Thực hiện Chỉ thị công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2021 trong việc xác định "khâu công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ, việc dân sự là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong năm 2021 và nhiệm kỳ tới", trong năm qua, VKSND tỉnh Nghệ An đã tập trung nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng khâu công tác này. Một trong những biện pháp được tập trung thực hiện đó là tăng cường phát hiện vi phạm pháp luật của các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ để kịp thời ban hành kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật.

Qua công tác kiểm sát trong thời gian từ đầu năm 2021 đến nay, số lượng các vụ án hành chính, kinh doanh thương mại do Tòa án nhân dân hai cấp thụ lý vẫn tiếp tục tăng (từ 01/12/2020 đến 30/9/2021, thụ lý 121 vụ án hành chính, 346 vụ án kinh doanh thương mại). Trong đó, phần lớn là khiếu kiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân (UBND), Chủ tịch UBND các cấp liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư khi thu hồi đất. Bên cạnh đó, có nhiều vụ án kinh doanh thương mại cũng có liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa.

Quá trình kiểm sát việc giải quyết vụ án VKSND tỉnh Nghệ An nhận thấy, UBND, Chủ tịch UBND các địa phương cơ bản thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý hành chính Nhà nước, tích cực trong việc giải quyết các khiếu nại của công dân cũng như phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng để giải quyết các khiếu kiện liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính tại Tòa án.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có một số địa phương còn thiếu sót, vi phạm trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ như: vi phạm về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn trong công tác giải quyết khiếu nại của công dân theo quy định của Luật Khiếu nại năm 2011; việc lưu trữ Hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa đúng quy định; việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa kiểm tra làm rõ nguồn gốc, thủ tục thừa kế, văn bản ủy quyền của các đồng thừa kế cử đại diện đứng tên để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; về công tác quản lý đất đai đối với trường hợp cho thuê đất; vi phạm việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính như không cung cấp đầy đủ tài liệu chứng cứ theo quyết định của Tòa án; cử người đại diện ủy quyền tham gia tố tụng không đúng quy định; không tham gia phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại; không tham gia các phiên tòa xét xử sơ thẩm, phúc thẩm.

Những thiếu sót, vi phạm của Cơ quan quản lý hành chính Nhà nước các cấp đã ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Nhiều vụ án hành chính, kinh doanh thương mại bị kéo dài do không thu thập đầy đủ được tài liệu chứng cứ. Việc vắng mặt của cơ quan hành chính nhà nước làm cho người khởi kiện và những người tham gia tố tụng khác trong vụ án không có cơ hội để đối thoại, thỏa thuận, làm rõ những vấn đề liên quan trong vụ án, gây bức xúc cho người dân. ảnh hưởng đến việc tranh luận, đánh giá chứng cứ tại phiên tòa. Nhiều vụ án đã phải hoãn xét xử hoặc tạm ngừng phiên tòa để xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ. Do vậy, gây tâm lý bức xúc cho người khởi kiện vì không được tranh tụng để làm rõ những vấn đề vướng mắc với cấp quản lý hành chính có thẩm quyền.

Để xảy ra những vi phạm nêu trên có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó phải kể đến nguyên nhân chủ quan là do một bộ phận đội ngũ cán bộ được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ còn thiếu trách nhiệm; chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc tham gia đối thoại với người khởi kiện trong quá trình giải quyết vụ án hành chính; trình độ, năng lực chuyên môn còn hạn chế, chưa nắm vững các quy định của pháp luật chuyên ngành quản lý đất đai, pháp luật giải quyết khiếu nại, tố tụng hành chính.

Từ đó, Viện trưởng VKSND tỉnh Nghệ An ban hành kiến nghị đến Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện một số nội dung sau:

1. Chỉ đạo các Sở, ban, ngành, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, UBND các cấp tăng cường các biện pháp để nâng cao chất lượng, bảo đảm việc ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính tuân thủ đúng quy định của pháp luật, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh khiếu kiện như đất đai; chủ động kiểm tra, rà soát, xử lý kịp thời các sai phạm trong việc ban hành, thực hiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

2. Quán triệt UBND các cấp trong công tác giải quyết khiếu nại cần nhận thức đầy đủ và phân biệt rõ trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại để áp dụng đúng đắn trong quá trình thụ lý giải quyết và phân loại đơn theo đúng thẩm quyền do pháp luật đề ra, bảo đảm việc giải quyết khiếu nại kịp thời, khách quan, đúng pháp luật. Đối với những vụ khiếu kiện đông người có tính chất phức tạp, kéo dài, UBND các cấp cần phân công những cán bộ chủ chốt, có năng lực, kinh nghiệm tham gia giải quyết. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc tiến độ giải quyết khiếu nại của công dân.

3. Quán triệt UBND các cấp thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật tố tụng hành chính năm 2015; Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính ở các địa phương; chấp hành nghiêm Điều 55, Điều 60 và Điều 78 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 về trách nhiệm tham gia phiên tòa, tham gia đối thoại, giải trình và cung cấp kịp thời, đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện theo đúng quy định. Xác định đối thoại là giải pháp quan trọng nhằm giải quyết dứt điểm bức xúc, khiếu kiện của người dân.

4. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Sở, ban, ngành, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, UBND các cấp tố chức lưu trữ, quản lý hồ sơ địa chính theo đúng quy định của pháp luật. Tăng cường hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý tài nguyên các cấp, những người trực tiếp thực hiện công tác quản lý đất đai để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, góp phẩn nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đất đai tại địa phương.

5. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong quần chúng nhân dân về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các quy định về giải quyết khiếu nại và các văn bản hướng dẫn khác có liên quan để từng bước nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện và chấp hành pháp luật.

P.V