Đây là một trong những nội dung quan trọng được nêu tại Chỉ thị của Chánh án TAND tối cao về việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác Tòa án năm 2023.
Theo đó, Chỉ thị nêu rõ, Toà án cần tăng cường phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp, cơ quan tổ chức hữu quan, cơ quan bổ trợ tư pháp trong điều tra, xử lý các loại vụ án, vụ việc. Quan tâm giải quyết, khắc phục kịp thời những sai sót, vi phạm đã được Viện kiểm sát kiến nghị và kịp thời đề ra các biện pháp, giải pháp phòng ngừa các thiếu sót, vi phạm, nhất là các vi phạm có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của Tòa án. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp rà soát các bản án dân sự chưa thi hành do tuyên không rõ ràng để kịp thời giải thích, đính chính hoặc đề xuất kháng nghị theo quy định.
Cùng với nội dung trên, Chỉ thị công tác năm 2023 của Chánh án TAND tối cao còn xác định, trong công tác xét xử các vụ án hình sự, bảo đảm xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm cũng như vi phạm thời hạn tạm giam trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Việc xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo, áp dụng hình phạt khác không phải là hình phạt tù phải bảo đảm có căn cứ, đúng pháp luật.
Đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ nghiêm trọng, phức tạp, các vụ án dư luận xã hội quan tâm; nhất là chủ động, tích cực tổ chức xét xử nghiêm túc, đảm bảo đúng tiến độ, đúng pháp luật đối với các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Có giải pháp tăng hiệu quả thu hồi tài sản do phạm tội mà có đối với các vụ án này.
Trong công tác giải quyết các vụ việc dân sự, cần có giải pháp hữu hiệu để đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử, nhất là các vụ án kinh doanh, thương mại, các yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp. Bảo đảm không để án quá hạn luật định do nguyên nhân chủ quan của Tòa án; hạn chế tối đa việc tạm đình chỉ nhiều lần đối với một vụ án, tạm đình chỉ giải quyết vụ án không có căn cứ pháp luật. Tiếp tục cải thiện chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng và chỉ số giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp của Việt Nam.
|
|
Quang cảnh một phiên toà xét xử vụ án hình sự. (Ảnh minh hoạ) |
Tăng cường hỗ trợ hoạt động của Trọng tài thương mại. Khắc phục triệt để các thiếu sót, vi phạm trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự. Giảm mạnh các bản án, quyết định tuyên không rõ, gây khó khăn cho công tác thi hành án. Tiếp tục làm tốt công tác hoà giải các vụ việc dân sự theo Chỉ thị số 04/2017/CT-CA ngày 3/10/2017 của Chánh án TAND tối cao để nâng cao hơn nữa tỉ lệ hòa giải thành các vụ việc dân sự.
Trong công tác giải quyết các vụ án hành chính, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03/2018/CT-CA ngày 5/12/2018 của Chánh án TAND tối cao để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các vụ án hành chính, hạn chế thấp nhất việc để án quá hạn không đúng quy định của pháp luật; nâng tỷ lệ đối thoại thành các khiếu kiện hành chính. Các TAND cấp tỉnh cần tích cực triển khai xây dựng và thực hiện nghiêm Quy chế phối hợp với Ban cán sự đảng UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chủ động tham mưu cho cấp ủy địa phương về giải quyết vụ án hành chính.
Đồng thời, có giải pháp cụ thể để khắc phục các hạn chế, thiếu sót trong công tác giải quyết án hành chính đã được xác định trong thời gian qua như: Tỉ lệ án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt yêu cầu của Quốc hội; một số trường hợp còn có vi phạm về thời hạn giao văn bản tố tụng; xác định chưa chính xác thời hiệu khởi kiện… Tiếp tục làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu để nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của Thẩm phán được giao xét xử vụ án hành chính.
