Ngày 28/11, VKSND thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị vừa ban hành văn bản gửi UBND thị xã Buôn Hồ về việc kiến nghị phòng ngừa tội phạm giết người xảy ra trên địa bàn.

leftcenterrightdel
TAND tỉnh Đắk Lắk xét xử vụ án hình sự và tuyên phạt các bị cáo trú tại Buôn Hồ cùng về tội "Giết người".

Trước đó, thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự trên địa bàn từ ngày 01/12/2021 đến ngày 30/9/2022, VKSND thị xã Buôn Hồ đã thụ lý thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra tổng số 44 vụ, 74 bị can, vụ án hình sự các loại.

Trong đó, nổi lên tội giết người xảy ra 5 vụ, 9 bị can, chiếm tỷ lệ 11,4% tổng số vụ án và 12,1% số bị can đã thụ lý. So với cùng kỳ năm 2021, tội phạm giết người tăng 5 vụ, 9 bị ca.

Thủ đoạn hành vi phạm tội là các đối tượng dùng hung khí nguy hiểm, như: Dao các loại, gậy gỗ, đá, gạch, cuốc, xẻng và các vật cứng khác đánh vào các vùng xung yếu của cơ thể con người như đầu, mặt, ngực, sau gáy…. có thể dẫn đến hậu quả chết người.

Đáng nói, tuy các vụ án xảy ra chưa có hậu quả làm chết người, nhưng xét về tính chất là rất nguy hiểm nên đều phải được xử lý về tội giết người. Đặc biệt, đối tượng đã thực hiện tội phạm chủ yếu là thanh niên có độ tuổi từ 18 đến 23 tuổi,...

Theo VKSND thị xã Buôn Hồ, tội phạm giết người là một trong những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn, gây tang thương, đau khổ cho nhiều gia đình. Mặt khác, làm hoang mang trong quần chúng nhân dân, gây ảnh hưởng rất lớn cho xã hội.

Trước tình hình trên, để góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, VKSND thị xã Buôn Hồ kiến nghị Chủ tịch UBND thị xã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo UBND các xã, phường, các cơ quan đơn vị trên địa bàn thị xã tiếp tục thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của cấp trên. Qua đó, tạo ra sự thống nhất về nhận thức để vận dụng thực hiện có hiệu quả trong thực tiễn về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm giết người nói riêng trên địa bàn thị xã Buôn Hồ.

Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, tình hình địa bàn khu vực, khu dân cư. Từ đó, nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật cho nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên, người lao động ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, tập trung xây dựng, nhân rộng điển hình trong phòng, chống tội phạm, nâng cao chất lượng các mô hình tự quản, tự phòng, tự vệ ở cơ sở, nhất là những địa bàn phức tạp về trật tự xã hội.

Hơn nữa, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm. Nâng cao trình độ dân trí, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động. Chú trọng kết hợp giữa phòng ngừa, giáo dục với đấu tranh trấn áp, lấy phòng ngừa làm chính, coi trọng phòng ngừa xã hội, phòng ngừa từ gia đình và cơ sở.

Mặt khác, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, trong các cơ sở giáo dục đào tạo, chú trọng tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật.

Viện kiểm sát cũng kiến nghị xử lý trách nhiệm của người đứng đầu ở những nơi không làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết mâu thuẫn, hòa giải ở cơ sở mà là nguyên nhân để tội phạm giết người xảy ra.

Ngoài ra, hằng năm, cần tổng kết đánh giá kết quả thực hiện công tác phòng chống tệ nạn xã hội, tội phạm nói chung và công tác phòng chống tội phạm giết người nói riêng trên địa bàn thị xã Buôn Hồ. Bên cạnh đó, coi đây là một tiêu chí để xét thi đua đối với cơ quan, tổ chức và cá nhân. Từ đó, kịp thời khen thưởng những cơ quan, tổ chức và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm giết người nói riêng để động viên khích lệ./.

Nguyễn Chính