Đây là một trong những căn cứ để VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh (Viện cấp cao 3) tiến hành kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án hình sự sơ thẩm số 33/2020/HS-ST ngày 25/9/2020 của TAND huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.
Theo bản án, vào khoảng 10h ngày 6/4/2020, bị cáo Trần Đình Phong, SN 1986 ngụ huyện Hàm Tân, đi xe mô tô đến gần cửa hàng điện thoại Thái Hùng thuộc xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân thì hết xăng. Phong ghé vào cửa hàng xin mua thiếu card điện thoại để gọi người nhà đem tiền tới, tuy nhiên chủ cửa hàng không đồng ý bán thiếu. Phong bực tức đạp vào 2 loa kéo di động làm loa ngã vào tủ kính gây vỡ kính và móp méo 2 loa kéo. Đồng thời khi thấy xe mô tô biển số 86B6-150.18 của ông Phan Văn Nhâm dựng trước cửa hàng cắm sẵn chìa khoá nhưng không có người trông coi, Phong nhanh chóng nổ máy chạy xe đi làm ông Nhâm và mọi người gần đó không kịp ngăn cản.
Ngay khi chiếm đoạt xe, Phong đến UBND xã Sơn Mỹ chạy vào phòng làm việc của Văn phòng Đảng ủy la hét và giật điện thoại di động hiệu Samsung A30s trên tay chị Phan Thị Hà Nhi rồi lên xe tẩu thoát.
Lúc này anh Võ Duy Trường là Phó Công an xã Sơn Mỹ phát hiện nên dùng xe mô tô biển số 86X1-0962 chở anh Hoàng Văn Nhiệm truy đuổi Phong đến nhà để yêu cầu về xã làm việc (khi đó cả hai người đều mặc thường phục). Phong không chấp hành mà còn dùng búa bổ củi rượt đuổi hai người làm anh Trường và anh Nhiệm phải bỏ chạy. Sau đó Phong quay lại dùng búa chém liên tiếp vào xe mô tô biển số 86X1-0961 làm hư hỏng một số phụ tùng.
|
|
Quyết định kháng nghị của Viện cấp cao 3 |
Trong quá trình điều tra Trần Đình Phong khai nhận 2 vụ chiếm đoạt xe mô tô và điện thoại di động nói trên. Phong cũng thừa nhận đã đập phá làm hư hỏng tài sản tại cửa hàng điện thoại Thái Hùng, đập phá làm hư hỏng xe mô tô biển số 86X1-0962 của anh Võ Duy Trường, cùng việc dùng búa rượt đuổi anh Trường và anh Nhiệm.
Theo kết quả định giá thì giá trị xe mô tô biển số 86B6-150.18 là 9.100.000 đồng, điện thoại Samsung A30s là 2.250.000 đồng, tủ kính hư hỏng là 507.000 đồng, xe mô tô 86X1-0962 bị hư hỏng là 1.808.000 đồng, loa di động hiệu Bose bị chà xướt là 200.000 đồng, loa di động hiệu Avcrow bị móp là 500.000 đồng.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 33/2020/HS-ST ngày 25/9/2020, TAND huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận xử phạt Trần Đình Phong 9 tháng tù về tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” và 1 năm tù về tội “Cướp giật tài sản” theo quy định tại khoản 1, Điều 172 và khoản 1, Điều 171 Bộ luật hình sự năm 2015.
Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, Viện cấp cao 3 đánh giá tại thời điểm chiếm đoạt xe mô tô biển số 86B6-150.18, Phong lợi dụng sơ hở của ông Nhâm dựng xe không rút chìa khóa và đang đứng bế cháu cách xa xe mô tô đến 7,5m nên đã lên xe nổ máy và tẩu thoát. Ông Nhâm nhìn thấy nhưng không kịp phản ứng, ngăn cản và lúc Phong nổ máy chạy xe đi thì ông Nhâm không còn chiếm giữ tài sản được nữa. Do đó hành vi nêu trên của Phong phạm tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”, việc Viện kiểm sát nhập hành vi chiếm đoạt xe mô tô của ông Nhâm chung với hành vi giật điện thoại di động Samsung A30s của chị Nhi để truy tố Phong về tội “Cướp giật tài sản” là chưa chính xác.
Khi tiến hành xét xử, TAND huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận xử bị cáo về tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” đối với hành vi chiếm đoat xe mô tô 86B6-150.18 và tội “Cướp giật tài sản” đối với hành vi chiếm đoạt điện thoại di động Samsung A30s là chính xác. Tuy nhiên, Viện kiểm sát chỉ truy tố Phong về 1 tội “Cướp giật tài sản” nhưng TAND huyện Hàm Tân xét xử bị cáo thêm tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” là vi phạm giới hạn của việc xét xử theo quy định tại khoản 1 điều 198 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Ngoài ra thì Phong còn đạp hư hỏng 2 loa di động làm thiệt hại 700.000 đồng, đập vỡ tủ kiếng làm thiệt hại 507.000 đồng và dùng búa đập phá làm hư hỏng một số phụ tùng của xe mô tô biển số 86X1-0962 làm thiệt hại 1.808.000 đồng. Căn cứ theo quy định tại Điểm a Mục 5 Phần II của Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 của TAND tối cao, VKSND tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp về hướng dẫn một số quy định tại chương XIV, các tội xâm phạm sở hữu của Bô luật hình sự năm 1999 thì “hành vi làm hư hỏng tài sản của bị cáo Phong diễn ra một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian (1 buổi trưa) nên cần cộng tổng giá trị tài sản mà bị cáo làm hư hỏng để truy cứu trách nhiệm hình sự”, Viện cấp cao 3 đánh giá.
Trong trường hợp này tổng giá trị tài sản mà Phong đã đập phá, làm hư hỏng của các bị hại ở mức trên 2.000.000 đồng, hoàn toàn đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” theo quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015. Các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm không tiến hành khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản này của bị cáo Phong là có dấu hiệu bỏ lọt hành vi phạm tội.
Từ các căn cứ nói trên cho thấy bản án hình sự sơ thẩm đã nêu vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và có dấu hiệu bỏ lọt hành vi phạm tội. Do đó Viện cấp cao 3 đã ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 203/QĐ-VC3-V1 ngày 17/8/2021, kháng nghị bản án hình sự sơ thẩm số 33/2020/HS-ST ngày 25/9/2020 của TAND huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận và đề nghị TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án nói trên để điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung./.