểm sát nhân dân tăng cường hoạt động trên tất cả các mặt.
Về công tác kiểm sát chung, năm 1973, nhiều Viện kiểm sát tỉnh, thành, huyện, thị xã, khu phố đã đi sát cơ sở, xây dựng kế hoạch, hỗ trợ chính quyền huyện, xã, khu phố, Hợp tác xã nông nghiệp, thủ công nghiệp quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế theo pháp luật, tổ chức chỉ đạo các ngành phối hợp và quản lý theo chế độ, thể lệ của Nhà nước.
Một số Viện kiểm sát ở các cấp và Vụ 1, VKSND tối cao đã vận dụng và phát huy hiệu quả chức năng kiểm sát, thông qua công tác kiểm tra của các cơ quan thanh tra kinh tế, tài chính để tìm hiểu sâu về nguyên nhân và điều kiện phát sinh vi phạm và tội phạm trên cả hai mặt pháp chế về tổ chức và quản lý kinh tế để kết luận, kiến nghị, yêu cầu sửa chữa vi phạm, không chỉ kiến nghị tới cơ quan chủ quản có vi phạm mà còn kiến nghị đến trách nhiệm của cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo cấp trên của cơ quan được kiểm tra, giúp cho việc sửa chữa vi phạm được giải quyết nhanh và triệt để hơn. Cụ thể, qua công tác kiểm tra cơ sở, VKSND huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định kiến nghị đến Cục Quản lý giao thông đường bộ; qua kiểm tra Công ty Vật tư, Vụ 1 kiến nghị đến Tổng cục Bưu điện và báo cáo tình hình, nguyên nhân vi phạm và tội phạm lên Thường vụ Hội đồng Chính phủ...
(Còn tiếp)
Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).