Quy định chưa đầy đủ và thống nhất về kháng nghị của Viện kiểm sát
Tại khoản 1 Điều 160 Luật thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014 (Luật THADS) quy định “Viện kiểm sát kháng nghị đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân”.
Tại điểm e khoản 2 Điều 12 Luật THADS quy định, khi kiểm sát THADS, Viện kiểm sát có nhiệm vụ, quyền hạn: “Kháng nghị hành vi, quyết định của Thủ trưởng, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, cấp dưới có vi phạm pháp luật nghiêm trọng xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; yêu cầu đình chỉ việc thi hành, thu hồi, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong việc thi hành án, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật”.
|
|
VKSND TP Móng Cái (Quảng Ninh) kiểm sát công tác thi hành án dân sự tại Chi cục thi hành án dân sự TP Móng Cái. |
Như vậy, Điều 12, 160 Luật THADS chỉ ghi nhận quyền kháng nghị của Viện kiểm sát đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan THADS, Chấp hành viên cơ quan THADS cùng cấp và cấp dưới có vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Viện kiểm sát không có quyền kháng nghị đối với các quyết định của Tòa án. Tuy nhiên, tại Điều 64 Luật THADS lại có quy định quyền kháng nghị phúc thẩm, kháng nghị theo thủ tục tái thẩm của Viện kiểm sát đối với quyết định của Tòa án về miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách Nhà nước.
Luật Tổ chức VKSND năm 2014 tuy đã ghi nhận quyền kháng nghị của Viện kiểm sát đối với quyết định của Tòa án trong THADS tại khoản 8 Điều 28, nhưng đây không phải là quyền kháng nghị phúc thẩm, tái thẩm, mà chỉ là quyền kháng nghị yêu cầu đình chỉ việc thi hành án, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật.
Điều 160 Luật THADS quy định Viện kiểm sát kháng nghị đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan THADS, Chấp hành viên cơ quan THADS cùng cấp và cấp dưới theo quy định của Luật Tổ chức VKSND năm 2014 là chưa đầy đủ, bởi lẽ, việc kháng nghị của Viện kiểm sát còn được điều chỉnh bởi Luật THADS (Điều 12, 64, 160), pháp luật tố tụng dân sự.
Ví dụ: theo quy định tại khoản 5 Điều 64 Luật THADS thì trường hợp sau khi quyết định cho miễn, giảm thi hành án có hiệu lực mà phát hiện người phải thi hành án có hành vi cất giấu, tẩu tán tài sản để xin miễn, giảm, trốn tránh việc thi hành án thì cơ quan THADS, Viện kiểm sát đã đề nghị xét miễn, giảm có trách nhiệm đề nghị Chánh án Toà án, Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự xem xét việc kháng nghị quyết định miễn, giảm thi hành án theo thủ tục tái thẩm.
|
|
VKSND TP Sông Công (tỉnh Thái Nguyên) kiểm sát trực tiếp việc tuân theo pháp luật trong thi hành án dân sự tại Chi cục Thi hành án dân sự cùng cấp. Ảnh: vksthainguyen |
Chưa có hướng dẫn về “vi phạm pháp luật nghiêm trọng”
Đến nay, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn, giải thích thuật ngữ “vi phạm pháp luật nghiêm trọng” quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Tổ chức VKSND năm 2014, dẫn đến việc đánh giá tính chất của vi phạm pháp luật để ban hành kháng nghị của Viện kiểm sát chưa được thống nhất. Cùng một vi phạm, có ý kiến cho rằng là vi phạm ít nghiêm trọng chỉ kiến nghị, nhưng ý kiến khác lại đề nghị kháng nghị vì cho rằng vi phạm này là nghiêm trọng.
Ví dụ: Theo Bản án số 14 ngày 14/7/2020 của TAND huyện A, Nguyễn Hồng T. phải thi hành khoản án phí hình sự sơ thẩm 200.000 đồng, tuyên tịch thu sung công quỹ Nhà nước 9.700.000 đồng; tuyên tịch thu, tiêu hủy 02 bộ bài mỗi bộ 52 con; tịch thu và tiêu hủy sợi dây chuyền kim loại bạc màu trắng có trọng lượng khoản 2 chỉ (khoản tuyên tịch thu và tiêu hủy chính là tang vật của vụ án).
