Công tác kiểm sát xét xử dân sự năm 1971 có chuyển biến mới

Công tác kiểm sát xét xử dân sự năm 1971 có một số chuyển biến mới, hướng dần vào phục vụ nhiệm vụ trung tâm là bảo vệ quyền sở hữu xã hội chủ nghĩa. Công tác kiểm sát xét xử dân sự tiếp tục đi vào kiểm sát việc xét xử các vụ ly hôn do thông gian, ngoại tình, chú trọng kiểm sát các vụ tranh chấp về tài sản; khởi tố 156 vụ án dân sự, một số nơi yêu cầu các Toà án phải xét xử một số vi phạm hợp đồng kinh doanh mà trước đây Tòa án không thụ lý giải quyết. 

Để góp phần vào nhiệm vụ quản lý kinh tế, VKSND tối cao kiến nghị TAND tối cao nghiên cứu, giao cho TAND cấp dưới thụ lý, xét xử các vụ tranh chấp tài sản ngoài hợp đồng kinh tế, những vụ bồi thường dân sự do thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản xã hội chủ nghĩa nhưng chưa đến mức phải xử lý hình sự.

Một số Viện kiểm sát thành phố, thị xã đi vào vấn đề tranh chấp nhà đất nhằm góp phần ổn định đời sống và giữ gìn trị an. VKSND tối cao kiến nghị TAND tối cao và Bộ Kiến trúc về việc hai cơ quan này ra một số văn bản không phù hợp với Nghị định số 115-CP của Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệ thuê nhà ở thành phố, thị xã. 

Qua công tác kiểm sát việc thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình, Viện kiểm sát các cấp đã chú trọng đến tình hình tranh chấp và giải quyết án kiện ly hôn. 

Ngày 25/7/1972, VKSND tối cao có hướng dẫn số 1306/V5 về công tác kiểm sát xét xử dân sự trong thời chiến. Hướng dẫn nêu rõ: Công tác kiểm sát xét xử dân sự cần phải hướng tới việc xử lý, giải quyết các tranh chấp về nhà đất, nhất là kiểm sát việc thi hành hợp đồng thuê nhà, đấu tranh chống buông lỏng quản lý nhà đất; tập trung vào án kiện ly hôn, xác định án trọng điểm về ly hôn trong thời chiến để tham gia tố tụng có trọng tâm, phục vụ nhiệm vụ, yêu cầu chính trị, bảo vệ quyền lợi của gia đình quân nhân có chồng, con đi chiến đấu ở các chiến trường B, C...

Đồng thời, tập trung giải quyết các tranh chấp hợp đồng, xác định trách nhiệm cá nhân, tập thể để xác định vấn đề bồi thường, bồi hoàn thích đáng, bảo vệ tài sản của Nhà nước và của Hợp tác xã...; giải quyết các vi phạm về hợp đồng vận chuyển, phục vụ nhiệm vụ nông nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp, bảo vệ tài sản trong lũ lụt... 

Công tác kiểm sát xét xử dân sự năm 1972 tập trung phục vụ công tác chính sách hậu phương quân đội, phát hiện tình hình không cấp phát đầy đủ tiền phụ cấp cho gia đình có con em đi chiến đấu ở chiến trường xa, tiền tử tuất…, đề xuất với Ủy ban hành chính và phòng Thương binh - Xã hội có biện pháp giải quyết kịp thời. 

Để phục vụ công tác quản lý kinh tế, một số Viện kiểm sát huyện chú ý đề xuất với Ủy ban hành chính hoặc Toà án giải quyết những vụ giao hàng thiếu hụt trong khi thực hiện hợp đồng vận chuyển, nhằm thu hồi tài sản xã hội chủ nghĩa bị thiệt hại. Trong nông nghiệp, một số Viện kiểm sát huyện đã đi vào khâu hợp đồng giữa Hợp tác xã với cơ quan quốc doanh. 

Một số Viện kiểm sát thị xã, thành phố cùng với Toà án giải quyết kịp thời một số trường hợp tranh chấp nhà đất xảy ra gay gắt ở địa phương. Một số Viện kiểm sát huyện tiến hành kiểm sát hoạt động của tổ hoà giải để bảo đảm những nghị quyết của tổ hoà giải đề ra được đúng pháp luật. 

Nhiều Viện kiểm sát huyện, thị xã quan tâm hơn đối với công tác tham dự phiên toà, nhất là đối với những vụ án ly hôn có liên quan đến chính sách hậu phương. 

