Ngày 13/9/2019, TAND huyện Mê Linh ban hành Thông báo số 52/TB-TLVA về việc thụ lý vụ án “Tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa ông Trần Gia Đại và ông Nguyễn Văn Tiến. Thế nhưng, đến nay đã gần 2 năm, TAND huyện Mê Linh vẫn chưa đưa vụ án ra xét xử, khiến đương sự và dư luận địa phương bức xúc.

TAND thành phố Hà Nội tại Văn bản số 1236 ngày 21/5/2020 và tại Thông báo số 18 ngày 12/1/2021 của TAND tối cao, về việc thông báo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lê Hồng Quang, Phó Chánh án thường trực TAND tối cao, đều đề nghị Chánh án TAND huyện Mê Linh chỉ đạo giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật. 

leftcenterrightdel

Liên ngành Tòa án - VKSND huyện Mê Linh tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm về một vụ án dân sự.

Theo đó, trong quá trình xem xét, giải quyết vụ án, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Nguyễn Văn Tiến nhận thấy, thẩm phán Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chánh án TAND huyện Mê Linh, người ký thụ lý giải quyết vụ án có hành vi vi phạm pháp luật tố tụng nghiêm trọng.

Cụ thể: Không có đối tượng khởi kiện trong vụ án nhưng thẩm phán vẫn thụ lý, là hoàn toàn chưa đủ căn cứ pháp lý theo quy định của Bộ luật dân sự và Bộ luật tố tụng dân sự. Hồ sơ thể hiện, nguyên đơn khởi kiện là “Giấy chuyển nhượng đất” không xác định thửa đất có số diện tích, số vị trí, số lô, số thửa, số tờ bản đồ, số tiền chuyển nhượng, không có phương hướng, tứ cạnh, giáp ranh các hộ liền kề của thửa đất là không đủ chứng cứ chứng minh có căn cứ là đối tượng khởi kiện.

Hơn nữa, đây là một hợp đồng giả tạo được che lấp bằng một hợp đồng vay “tín dụng đen”. Điều này được khẳng định, năm 2016, ông Trần Gia Đại cũng đã khởi kiện ông Nguyễn Văn Tiến bằng chính hợp đồng này tại TAND huyện Mê Linh và Thẩm phán Nguyễn Thị Thu đã đình chỉ vụ án vì không đủ căn cứ pháp lý. Nhưng, không hiểu sao, nay Thẩm phán Nguyễn Thị Kim Thúy vẫn thụ lý và kéo dài thời hạn đưa vụ án ra xét xử, có dấu hiệu vi phạm tố tụng.

Theo quy định tại Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 về “Thời hạn chuẩn bị xét xử”, thì đến nay, đã gần 2 năm vụ án chưa được đưa ra xét xử mà Thẩm phán không có lý do thông báo cho đương sự là vi phạm tố tụng.

Căn cứ Điều 6 Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân; khoản 2 Điều 13 Bộ luật tố tụng dân sự quy định về trách nhiệm của thẩm phán khi giải quyết vụ án: Thẩm phán chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc buộc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Thực hiện chức năng kiểm sát, phát hiện vi phạm, căn cứ Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự, vừa qua, VKSND huyện Mê Linh đã ban hành Kiến nghị số 256, kiến nghị Chánh án TAND huyện Mê Linh giải quyết vụ án theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, sự nghiêm minh trong quá trình thực thi pháp luật dân sự.

Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự:  Thời hạn chuẩn bị xét xử

1. Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án, trừ các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài, được quy định như sau:

a) Đối với các vụ án quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này thì thời hạn là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án;

b) Đối với các vụ án quy định tại Điều 30 và Điều 32 của Bộ luật này thì thời hạn là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.

Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này và không quá 01 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này.

Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

2. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Lập hồ sơ vụ án theo quy định tại Điều 198 của Bộ luật này;

b) Xác định tư cách đương sự, người tham gia tố tụng khác;

c) Xác định quan hệ tranh chấp giữa các đương sự và pháp luật cần áp dụng;

d) Làm rõ những tình tiết khách quan của vụ án;

đ) Xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật này;

e) Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

g) Tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo quy định của Bộ luật này, trừ trường hợp vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn;

h) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Bộ luật này.

3. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều này, tùy từng trường hợp, Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây:

a) Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự;

b) Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;

c) Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;

d) Đưa vụ án ra xét xử.

4. Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.


PV