Không để bản “trắng Đảng viên, trắng Chi bộ”

Ngược dòng lịch sử, đến những năm 1960 người Chứt ở Hà Tĩnh mới được bộ đội phát hiện ở trong rừng sâu. Nhưng thực sự được đưa về, dựng bản Rào Tre ổn định cuộc sống dưới chân núi Kà Đay ở xã Hương Liên, phải đến những năm 2000.

Trung tá Nguyễn Văn Thiên – Tổ trưởng Tổ Biên phòng cắm bản Rào Tre kể, “Đến năm 2001 rồi, mà cán bộ cắm bản chúng tôi vẫn còn phải tìm những hộ dân trốn vào rừng đưa về bản, dựng nhà, cho họ cái ăn cái mặc, kể cả tắm cho họ, động viên, thuyết phục họ bám bản, giữ nhà, sống ổn định ở bản Rào Tre”.

Để giữ đồng bào ở lại yên tâm lao động, sản xuất, xây dựng bản làng thì phải có người “nói họ nghe, làm họ nể”, cần gây dựng các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể tại thôn bản. Đảng viên và chi bộ đảng được xác định là điều kiện tiên quyết, là yếu tố “sống còn” trong công tác dân vận, vận động quần chúng, đảm bảo an ninh, chính trị vùng biên giới. Quyết tâm chính trị của cấp ủy địa phương và Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh ngày đó rất cao: Không để bản “trắng Đảng viên, trắng Chi bộ”; đảng viên người đồng bào sẽ là nòng cốt đi đầu, gương mẫu, bởi đảng viên đồng bào nói và làm, người đồng bào mới nghe, mới theo.

Nhưng, để có đảng viên người đồng bào, phải có nhân tố tiến bộ, điển hình để bồi dưỡng, phát triển. Muốn như vậy, phải cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt “cầm tay chỉ việc” với dân bản, bày cho dân bản con chữ và cách thức lao động, sản xuất. Nhiều cán bộ cấp xã, cán bộ Biên phòng đã được cử xuống cắm bản, “3 cùng” với đồng bào dân tộc Chứt ở Rào Tre.

leftcenterrightdel
 Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh cùng lao động, sản xuất với bà con dân bản Rào Tre.

Trung tá Dương Thanh Tịnh – nguyên Tổ trưởng Tổ Biên phòng cắm bản Rào Tre là một trong những người tiên phong ngày đó, với thâm niên hơn 15 năm cắm bản, được bà con dân bản xem như người thân ruột thịt. Chính anh và những cán bộ Biên phòng đầu tiên xuống “3 cùng” với dân bản, đã hình thành nên Tổ giáo viên, Tổ quân y, đến từng nhà dân để vận động học cái chữ, nói tiếng Kinh, vận động dân khám chữa bệnh, không tin vào các hủ tục lạc hậu. Không những thế, còn bày cho người dân trồng cây lúa, cây ăn quả, nuôi lợn nuôi gà, trâu bò…

Cũng từ đây, các tổ chức chính trị, xã hội như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên… được hình thành, là tiền đề để phát hiện, bồi dưỡng những nhân tố điển hình như Hồ Thị Nam, Hồ Kính, Hồ Thị Kiên… kết nạp vào Đảng.

leftcenterrightdel
 Bộ đội Biên phòng Quảng Bình giúp người dân bản thu hoạch lúa.

Chính những cán bộ cắm bản “3 cùng” với người dân, đã phát hiện và bồi dưỡng, đề xuất, làm hồ sơ kết nạp Đảng cho những người Chứt đầu tiên. Từ 2 Đảng viên ban đầu, phải sinh hoạt chung với Chi bộ thôn 1 xã Hương Liên cách bản 2 km, đến tháng 8/2017 Chi bộ bản Rào Tre được thành lập, có đảng viên xã, đảng viên Tổ cắm bản Biên phòng cùng tham gia sinh hoạt. Đến nay, Chi bộ bản Rào Tre đã có 10 đảng viên, với 9 đảng viên là người đồng bào, chỉ có 1 đảng viên là cán bộ xã cùng sinh hoạt, giữ cương vị Bí thư Chi bộ.

Việc kết nạp đảng viên và hình thành Chi bộ thôn bản của người đồng bào Rục ở Quảng Bình, cũng tương tự như thế, nhưng sớm hơn đồng bào Chứt ở Hà Tĩnh.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Minh Hóa, ông Đinh Duy Luân cho biết, Chi bộ đảng tại bản đồng bào Rục đầu tiên được hình thành ở bản Yên Hợp, với 5 đảng viên (năm 1962).

leftcenterrightdel
 Phó Bí thư Huyện ủy Minh Hóa kể chuyện phát triển Đảng viên người dân tộc thiểu số với phóng viên Báo bảo vệ pháp luật.