Nâng cao chất lượng xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính và biện pháp đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Đảm bảo việc ra quyết định thi hành án hình sự đúng thời hạn luật định; việc hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù phải đủ căn cứ và đúng pháp luật. Kịp thời giải quyết bồi thường cho người bị thiệt hại và xử lý nghiêm trách nhiệm của người gây oan sai theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước bảo đảm khách quan, thận trọng, công bằng.
Thực hiện hiệu quả Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án góp phần làm giảm áp lực về công việc cho các Tòa án. Chấn chỉnh và khắc phục ngay những hạn chế, thiếu sót trong triển khai thi hành; trong điều kiện hiện có cần ưu tiên bố trí phòng làm việc cũng như trang thiết bị phục vụ công tác hòa giải phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị; đồng thời, tăng cường phổ biến, tuyên truyền trực tiếp cho nhân dân, đương sự về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Trong giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, cần đề ra các giải pháp đột phá để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu do Quốc hội đề ra; bảo đảm việc trả lời đơn có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Khắc phục tình trạng đã trả lời không có căn cứ kháng nghị, nhưng sau đó lại kháng nghị hoặc kháng nghị nhưng sau đó lại phải rút kháng nghị. Rà soát, phân loại để xem xét, giải quyết các đơn sắp hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, đảm bảo không để các vụ việc quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật.
Nâng cao chất lượng quyết định kháng nghị; quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm và bảo đảm công tác giám đốc thẩm, tái thẩm phải có căn cứ, đúng pháp luật; chỉ xem xét kháng nghị, xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm khi phát hiện có những sai sót, vi phạm nghiêm trọng làm thay đổi bản chất vụ án. Khắc phục cơ bản tình trạng chậm gửi quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Tăng cường công tác kiểm tra, giám đốc việc xét xử của Toà án cấp trên đối với Tòa án cấp dưới để kịp thời phát hiện, khắc phục, rút kinh nghiệm những sai sót chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình giải quyết, xét xử các loại vụ việc.
Triển khai sâu rộng việc tranh tụng tại phiên tòa theo hướng thực chất, hiệu quả. Tăng cường tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm để giúp các Thẩm phán tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, nâng cao chất lượng tổ chức phiên tòa và coi đây là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Thẩm phán. Tiếp tục duy trì chỉ tiêu mỗi Thẩm phán phải chủ tọa ít nhất một phiên tòa rút kinh nghiệm; tùy tình hình thực tiễn, lãnh đạo đơn vị xem xét giao bổ sung chỉ tiêu này cho từng Thẩm phán.
Nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án, bảo đảm đúng pháp luật, chặt chẽ, rõ ràng, khả thi. Chỉ đạo thực hiện đúng các quy định, hướng dẫn về nội dung, hình thức bản án, quyết định. Kịp thời sửa chữa, bổ sung bản án theo quy định đối với các bản án, quyết định có sai sót. Thực hiện nghiêm các quy định về thời hạn gửi bản án, quyết định của Tòa án cho đương sự và cơ quan hữu quan theo quy định.
Thực hiện nghiêm túc việc công khai bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân; phấn đấu trong năm 2023 và các năm tiếp theo, 100% bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, có đủ điều kiện công khai đều được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án.
Bên cạnh đó, Toà án các cấp cần thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 ngày 7/10/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chỉ thị số 03/2022/CT-CA ngày 6/12/2022 của Chánh án TAND tối cao về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Phát huy và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu Tòa án, đơn vị trong việc tổ chức công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chủ động xây dựng các nội quy, quy trình, quy chế phối hợp trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phù hợp với đặc thù của mỗi Tòa án, đơn vị. Thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân định kỳ và đột xuất, gắn việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Mặt khác, Toà án tiếp tục triển khai thi hành nghiêm túc Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Khẩn trương bố trí, trang bị phương tiện, điều kiện bảo đảm cần thiết cho hoạt động xét xử trực tuyến. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông để tuyên truyền, phổ biến đến người dân và toàn xã hội về phương thức và ý nghĩa của việc xét xử trực tuyến…