Trong phần này, Báo Bảo vệ pháp luật giới thiệu đến bạn đọc công tác kiểm sát điều tra năm 1971, năm 1972 của Viện kiểm sát; việc giải quyết các loại án trọng điểm, án trị an, kinh tế… và việc VKSND tối cao ban hành công văn hướng dẫn công tác kiểm sát điều tra trong tình hình mới.

Công tác kiểm sát điều tra có những chuyển biến tốt

Năm 1970, Nhà nước ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm. Ngày 21/10/1970, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa và Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân. Hai Pháp lệnh này do liên ngành VKSND tối cao, TAND tối cao và Bộ Công an tiến hành xây dựng.

Công tác kiểm sát điều tra năm 1971 có những chuyển biến tốt, đẩy mạnh đấu tranh chống tội phạm, phục vụ nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội trong quản lý kinh tế, quản lý nhà nước và quản lý xã hội. Những chuyển biến ấy được thể hiện trên ba mặt: Cải tiến chỉ đạo phương hướng, nhiệm vụ; cải tiến chỉ đạo công tác kiểm sát điều tra và cải tiến chỉ đạo thực hiện.

VKSND tối cao và Viện kiểm sát các khu, thành, tỉnh triệu tập nhiều hội nghị học tập cho cán bộ kiểm sát điều tra nhằm quán triệt phương hướng, nhiệm vụ, thống nhất nhận thức về chức năng và nâng cao trách nhiệm trong kiểm sát điều tra, sơ kết kinh nghiệm và đề ra các biện pháp tăng cường quản lý nghiệp vụ, quản lý chế độ báo cáo thống kê, bước đầu phát huy tác dụng.

VKSND tối cao đã họp bàn với Cục Chấp pháp nhằm thống nhất chỉ đạo phương hướng đấu tranh chống tội phạm, xác định nội dung công tác kiểm sát điều tra và công tác điều tra, tạo điều kiện cho các Viện kiểm sát thành, tỉnh thực hiện chức năng của mình. Một số Viện kiểm sát thành, tỉnh đã tranh thủ cấp ủy chủ trì mở hội nghị liên tịch Công an, Kiểm sát, Toà án.

Để giải quyết một số lúng túng cho các Viện kiểm sát địa phương, VKSND tối cao đã đúc kết và thông báo kinh nghiệm kiểm sát điều tra đối với loại án cố ý làm trái chính sách, giết người không quả tang và kinh nghiệm kiểm sát điều tra đối với các tội phạm phát sinh trong hoàn cảnh lũ lụt.

Thực hiện nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ kinh tế, bảo vệ trị an và an ninh quốc phòng, Viện kiểm sát các cấp đẩy mạnh việc thụ lý, giải quyết án, nhất là các vụ án trọng điểm với chất lượng tốt hơn, chính xác hơn. Án trọng điểm được quan tâm nhiều hơn, án ứ đọng được giải quyết nhiều hơn.

leftcenterrightdel
Ngày 27/12/1972, một chiếc B52 của Mỹ đã bị quân và dân quận Ba Đình bắn hạ và rơi xuống hồ Hữu Tiệp (nay thuộc phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội). (Ảnh: tư liệu)

Nhiều Viện kiểm sát các cấp tích cực trao đổi với các ngành bạn để thực hiện sự phân công điều tra thống nhất, Viện kiểm sát chỉ điều tra những vụ án khi cần thiết, tích cực đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm chính sách, pháp luật trong công tác điều tra, đồng thời khắc phục những thiếu sót trong hoạt động kiểm sát điều tra.

Chú ý phát hiện và tập hợp những vi phạm chính sách và pháp luật trong công tác quản lý kinh tế, quản lý nhà nước, quản lý xã hội, nhất là quản lý cán bộ, đảng viên để giúp các ngành, các cấp nâng cao ý thức pháp chế, kiến nghị khắc phục nhằm góp phần ngăn ngừa chung dưới nhiều hình thức linh hoạt.

Án trọng điểm được quan tâm nhiều hơn

Năm 1971, Viện kiểm sát các địa phương chú ý vừa đi vào các loại án trọng điểm mới thụ lý và các loại án tồn đọng, vừa quyết tâm giải quyết các án trọng tội và các loại án bình thường. Tỷ lệ giải quyết án các loại đạt 66% ở thành, tỉnh; 69,8% ở khu phố và huyện thị; 68% cả tỉnh, huyện.