Trước đó, sau khi người Rục được phát hiện và đưa về ổn định cuộc sống ở vùng đệm Phong Nha (xã Thượng Hóa), cấp ủy địa phương và Bộ đội Biên phòng nơi đây đã rất nỗ lực dạy cho đồng bào tiếng nói, chữ Việt, bày cho cách thức lao động, sản xuất, bám làng, giữ bản, làm cách mạng. Nhiều cá nhân sớm giác ngộ, tiến bộ tham gia vào các tổ chức chính trị, xã hội ở bản, ở xã, sau đó được bồi dưỡng kết nạp vào Đảng.

Lịch sử Đảng bộ huyện Minh Hóa cũng ghi nhận những Đảng viên người Rục đầu tiên, như Cao Ngọc Miên, Cao Xuân Tài, Cao Vương Luyện, Cao Bắc Nhện, Cao Ngọc Man, Cao Ngọc Ền, Hồ Pum, Hồ Pứa… Đến những năm 1970, thêm nhiều Đảng viên người Rục được bồi dưỡng, đứng vào hàng ngũ Đảng, Chi bộ Đảng Hợp Hòa được thành lập với 6 Đảng viên, trong đó chủ yếu người Rục ở bản Mò O Ồ Ồ, do ông Cao Bắc Nhện làm Bí thư Chi bộ. Năm 1994, Bản Ón được thành lập, gần 10 năm sau (2003) ở đây đã có Chi bộ Đảng với 3 Đảng viên.

leftcenterrightdel
 Ông Đinh Thanh Văn, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Hóa chia sẻ thông tin cùng PV Báo Bảo vệ pháp luật.

“Hành trình xóa bản “trắng Đảng viên, trắng Chi bộ” đạt kết quả tích cực từ ngày đó. Đến nay ở 3 bản (Bản Mò O Ồ Ồ, bản Ón, bản Yên Hợp) có 19 đảng viên người dân tộc thiểu số. Các đảng viên, Chi bộ và các tổ chức chính trị, xã hội các bản hoạt động cơ bản tốt. Đáng mừng là có những đảng viên rất năng động, nhiệt tình, có uy tín được bầu giữ chức vụ Bí thư Chi bộ, Trưởng bản như Cao Xuân Long, Cao Xuân Nhàn… Đảng viên công chức xã, Bộ đội Biên phòng tăng cường về sinh hoạt tại bản, giờ chỉ tham gia sinh hoạt để hỗ trợ, giúp đỡ đảng viên, giúp đỡ bà con nơi đây thôi” – Bí thư Đảng ủy xã Thượng Hóa, ông Đinh Thanh Văn phấn khởi cho biết.

leftcenterrightdel
 Ông Đinh Duy Lân - Phó Bí thư huyện uỷ Minh Hóa.

Tiếp tục “ươm mầm”, phát triển “hạt giống đỏ” người dân tộc thiểu số

Như đã nói ở kỳ trước, Đảng viên trẻ Cao Xuân Long – Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Mò O Ồ Ồ ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa là nhân tố điển hình của người đồng bào Rục ở Quảng Bình, được phát hiện, “ươm mầm” phát triển Đảng từ khi còn trẻ. Qua rèn luyện bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng vững đã được giao giữ những cương vị quan trọng của bản, đã khẳng định được bản thân qua hiệu quả công việc được giao.

Với đảng viên Cao Xuân Long, không chỉ nêu gương, phấn đấu, mà trực tiếp Long còn động viên, thuyết phục người đồng bào mình tin tưởng vào Đảng, sống, lao động, sản xuất theo chủ trương, đường lối của Đảng, có chí hướng phấn đấu để phát triển bản thân, sớm đứng vào hàng ngũ của Đảng. Mà 2 người em của Long cũng là điển hình cho hoạt động “ươm mầm” quần chúng ưu tú của Đảng nơi đây.

leftcenterrightdel
 Bộ đội Biên phòng Đồn Cà Xèng (Quảng Bình) tặng quà động viên nữ sinh Cao Thị Lệ Hằng, người Rục đầu tiên đậu đại học.

Trung tá Hoàng Công Hùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cà Xèng cho biết, 2 người em của Cao Xuân Long cũng rất giỏi, có tư tưởng tiến bộ, có phẩm chất, tố chất, khi người em gái của Long là Cao Thị Lệ Hằng đã cố gắng học tập, trở thành học sinh người Rục đầu tiên đỗ đại học; người em trai Cao Minh Lệ cũng là người Rục đầu tiên được xét tuyển vào Trung cấp Biên phòng.

“Với sự hỗ trợ, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và đơn vị, tin chắc rằng đây sẽ là 2 nhân tố tích cực của bản làng sau khi hoàn thành nhiệm vụ học tập, là những “hạt giống đỏ” nòng cốt của địa phương sau này” – Trung tá Hoàng Công Hùng nhận định.

leftcenterrightdel
 Người Chứt ở bản Rào Tre tuyên thệ khi kết nạp Đảng (Ảnh Minh Toàn).

