leftcenterrightdel
Thông qua công tác Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, VKSND tỉnh Đắk Lắk tổng hợp, ban hành kiến nghị phòng ngừa.

Thực tiễn việc thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Trong thời gian qua, tình hình vi phạm và tội phạm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vẫn diễn biến phức tạp, các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan được giao hoạt động điều tra theo quy định của BLTTHS đã kịp thời xác minh, làm rõ hành vi vi phạm và tội phạm để xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời đã căn cứ Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 và Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ để ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực liên quan.

Qua thống kê, từ ngày 1/1/2021 đến ngày 31/5/2022 các cơ quan đã ban hành 978 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính (Quyết định phạt cảnh cáo 84 trường hợp, Quyết định phạt tiền 894 trường hợp). Trong số 894 quyết định phạt tiền đã thi hành xong 640 Quyết định, còn lại 254 Quyết định phạt tiền chưa thi hành (còn thời hiệu thi hành 217 trường hợp, hết thời hiệu thi hành theo quy định tại Điều 74 Luật xử lý vi phạm hành chính 37 trường hợp).

Số liệu trên cho thấy, số quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền chưa thi hành chiếm tỷ lệ gần 29% và có nhiều trường hợp đã hết thời hiệu thi hành, đã ảnh hưởng đến việc thu, nộp ngân sách nhà nước, ảnh hưởng tính nghiêm minh của pháp luật, đặc biệt có trường hợp trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa thi hành, nay lại tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm.

Do chưa đủ định lượng để xử lý trách nhiệm hình sự và quyết định xử phạt vi phạm hành chính trước đó đã hết thời hiệu thi hành theo quy định tại Điều 74 Luật xử lý vi phạm hành chính nên không đủ căn cứ để xử lý trách nhiệm hình sự đối với các đối tượng vi phạm.

Đơn cử: Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 32/QĐ-XPVPHC ngày 17/6/2020 của Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn, phạt 5 triệu đồng đối với Y Bơ Adrơng về hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật, nhưng sau đó đơn vị không tiến hành lập biên bản kiểm tra, xác minh, đôn đốc việc thi hành nên Y Bơ Adrơng chưa thi hành.

Ngày 20/6/2021, Y Bơ Adrơng tiếp tục khai thác trái phép 0,208 m3 gỗ giáng hương nhóm IIA. Tuy nhiên, tính đến thời điểm vi phạm lần hai đã hết thời hạn 1 năm (theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật xử lý vi phạm hành chính) nên Y Bơ Adrơng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm m khoản 1 Điều 232 BLHS.

Viện kiểm sát xác định nguyên nhân

Số quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền chưa thi hành chiếm tỷ lệ cao và có những quyết định đã hết thời hiệu thi hành tập trung vào những nguyên nhân sau:

leftcenterrightdel
 Hình ảnh buổi làm việc của VKSND tỉnh Đắk Lắk cùng các cơ quan chức năng.

- Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền ra quyết định xử lý vi phạm hành chính chưa thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt của các cá nhân vi phạm theo quy định tại Điều 73 Luật Luật xử phạt vi phạm hành chính.

Các đơn vị liên quan chưa kịp thời lập biên bản về việc người vi phạm cố tình trốn tránh hoặc trì hoãn việc chấp hành quyết định xử phạt để có căn cứ xác định thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 74 Luật xử phạt vi phạm hành chính hoặc để làm căn cứ cho việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 86 Luật xử lý vi phạm hành chính.

Thực tiễn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn gặp nhiều khó khăn do công tác quản lý nhân hộ khẩu, rất nhiều trường hợp người phải thi hành quyết định xử phạt hành chính bỏ đi khỏi địa phương làm ăn, sinh sống lâu năm, nhưng hộ khẩu thường trú vẫn còn đăng ký tại địa phương, khi đi không khai báo tạm vắng nên quá trình xác minh hầu hết chính quyền địa phương đều không nắm được địa chỉ cụ thể nơi họ đang sinh sống và làm việc, do quản lý nhân khẩu còn chưa chặt chẽ.

Hoạt động xác minh điều kiện về tài sản, về thu nhập của người phải thi hành quyết định xử phạt hành chính còn hạn chế, làm tăng số lượng tồn đọng nhưng không có biện pháp khắc phục, là nguyên nhân ảnh hưởng đến tỷ lệ giải quyết việc thi hành các quyết định xử phạt hành chính.

Viện kiểm sát kiến nghị các giải pháp phòng ngừa

Để các quyết định xử phạt vi phạm hành chính được chấp hành nghiêm chỉnh, đúng quy định của pháp luật, VKSND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành kiến nghị đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo khắc phục tình trạng nêu trên. Cụ thể:

Tăng cường chỉ đạo các cơ quan trực thuộc UBND tỉnh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải theo dõi chặt chẽ các quyết định xử phạt hành chính đã ban hành và thường xuyên xác minh, kiểm tra, đôn đốc việc thi hành quyết định xử phạt hành chính đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm.

Trường hợp người vi phạm cố tình trốn tránh, trì hoãn việc chấp hành quyết định xử phạt thì phải lập biên bản để làm cơ sở cho việc tính thời hiệu thi hành quyết định xử phạt hành chính, làm căn cứ cho việc áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính và là căn cứ để xử lý người vi phạm theo quy định của pháp luật nếu tiếp tục vi phạm, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, chống bỏ lọt tội phạm và chống gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.

Chỉ đạo tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với các cơ quan thuộc UBND tỉnh về việc tổ chức thi hành các Quyết định xử phạt vi phạm hành chình, kịp thời phát hiện các vi phạm trong việc tổ chức thi hành các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính để chấn chỉnh, khắc phục.

Xây dựng Cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi địa phương; chỉ đạo các sở, ban, ngành cung cấp thông tin để phục vụ công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính nhằm quản lý tốt việc xử phạt và thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh./.

Ngọc Trâm - Hải Âu