Ngày 21/8/2020, Chi cục THADS huyện A ra Quyết định thi hành án chủ động số 29/QĐ-CCTHA, cho thi hành khoản thuộc diện chủ động thi hành án đối với Nguyễn Hồng T. như sau: 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm, tịch thu sung công quỹ Nhà nước 9.700.000 đồng, tịch thu tiêu hủy 02 bộ bài, mỗi bộ 52 con, tịch thu và tiêu hủy sợi dây chuyền kim loại bạc màu trắng có trọng lượng khoản 2 chỉ.
Như vậy, quyết định thi hành án nêu trên có vi phạm vì đã cho thi hành vượt quá phần nghĩa vụ mà Nguyễn Hồng T. phải chịu. Theo Bản án, T. chỉ phải thi hành 200.000 đồng tiền án phí hình sự sơ thẩm (còn các khoản khác là tang vật của vụ án), nhưng quyết định thi hành án lại buộc T phải thi hành thêm số tiền 9.700.000 đồng và các khoản tang vật khác của vụ án; lẽ ra Cơ quan THADS phải thi hành tách các khoản tang vật của vụ án độc lập với nghĩa vụ của T. mới đúng nội dung bản án đã tuyên.
Xung quanh vi phạm nêu trên của Chi cục THADS huyện A đã có hai quan điểm khác nhau. Có ý kiến cho rằng vi phạm này ít nghiêm trọng, chỉ cần kiến nghị, nhưng một số ý kiến khác cho rằng vi phạm này nghiêm trọng cần phải ban hành kháng nghị theo hướng sửa đổi quyết định thi hành án.
|
|
Kiểm sát viên VKSND huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) thực hiện trình chiếu tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên toà dân sự. Ảnh: Đỗ Thanh Tâm |
Đề xuất, kiến nghị
Bổ sung vào Luật Tổ chức VKSND năm 2014 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn kháng nghị phúc thẩm, tái thẩm của Viện kiểm sát đối với quyết định của Tòa án về miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách Nhà nước.
Đối với Luật THADS, đề nghị bổ sung vào điểm e khoản 2 Điều 12, Điều 160 Luật THADS nhiệm vụ, quyền hạn kháng nghị phúc thẩm, tái thẩm của Viện kiểm sát đối với quyết định của Tòa án về miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách Nhà nước, đồng thời mở rộng phạm vi các văn bản pháp luật điều chỉnh việc kháng nghị của Viện kiểm sát trong công tác THADS, cụ thể:
Bổ sung vào điểm e khoản 2 Điều 12 Luật THADS như sau: “Kháng nghị hành vi, quyết định của Thủ trưởng, Chấp hành viên cơ quan THADS cùng cấp, cấp dưới có vi phạm pháp luật nghiêm trọng xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; yêu cầu đình chỉ việc thi hành, thu hồi, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong việc thi hành án, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật; kháng nghị phúc thẩm, tái thẩm quyết định đối với quyết định của Tòa án về miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách Nhà nước”.
Sửa đổi, bổ sung Điều 160 Luật THADS như sau:
“Điều 160. Quyền kháng nghị của Viện kiểm sát
1. Viện kiểm sát kháng nghị đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới theo quy định của Luật này, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; kháng nghị phúc thẩm, tái thẩm quyết định đối với quyết định của Tòa án về miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật”.
2. Thời hạn kháng nghị đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc phát hiện hành vi vi phạm.
Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát đối với quyết định của Tòa án về miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.”
Cơ quan có thẩm quyền cần có văn bản giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về thuật ngữ “Vi phạm pháp luật nghiêm trọng” quy định tại Điều 5 của Luật Tổ chức VKSND năm 2014 nhằm thống nhất trong nhận thức và áp dụng pháp luật.