Hoạt động “ươm mầm”, bồi dưỡng phát triển “hạt giống đỏ” người Chứt cho tổ chức Đảng ở bản Rào Tre (Hà Tĩnh) những năm gần đây cũng hiệu quả không kém, khi Chi bộ bản Rào Tre đến nay đã có 9 Đảng viên là người đồng bào. Có nhiều Đảng viên trẻ noi gương người thân, phấn đấu được đứng vào hàng ngũ của Đảng như 2 người con gái của bà Hồ Thị Nam. Người con trai của bà Nam là Hồ Xuân Nam, hiện là Công an viên, đang được Chi bộ bản Rào Tre dự kiến kết nạp Đảng trong năm nay.

Bí thư Chi bộ bản Rào Tre, anh Nguyễn Văn Mận cho biết, Đảng viên trẻ của bản là nòng cốt tiên phong trong việc tiếp thu và chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng về với bà con, nên Chi bộ rất quan tâm, chú trọng công tác bồi dưỡng, phát triển. Chỉ tính trong năm 2022, Chi bộ bản Rào Tre đã kết nạp Đảng cho 1 quần chúng ưu tú (em Hồ Thị Thường – SN 2000) và chuyển Đảng chính thức cho 2 Đảng viên dự bị; giới thiệu 2 quần chúng ưu tú tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng.

leftcenterrightdel
 Ông Trần Phúc Anh – Bí thư Đảng ủy xã Hương Liên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh).

Nói về công tác “ươm mầm”, phát triển “hạt giống đỏ” người dân tộc thiểu số ở địa phương, ông Trần Phúc Anh – Bí thư Đảng ủy xã cho biết, địa phương rất quan tâm đến công tác phát triển Đảng viên người đồng bào dân tộc.

“Những đảng viên này đã phát huy tốt vai trò của mình trong phát triển sản xuất, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Họ là những người góp phần rất tích cực trong hoạt động của địa phương. Hiện các Đảng viên người đồng bào  đều tham gia vào bộ máy ở thôn, ở bản, phần rất lớn giúp cấp ủy, chính quyền địa phương chuyển tải chủ trương, chính trách đến với đồng bào” – Ông Trần Phúc Anh nhận xét.

leftcenterrightdel
 Cán bộ cùng ăn, cùng ở, cùng lao động sản xuất với bà con dân bản đã tạo nên những mùa vàng bội thu.

Về phía Huyện ủy Hương Khê (Hà Tĩnh), ông Nguyễn Kim Tú – Trưởng Ban tổ chức cũng cho biết: “Ngay từ đầu nhiệm kỳ, chúng tôi xác định công tác phát triển Đảng viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng, phát triển tổ chức Đảng. Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch phát triển Đảng viên đến tổ chức Đảng cơ sở, giao các chỉ tiêu phát triển Đảng hàng năm, tập trung các giải pháp, đặt ra chỉ tiêu tuyên truyền, giác ngộ, nâng cao nhận thức về Đảng cho các chi bộ, nhất là chi bộ vùng khó khăn, dân tộc thiểu số. Chính vì vậy mà công tác phát triển đảng viên thời gian qua ở cơ sở, địa bàn khó khăn đã có nhiều tiến bộ”.

leftcenterrightdel
Trung tá Phạm Xuân Ninh trao đổi với PV Báo Bảo vệ pháp luật về công tác phát triển đảng viên người đồng bào Rục.

Trung tá Phạm Xuân  Ninh – Cán bộ Đồn Biên phòng Cà Xèng (Quảng Bình): Hiện đơn vị có tất cả 4 đồng chí đảng viên về tham gia trực tiếp tại Chi bộ bản. Ngoài việc cùng sinh hoạt, hỗ trợ, giúp đỡ chi bộ thôn bản về hệ thống sổ sách, duy trì chế độ sinh hoạt, còn có nội dung liên quan đến công tác phát triển đảng viên. Các đồng chí đó, đã có quá trình cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt dưới bản nên nắm được các đoàn viên thanh niên ưu tú, tích cực, có ý thức. Qua hiệu quả công việc, nhận thức tư tưởng của đoàn viên, đã đề xuất với chi bộ để bồi dưỡng kèm cặp, phát triển đảng. Việc tăng cường cán bộ biên phòng, cán bộ xã tham gia sinh hoạt chi bộ đảng với người đồng bào đã góp phần cũng cố cơ sở chính trị, góp phần xây dựng tổ chức đảng, tạo nguồn đảng viên tại chỗ, cũng như tạo nguồn cán bộ tại địa phương. 

Kỳ cuối: Hiệu quả từ những đề án bảo tồn, phát triển đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng, Nhà nước

 

Hoàng Long - Bùi Tiến