Công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố giác có tiến b

Năm 1972, công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố giác của Ngành có tiến bộ, giải quyết nhanh những đơn khiếu tố trong vùng bị lũ lụt, đơn khiếu tố về vi phạm chính sách hậu phương, giải quyết dứt điểm một số đơn quan trọng. Các cấp trong Ngành đã chú ý vận dụng chức năng của mình thúc đẩy các ngành, các cơ quan Nhà nước giải quyết đơn khiếu tố theo tinh thần chỉ thị của Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Hội nghị giải quyết đơn toàn miền Bắc. 

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm hỏi các chiến sĩ tự vệ Đài phát thanh Mễ Trì, vùng bị máy bay Mỹ bắn phá, ngày 30/12/1972. (Ảnh: Minh Trường - TTXVN)

Năm 1972, công tác tiếp dân và xét giải quyết đơn thư khiếu tố có những tiến bộ mới trong quan hệ công tác với bộ phận phụ trách xét khiếu tố của các cơ quan Thanh tra Chính phủ và cơ quan kiểm tra đảng ở các cấp trong việc tiếp nhận, theo dõi, thẩm tra, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết những yêu cầu và khiếu nại của cán bộ và Nhân dân. 

Số đơn của Viện kiểm sát gửi đến các ngành được giải quyết và được trả lời tăng hơn (năm 1971 là 3%, năm 1972 là 20% trong số đơn gửi đi), trong đó có những vụ vi phạm nghiêm trọng quyền lao động, quyền sử dụng nhà ở, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền dân chủ của Nhân dân. 

VKSND tối cao và một số Viện kiểm sát tỉnh đã tổ chức những cuộc tọa đàm rút kinh nghiệm về công tác xét giải quyết thư khiếu tố. Một số Viện kiểm sát địa phương vận dụng nhiều phương thức tích cực để thúc đẩy trách nhiệm của ngành thanh tra, kiểm tra Đảng bàn về phương hướng và biện pháp giải quyết đơn theo Chỉ thị 176-CT/TW ngày 18/4/1970 của Ban Bí thư, tiến hành kiểm sát tại chỗ công tác giải quyết những việc khiếu tố của một số đơn vị cơ quan cùng cấp, nhất là đối với những đơn khiếu nại có liên quan đến công tác trung tâm không được giải quyết kịp thời (Ủy ban hành chính huyện, Ty Bưu điện, Ban Thương binh - Xã hội). 

Ngành Kiểm sát quân sự tiếp tục được xây dựng và đẩy mạnh hoạt động

Những năm 1969-1972, ngành Kiểm sát quân sự tiếp tục được xây dựng và đẩy mạnh hoạt động trong bối cảnh miền Bắc đối mặt với cuộc Chiến tranh phá hoại lần thứ hai ác liệt của đế quốc Mỹ và tăng cường xây dựng quân đội, chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Các hoạt động của Ngành như: Công tác công tố của các Viện kiểm sát quân sự, chức năng kiểm sát điều tra, công tác kiểm sát việc chấp hành chế độ, quy định về giam giữ, chức năng kiểm sát xét xử... đều được chú ý và tăng cường hơn. Trong thời kỳ này, các Viện kiểm sát quân sự chú ý hơn đến việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. 

Về tổ chức, năm 1970, Bộ Quốc phòng thành lập thêm một Viện kiểm sát quân sự mới, đó là Viện kiểm sát quân sự Đoàn 559 do Trung tá Hoàng Phú Túc làm Viện trưởng. 

Công tác đào tạo, huấn luyện bồi dưỡng kiến thức pháp luật, năng lực nghiệp vụ kiểm sát được lãnh đạo Viện kiểm sát quân sự Trung ương coi là một trong những công tác trọng tâm của Ngành. Viện kiểm sát quân sự Trung ương đã biên soạn chuyên đề và hàng năm mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, các lớp học tại chức cho cán bộ mới trong Ngành. 

Thực hiện nhiệm vụ của Đảng ủy quân sự Trung ương, Viện kiểm sát quân sự Trung ương đã đề ra, trong năm 1972, toàn Ngành tiến hành kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Nhà nước và kỷ luật quân đội 449 cuộc, trong đó tập trung vào các nội dung: Kiểm sát việc chấp hành mệnh lệnh chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, phòng không sơ tán; chấp hành các chế độ quản lý bộ đội, chống tiêu cực; chấp hành các chính sách hậu phương quân đội; chấp hành chính sách vùng mới giải phóng, chấp hành các chế độ an toàn; chấp hành Pháp lệnh bảo vệ rừng. 

