Tin từ VKSND tỉnh Nghệ An cho biết, VKSND huyện Quế Phong đã ban hành kiến nghị đến Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, Trưởng Công an và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn trên địa bàn tổ chức rút kinh nghiệm, có biện pháp chất chỉnh, khắc phục vi phạm, thiếu sót để nâng cao chất lượng việc lập hồ sơ đề nghị xem xét áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân trong thời gian tới.

Trước đó, năm 2023 VKSND huyện Quế Phong đã kiểm sát việc lập hồ sơ, phân công Kiểm sát viên tham gia 145 phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân cùng cấp, trong đó có 142 trường hợp đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc (chiếm 98% số hồ sơ đề nghị), 1 trường hợp đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng và 2 trường hợp đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.

leftcenterrightdel
 Đại diện VKS tại phiên họp xem xét áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Năm 2024 huyện Quế Phong được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An giao chỉ tiêu lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện là 110 đối tượng.

Để thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu được phân bổ năm 2024, ngay từ đầu năm VKSND huyện Quế Phong đã chủ động phối hợp với Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện, Công an huyện tổ chức rà soát các đối tượng nghiện ma túy có hồ sơ quản lý đang sinh sống tại địa phương, đồng thời đôn đốc các xã, thị trấn trên địa bàn tăng cường lập hồ sơ đề nghị Tòa án huyện xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc theo quy định.

Theo đó, trong quý I/2024, VKSND huyện Quế Phong đã kiểm sát việc lập hồ sơ và phân công Kiểm sát viên tham gia 11 phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc.

leftcenterrightdel
 Học viên cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện huyện Quế Phong tăng gia sản xuất.

Thông qua công tác kiểm sát, VKSND huyện đã phát hiện nhiều vi phạm, thiếu sót của Công an, UBND cấp xã và Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện trong việc lập hồ sơ đề nghị xem xét áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc, các dạng vi phạm phổ biến như sau: 

UBND cấp xã chậm chuyển hồ sơ đề nghị cho Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện; hồ sơ không đầy đủ tài liệu theo quy định; Vi phạm về xác định tình trạng nghiện ma túy; Một số trường hợp qua xác minh gia đình người bị đề nghị khẳng định không được xác nhận vào Bản cam kết về việc không đồng ý quản lý người nghiện ma túy trong thời gian lập hồ sơ đề nghị; Nhiều hồ sơ có sai sót, như: Các tài liệu trong hồ sơ đề nghị áp dụng căn cứ pháp luật đã hết hiệu lực; ghi không đúng, không thống nhất địa điểm, thời gian phát hiện đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy; ghi không đúng, không thống nhất họ và tên, địa chỉ đối tượng bị đề nghị…; Hồ sơ đề nghị không đánh bút lục theo quy định.

Mặc dù các hồ sơ đề nghị có nhiều vi phạm, thiếu sót nhưng sau khi nhận được hồ sơ Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Quế Phong không phát hiện để trả lại cho cơ quan lập hồ sơ để yêu cầu bổ sung, sữa chữa theo đúng quy định... mà Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện vẫn ban hành văn bản, chuyển hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân huyện xem xét áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc.

Để đảm bảo việc lập hồ sơ đề nghị xem xét áp dụng biện pháp xử lý hành chính nói chung, hồ sơ đề nghị xem xét áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc nói riêng được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị, VKSND huyện Quế Phong đã ban hành kiến nghị như đã nói trên.

P.V