Về đối tượng áp dụng, dự thảo Thông tư liên tịch quy định gồm: Cơ quan điều tra trong CAND, Cơ quan điều tra VKSND tối cao; VKSND các cấp, TAND các cấp; người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc các cơ quan quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 2; Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư liên tịch cũng quy định rõ nguyên tắc phối hợp trao đổi thông tin trong điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền, tài trợ khủng bố là phải tuân thủ đúng chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật; được thực hiện thường xuyên, bảo đảm nắm bắt kịp thời thông tin góp phần phối hợp giải quyết vụ án đúng pháp luật và bảo đảm bí mật Nhà nước, bí mật công tác theo quy định của pháp luật và quy định của mỗi ngành.

Dự thảo Thông tư liên tịch cũng quy định về các hành vi bị nghiêm cấm đó là hành vi thu thập, tiết lộ trái phép thông tin về tình hình, kết quả điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền, tài trợ khủng bố hoặc lợi dụng để thu thập, cung cấp trái phép thông tin cá nhân, thông tin khác không thuộc phạm vi điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Sử dụng thông tin cá nhân, thông tin khác không thuộc phạm vi điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền, tài trợ khủng bố vào mục đích cá nhân hoặc các mục đích khác không thuộc phạm vi điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền, tài trợ khủng bố. 

Về phạm vi trao đổi thông tin, dự thảo Thông tư liên tịch quy định, trong giai đoạn điều tra: Thẩm quyền điều tra vụ án hình sự; nhập tách vụ án hình sự; những vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự; việc chứng minh dòng tiền; vật chứng; giám định, định giá tài sản; việc áp dụng chính sách hình sự; việc áp dụng, thay đổi biện pháp ngăn chặn; tương trợ tư pháp về hình sự; đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can; tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can; kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, tạm giữ đồ vật, tài liệu; việc áp dụng các biện pháp xử lý vật chứng và những thông tin khác trong giai đoạn điều tra mà các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xét thấy cần thiết trao đổi.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên toà xét xử vụ Công ty Địa ốc Alibaba. (Ảnh minh hoạ)

Trong giai đoạn truy tố: Nhập, tách vụ án hình sự trong giai đoạn truy tố; Quyết định chuyển vụ án để truy tố theo thẩm quyền; Quyết định truy tố; Quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung; việc áp dụng chính sách hình sự; đình chỉ vụ án hình sự, đình chỉ bị can; tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ bị can; phục hồi vụ án và những thông tin khác trong giai đoạn truy tố mà các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xét thấy cần thiết trao đổi.

Trong giai đoạn xét xử: Yêu cầu bổ sung tài liệu chứng cứ, chuyển vụ án trong giai đoạn xét xử; việc áp dụng chính sách hình sự; tạm đình chỉ vụ án, đình chỉ vụ án và những thông tin khác trong giai đoạn giai đoạn xét xử mà các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xét thấy cần thiết trao đổi.

Ngoài ra, dự thảo Thông tư liên tịch còn quy định cụ thể về trách nhiệm của VKSND tối cao. Cụ thể, hàng năm, VKSND tối cao xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình, Kế hoạch phối hợp trong công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố theo chức năng, nhiệm vụ của VKSND tối cao.

Hàng năm, VKSND tối cao phối hợp với Bộ Công an tổ chức họp liên ngành để đánh giá tình hình phòng, chống tội phạm rửa tiền, tài trợ khủng bố, kết quả thực hiện Thông tư liên tịch, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đề ra giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền, tài trợ khủng bố. Chậm nhất 10 ngày trước khi tổ chức họp, VKSND tối cao, có văn bản gửi Bộ Công an về nội dung và các vấn đề khác liên quan phục vụ tổ chức họp.

Phối hợp Bộ Công an, TAND tối cao rà soát, xây dựng, ban hành văn bản liên quan đến công tác thực thi pháp luật trong điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền, tài trợ khủng bố theo đúng trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật.

Phối hợp với Bộ Công an hướng dẫn, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của cơ quan điều tra trong CAND trong quá trình điều tra các vụ án về tội rửa tiền, tài trợ khủng bố. Viện Kiểm sát cấp trên có trách nhiệm hướng dẫn về nghiệp vụ, pháp luật, kịp thời tiếp nhận thông tin, trả lời thỉnh thị của Viện Kiểm sát cấp dưới để bảo đảm quá trình giải quyết tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, VKSND tối cao tổ chức sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm trong hoạt động kiểm sát điều tra, truy tố tội phạm rửa tiền, tài trợ khủng bố của Viện Kiểm sát các cấp.

P.V