Trong hai năm 1971-1972, các Viện kiểm sát quân sự đã tiến hành điều tra 1.558 vụ và kết thúc điều tra 1.297 vụ. Đây là một cố gắng lớn của ngành Kiểm sát quân sự, tích cực giải quyết án, góp phần củng cố quyết tâm chiến đấu của bộ đội. Về công tác công tố, các Viện kiểm sát quân sự đã tập trung xử lý nhanh, chính xác các án đã kết thúc điều tra, truy tố ra toà án quân sự 404 vụ. 

Các Viện kiểm sát quân sự cũng tiến hành miễn tố và hoãn tố nhằm mục đích bảo đảm chi viện sức người cho tiền tuyến đánh giặc. Vì vậy, năm 1972 có 363 vụ miễn tố và 168 vụ hoãn tố. Các Viện kiểm sát đã tích cực thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại 424 phiên toà. 

Trong những năm 1969-1972, ngành Kiểm sát quân sự đã thể nghiệm các mặt công tác kiểm sát để phục vụ chiến đấu ngay tại mặt trận, rút ra được nhiều kinh nghiệm chỉ đạo, điều hành công tác kiểm sát đối với các Viện kiểm sát quân sự tham gia chiến dịch. 

Công tác kiểm sát tại chiến trường cho thấy pháp chế của Nhà nước, kỷ luật của quân đội cần được thiết lập và duy trì ở mọi nơi, mọi lúc, đối với mọi người. Pháp chế vững mạnh, kỷ luật nghiêm minh là tiền đề, là một trong những cơ sở bảo đảm chắc chắn cho mọi mệnh lệnh của chỉ huy ở bất kỳ cấp nào đều được chấp hành nghiêm chỉnh và đạt hiệu quả cao trong công tác, trong chiến đấu, giúp cho đơn vị hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình và giành thắng lợi trong bất cứ tình huống nào. 

Các Viện kiểm sát quân sự cũng đã đẩy mạnh công tác kiểm sát chung - một trong sáu mặt công tác của ngành Kiểm sát, phát hiện và phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi phạm tội. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta càng gần thắng lợi càng nhiều gian nan, phải chịu đựng khó khăn và hy sinh to lớn. Tuyệt đại đa số cán bộ, chiến sĩ đều dũng cảm, quyết tâm cao, giữ vững ý chí chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhưng cũng còn một bộ phận nhỏ quân nhân hoang mang, dao động, ngại khổ, sợ hy sinh, dẫn đến các vi phạm và tội phạm như: Đào ngũ, thoái thác nhiệm vụ, tự thương, chống mệnh lệnh, bỏ nhiệm vụ; xâm phạm tính mạng người khác; tự sát, xâm phạm tài sản quân đội; xâm phạm tài sản công dân; vi phạm chính sách... 

Mặc dù lực lượng Điều tra viên quá ít, nhưng với tinh thần kiên quyết đấu tranh chống tội phạm, các Viện kiểm sát quân sự đã tập trung lực lượng tiến hành điều tra, xử lý mỗi năm hàng nghìn vụ, góp phần ổn định tình hình đơn vị, đảm bảo giữ vững ý chí và quyết tâm của bộ đội trong thời điểm quyết định. 

Cùng với đó, công tác cán bộ được chú trọng, nhất là đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ kiểm sát quân sự được chú ý, mỗi năm tuyển chọn hàng chục cán bộ đi học dài hạn tại Trường Cao đẳng Kiểm sát thuộc VKSND tối cao; cử các đồng chí Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp dự lớp tập huấn do VKSND tối cao tổ chức; tổ chức được các hội nghị chuyên đề về công tác kiểm sát chung, công tác thống kê tội phạm và công tác thực hành quyền công tố; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ mới vào Ngành và tổ chức rút kinh nghiệm các vụ án đã điều tra, truy tố và xét xử để nâng cao trình độ.

Viện kiểm sát quân sự Trung ương đã dự thảo xong chức trách của ngành Kiểm sát quân sự, Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, các phòng thuộc Viện kiểm sát quân sự Trung ương; đồng thời nghiên cứu dự thảo văn bản về tổ chức cơ quan quân pháp, cơ quan pháp chế Bộ Quốc phòng, tham gia trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát với đoàn cán bộ kiểm sát nước Cộng hoà Dân chủ Đức. 

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).

BVPL