So sánh với tỷ lệ giải quyết án năm 1970 là 70%, năm 1971 đạt 68,7%, nhưng chất lượng giải quyết án năm 1971 thì nội dung chính xác hơn, án trọng điểm được quan tâm nhiều hơn, án tồn đọng của các năm trước đó được giải quyết nhiều hơn. Tỷ lệ giải quyết án về kinh tế là 57%, nhưng án tồn đọng đã được giải quyết đến 71%. Tỷ lệ giải quyết án về trị an là 72%, nhưng án tồn đọng đã được giải quyết là 62%, các địa phương Hà Nội, Hải Phòng, Tuyên Quang đạt 70% - 100%.

Các loại án kinh tế thuộc loại tội mới, trong đó kẻ phạm tội thường là người có chức có quyền do các tỉnh, thành phố thụ lý nhiều hơn năm trước (210 vụ so với 158 vụ năm 1970), trong đó phần lớn là các loại tội thuộc lĩnh vực nông nghiệp (Hợp tác xã và cơ quan phục vụ nông nghiệp), về giao thông vận tải, lưu thông, phân phối.

Tại những địa phương có hành động phá hoại của bọn phản cách mạng đội lốt Thiên chúa giáo, các Viện kiểm sát Nghệ An, Thái Bình, Nam Hà... đã tăng cường công tác kiểm sát điều tra nhằm đẩy mạnh việc giải quyết một số vụ án (vụ Diễn Đoài, Nghệ An; vụ Trung Đồng, Thái Bình; vụ Bùi Chu, Nam Hà).

 Trong lĩnh vực kiểm sát việc thực hiện chủ trương cải tạo đối với những phần tử nguy hại cho xã hội, VKSND các cấp đã phát hiện ra một số trường hợp tập trung cải tạo không đúng pháp luật và đã có biện pháp yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền khắc phục.

Viện kiểm sát các cấp tích cực đấu tranh ngăn chặn những vi phạm chính sách và pháp luật trong công tác điều tra của ngành Công an, đồng thời ra sức khắc phục các thiếu sót và vi phạm trong công tác kiểm sát điều tra, nâng cao thêm một bước ý thức chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất pháp chế xã hội chủ nghĩa trong công tác điều tra và kiểm sát điều tra.

Qua công tác kiểm sát điều tra, giải quyết án các loại, một số cán bộ kiểm sát điều tra đã quan tâm đẩy mạnh việc phát hiện và tập hợp những vi phạm chính sách và pháp luật trong công tác quản lý kinh tế, quản lý nhà nước, quản lý xã hội, nhất là quản lý cán bộ, đảng viên, để giúp các ngành, các cấp nâng cao ý thức pháp chế, kiến nghị khắc phục, góp phần ngăn chặn chung dưới nhiều hình thức. Viện kiểm sát báo cáo với cấp ủy đề xuất biện pháp sửa chữa, kiến nghị bằng văn bản với các ngành, tham luận trong đại hội các đảng bộ, tham luận trước Hội đồng nhân dân các cấp.

Ngày 11/7/1972, VKSND tối cao có công văn số 1248/V2 hướng dẫn về công tác kiểm sát điều tra trong tình hình mới. Công tác kiểm sát điều tra năm 1972 đã có tiến bộ rõ trong việc gắn công tác làm án với việc phục vụ nhiệm vụ chính trị của Ngành. Phát huy kinh nghiệm của đợt phục vụ chống lũ lụt năm 1971, các Viện kiểm sát đã tập trung vào việc giải quyết các tội phạm xảy ra trong lĩnh vực quản lý an ninh, trị an xã hội và giao thông vận tải, chú ý các tội trộm cắp, giết người, cướp của, đông người tụ tập gây rối trị an và chống lại cán bộ khi thi hành nhiệm vụ.

Trong đợt phục vụ giao thông vận tải, kiểm sát điều tra ở một số Viện kiểm sát đã phối hợp với kiểm sát chung chủ động phát hiện những vụ phạm pháp hình sự, khởi tố yêu cầu điều tra. Tình trạng thụ động chờ án đến để giải quyết án trong đợt phục vụ giao thông vận tải được khắc phục. Một số Viện kiểm sát thông qua việc giải quyết án tác động đến tình hình chung bằng cách đề xuất Ủy ban hành chính cùng cấp chủ trì cuộc họp với thủ trưởng và cán bộ các cơ quan hữu quan nghe báo cáo án và những nguyên nhân sơ hở trong công tác quản lý, đề nghị các cơ quan có trách nhiệm tự kiểm tra sửa chữa những sai sót.

 Ở VKSND tối cao cũng như ở nhiều tỉnh, thành, huyện, quan hệ phối hợp giữa ba ngành Công an, Viện kiểm sát, Toà án có tiến bộ. Chế độ định kỳ sinh hoạt giữa thủ trưởng ba ngành để trao đổi tình hình phạm pháp và định phương hướng đấu tranh chống tội phạm được thực hiện một cách có nền nếp.

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).

BVPL