Trước đó, TAND TP Đà Nẵng mở phiên xét xử giải quyết vụ “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, yêu cầu tuyên bố hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất vô hiệu, yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là ông N.A.T, bà Đ.T.T.N với bị đơn là bà P.T.X và con của bà X. là ông N.Đ.K.

Nội dung vụ án thể hiện trong thời gian từ năm 2000 đến năm 2003, nguyên đơn ông T. và bà N. có đặt cọc để nhận chuyển nhượng 400m2 đất tại phường Hòa Khánh (nay là phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) từ bà X. với giá 174 triệu đồng. Việc chuyển nhượng được UBND phường Hòa Khánh chứng thực vào ngày 12/4/2000.

Sau khi nhận chuyển nhượng, năm 2002, ông T. đã xây dựng một ngôi nhà cấp 4 và ở đến năm 2006, sau đó bão lớn làm ngôi nhà đã sụp đổ hoàn toàn, hiện nay chỉ còn vết tường loang lổ và móng nhà.

Đến năm 2018, ông T. phát hiện phần đất mà ông nhận chuyển nhượng đã nằm trong giấy chứng nhận của ông K. (là con bà X.) theo hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa bà X. với ông K.  Ông K. gửi đơn khởi kiện.

Trong đơn ông T. yêu cầu Tòa án công nhận hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông và bà X. là có giá trị pháp lí; buộc ông K. trả lại 400m2 đất cho ông đã mua hợp pháp của bà X. từ năm 2000; yêu cầu Tòa tuyên hủy hợp đồng tặng cho giữa bà X. với ông K. và yêu cầu Tòa án công nhận quyền sử dụng 400m2 đất này cho ông.

leftcenterrightdel
 Phiên tòa xét xử sơ thẩm một vụ án dân sự trên địa bàn TP Đà Nẵng (ảnh: LT)

Về phía ông K, ông này cho rằng năm 2018, ông được bà X. tặng cho toàn bộ nhà, đất của bà cho ông và ông đã thực hiện đầy đủ thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà nên không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông T.

Quá trình giải quyết vụ án đến trước khi mất vào tháng 3/2020, bà X. thống nhất với trình bày cũng như đồng ý toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông T. và cho rằng bà không tặng toàn bộ nhà, đất cho ông K. mà bà bị ông K. lừa kí vào hợp đồng tặng cho này.

Với nội dung vụ án như trên, TAND TP Đà Nẵng cần áp dụng quy định tại điểm b.2, tiểu mục 2.3, mục 2, phần II, Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10 tháng 8 năm 2004 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao quy định về giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được xác lập từ sau ngày 15/10/1993 để giải quyết công nhận hợp đồng chuyển nhượng đất lập ngày 12/4/2000 giữa ông T. và bà X. tuy nhiên Tòa án lại căn cứ quy định tại điểm a.6, tiểu mục 2.3 mục 2 phần II của Nghị quyết số 02 nêu trên và quy định của Điều 31 Luật đất đai sửa đổi, bổ sung năm 2001 để xác định giao dịch chuyển nhượng đất giữa bà X. và ông T. không có hiệu lực là không đúng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông T.

Theo điểm b.2, tiểu mục 2.3, mục 2, phần II, Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao quy định: “Đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà tại thời điểm giao kết vi phạm các điều kiện được hướng dẫn tại điểm a.4 và điểm a.6 tiểu mục 2.3 mục 2 này, nhưng sau đó đã được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003 mà có phát sinh tranh chấp và từ ngày 01/7/2004 mới có yêu cầu Toà án giải quyết, thì không coi là hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều kiện này”.

Điểm a.4 quy định: “Đất chuyển nhượng đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003”. Điểm a.6 quy định: “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được lập thành văn bản có chứng nhận của Công chứng nhà nước hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền”.

Theo các quy định nêu trên thì nhận thấy trong vụ án này hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà X. với ông T. tại thời điểm giao kết không vi phạm quy định về điều kiện được hướng dẫn tại điểm a.4 (bà X. đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) mà chỉ vi phạm quy định được hướng dẫn tại điểm a.6. Như vậy, căn cứ theo quy định tại điểm b.2, tiểu mục 2.3 mục 2 phần II Nghị quyết số 02 đã viện dẫn trên thì hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà X. với ông T. không coi là hợp đồng vô hiệu.

Hơn nữa, sau khi giao kết hợp đồng, thanh toán đầy đủ tiền thì ông T. đã xây dựng nhà ở từ năm 2002 đến năm 2006 thì bị bão làm sụp đổ nay chỉ còn phần móng thể hiện tại giấy chứng nhận ngày 2/7/2018 đứng tên ông K. Đồng thời, ông T. đã nộp thuế sử dụng đất trong 2 năm 2017-2018 đối với phần đất ông nhận chuyển nhượng của bà X.

Ngoài ra, Tòa án còn có các vi phạm khác về thủ tục tố tụng như: vi phạm quy định về thủ tục thụ lí vụ án và xác định đồng bị đơn là ông T. và bà N. trong khi đơn khởi kiện chỉ có mình ông T. ký đơn; chỉ sử dụng các văn bản, lời khai của bà N. được thực hiện trước thời điểm Tòa án thụ lí vụ án là chưa đúng quy định về thủ tục thu thập chứng cứ của Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS).

Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã vi phạm quy định về việc thay đổi tư cách người tham gia tố tụng; không thụ lí yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; không xác minh, làm rõ di sản và những người phải thực hiện nghĩa vụ của người chết để lại để buộc đương sự chịu nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do hợp đồng vô hiệu cho chính xác;

Đồng thời, Tòa án cũng đã vi phạm quy định về án phí. Ông T. khởi kiện yêu cầu Tòa án công nhận hợp đồng chuyển nhượng đất; yêu cầu tuyên vô hiệu hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và hủy một phần giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; yêu cầu Tòa án công nhận quyền sử dụng đối với 400m2 ông đã nhận chuyển nhượng với mục đích cuối cùng là yêu cầu Tòa án công nhận quyền sử dụng của ông  đối với 400m2 đất.  Vì vậy, ông T. chỉ phải chịu án phí không có giá ngạch đối với yêu cầu công nhận hợp đồng chuyển nhượng đất do không được chấp nhận là 300 nghìn đồng theo quy định tại  khoản 3 Điều 26 và khoản 3 Điều 27 Nghị quyết 326 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án nhưng Tòa án buộc ông phải chịu 300 nghìn đồng đối với yêu cầu công nhận hợp đồng chuyển nhượng đất do không được chấp nhận cùng với chịu 300 nghìn đồng đối với yêu cầu hủy hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đòi lại quyền sử dụng đất do không được chấp nhận là không đúng quy định.

Tuy nhiên, những vi phạm về thủ tục tố tụng nêu trên không làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giải quyết nội dung vụ án do đó, VKSND TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 819/QĐKNPT-VKS-DS kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với bản án dân sự sơ thẩm số 57/2021/DS-ST ngày 28/10/2021 của TAND TP Đà Nẵng theo hướng sửa toàn bộ bản án sơ thẩm về nội dung và án phí để đảm bảo việc giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

 

Lê Tâm